Nghị sĩ Hoa Kỳ kêu gọi thả kỹ sư mỏ dầu Thắng Lợi bị ĐCSTQ bắt cóc
- Eva Fu
- •
Lần cuối cùng ông Chu Đức Dũng (Zhou Deyong) nhìn thấy vợ và con trai ở Florida trước khi bay về Trung Quốc để chăm sóc cha mẹ 87 và 90 tuổi là 6 tháng trước.
Hiện ông đang bị giam trong một trung tâm giam giữ ở Trung Quốc và hiếm khi được tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Vợ ông tập Pháp Luân Công, một phương pháp tu luyện Phật gia đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp tàn nhẫn trong hơn hai thập kỷ.
Ông Chu Đức Dũng, kỹ sư địa chất bậc cao tại Viện Khoa học Địa chất của mỏ dầu Thắng Lợi – cơ sở sản xuất dầu thô lớn thứ hai của Trung Quốc, đã bị bắt tại nhà riêng ở Đông Doanh, tỉnh Sơn Đông vào ngày 23/4. Chính quyền cáo buộc ông Chu “lợi dụng tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” – một cáo buộc phổ biến của chế độ Cộng sản Trung Quốc, vốn gần như không chút khoan nhượng đối với những người có tín ngưỡng.
Theo một báo cáo trên trang Minh Huệ (minghui.org) của Pháp Luân Công, cảnh sát đã khám xét nhà của ông Chu mà không xuất trình bất kỳ văn kiện hay giấy tờ pháp luật nào và lấy đi hơn 100 cuốn sách của môn Pháp Luân Công cùng các tập sách nhỏ liên quan mà gia đình ông để lại khi họ chạy trốn sang Hoa Kỳ.
Người nhà đã linh cảm có điều bất ổn khi gọi điện cho ông Chu mà đến mấy ngày sau vẫn không có ai trả lời. Sau đó, họ tìm thấy tên của ông Chu trong một báo cáo về cuộc bức hại Pháp Luân Công đăng trên trang Minh Huệ, trong đó cũng đề cập đến việc bắt giữ 18 học viên Pháp Luân Công trong khu vực gần nhà ông.
Theo Luật Hình sự Trung Quốc, việc sản xuất và phổ biến 250 cuốn sách Pháp Luân Công và các ấn phẩm liên quan có thể phải đối mặt từ 3 đến 7 năm tù. 50 cuốn sách, có thể bị kết án đến 3 năm tù.
“Đá chìm xuống đáy biển”
Nhà chức trách luôn giữ bí mật tuyệt đối bất kỳ thông tin nào về những người bị giam giữ. Vợ của ông Chu, bà Vưu Linh, đã nhiều lần gọi đến các đồn cảnh sát địa phương và các trại tạm giam ở Trung Quốc, nhưng hầu như không có ai nghe máy. Cũng có lúc, khi điện thoại được kết nối, bên kia sẽ né tránh trả lời câu hỏi hoặc bật “hồng ca” (bài hát cách mạng đỏ của Đảng Cộng sản) để đáp lại.
“Giống như đá chìm xuống đáy biển, (họ) hoàn toàn phớt lờ”, con trai của ông Chu nói với thời báo Epoch Times.
“Lúc đầu, tôi chỉ có thể suy đoán lý do tại sao cha mình bị bắt,” anh nói. “Tôi nghĩ rằng cha tôi cũng không biết điều đó”.
Ban đầu, chính quyền từ chối yêu cầu gặp luật sư của ông Chu. Đến ngày 25/5, một ngày trước khi diễn ra cuộc họp trực tuyến theo dự kiến, cảnh sát đã gọi cho luật sư để hủy bỏ cuộc họp với lý do “điều kiện thời tiết.”
Con trai ông Chu cho biết: “Trong những ngày đó, thời tiết không có gì khắc nghiệt, thiết bị hội nghị cũng chỉ là phần mềm cài đặt trong đồn cảnh sát và một camera. Mưa gió không nên ảnh hưởng đến điều này”. “Chỉ là kiếm cớ, không muốn để chúng tôi xem.”
Tại Hoa Kỳ, hoàn cảnh của gia đình ông Chu đã nhận được sự quan tâm của ông Gus Bilirakis, dân biểu Florida. Ông Bilirakis sau đó đã viết thư cho ông Tập Cận Bình, kêu gọi trả tự do cho ông Chu.
Dân biểu Gus Bilirakis cũng là đồng chủ tịch của Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế của Quốc hội Hoa Kỳ và là thành viên của Ủy ban Nhân quyền Lantos. Ông cho biết sẽ “làm mọi thứ có thể để đảm bảo ông Chu được thả.”
“Những việc mà ĐCSTQ đã làm với những người tốt này là không thể bào chữa được”, ông Bilirakis chỉ trích cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
“Điều này không nên lại tiếp tục xảy ra, nhưng nó đã xảy ra.”
Ông Bilirakis là cháu trai của một người nhập cư Hy Lạp. Ông kể lại rằng trong cuộc đàn áp những người theo đạo Cơ đốc Chính thống Hy Lạp vào đầu những năm 1900, gia đình ông đã buộc phải rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Ký ức này khiến ông đồng cảm với các học viên Pháp Luân Công.
Ông nói: “Họ đều là những người ôn hòa. Họ nên có quyền thực hành bất kỳ bài tập tinh thần nào”. “Đây là một việc rất tốt đẹp.”
Áp lực của Hoa Kỳ cũng đã khởi tác dụng. Nửa giờ sau, con trai của ông Chu đề cập đến bức thư của Hạ nghị sĩ Billy Rakis trong một cuộc điện thoại cho các quan chức tư pháp của ĐCSTQ. Trung tâm giam giữ sau đó đã gọi cho luật sư và nói rằng cuộc họp sẽ tiếp tục.
Người nhà của ông Chu cho biết, sau khi nhận được tin tức mới nhất từ luật sư, họ rất lo lắng cho sức khỏe của ông. Chỉ vài tuần nữa, ông Chu sẽ 60 tuổi, giờ trông ông gầy ốm hơn trước rất nhiều. Ông cũng nhờ luật sư nói với con trai, để vợ và con trai của ông ở lại Hoa Kỳ.
Về hoàn cảnh hiện tại của ông Chu, gia đình đã cẩn thận giữ bí mật với cha mẹ ông, họ đều đã cao tuổi và bị bệnh tim, huyết áp cao. Mọi người nói với cha mẹ ông Chu rằng ông đã trở lại Hoa Kỳ lần thứ hai.
Theo thống kê của Minh Huệ, trong hai tháng từ ngày 1/3 đến ngày 30/4, gần 2.860 học viên Pháp Luân Công đã bị cảnh sát ĐCSTQ sách nhiễu hoặc bắt giữ.
Tại thành phố Đông Doanh, quê hương của ông Chu, cảnh sát địa phương đã phát động một hoạt động trong năm nay để thu thập thông tin cá nhân của tất cả các học viên Pháp Luân Công, bao gồm địa chỉ cư trú, chi tiết xe cá nhân và số điện thoại.
Mỏ dầu Thắng Lợi
Mỏ dầu Thắng Lợi thuộc sở hữu nhà nước của ĐCSTQ, nơi có hàng chục ngàn nhân viên làm việc, bao gồm cả ông Chu Đức Dũng và người vợ Vưu Linh. Trong những năm qua, hàng ngàn nhân viên ở mỏ dầu Thắng Lợi đã bị lục soát, giam giữ, lao động cưỡng bức hoặc bỏ tù vì kiên trì tu luyện Pháp Luân Công. Hàng chục người đã bị mất việc và ít nhất 11 người đã chết trong cuộc đàn áp đang kéo dài này.
Vào năm 2012, bà Vưu Linh đã bị giam giữ tại “nhà tù hắc ám” ở mỏ dầu Thắng Lợi trong hơn 40 ngày và bị buộc phải xem các tài liệu phỉ báng Pháp Luân Công mỗi ngày.
Bà Vưu Linh cho biết: “(Khi tôi ở Trung Quốc), mỗi lần tôi ra ngoài để nói sự thật về Pháp Luân Công, tôi không biết liệu mình có thể trở về hay không.” Vì để tránh việc bị theo dõi, bà đã cố gắng hạn chế tối đa sử dụng điện thoại di động trong 20 năm qua.
Cô Thạch Ninh (Shi Ning), một cựu kỹ sư trung tâm dữ liệu tại mỏ dầu Thắng Lợi, người đang phải sống lưu vong ở Hoa Kỳ vì kiên trì tu luyện Pháp Luân Công, nói với Epoch Times rằng trong 20 năm qua, cô đã bị giam giữ chính thức và không chính thức tổng cộng trong gần 8 năm.
Cô cho biết, trong trại lao động, có ít nhất 100 người thay nhau ngày đêm thuyết phục cô từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.
Khi đến phiên, hai tay cô bị còng ra sau lưng, nắm đấm của 11 người xối xả vào đầu và thắt lưng của cô. Ba ngày sau, khi nhìn vào gương, cô không thể tin được rằng đó là mình. “Đầu của tôi … hoàn toàn sưng tấy. Cả hai mắt đều gần như có hình tam giác – nếu bạn nhìn tôi lúc đó, bạn sẽ hoàn toàn không thể nhìn thấy nhãn cầu.”
Cô quyết định tuyệt thực để phản đối việc giam giữ phi pháp và bị đưa đi khám bốn lần vì lý do sức khỏe. Trong bệnh viện, một lính canh sau khi biết cô tu luyện Pháp Luân Công, đã dùng gậy sắt đánh vào đầu cô.
Trong những ngày khó khăn bị giam giữ, cô đã sụt 30 cân, chỉ còn một nửa so với cân nặng lúc bình thường.
Cô Thạch Ninh hiện đang sống ở New Jersey, nhắc đến những ngày đầy hoang mang và sợ hãi đó, cô nói: “Chúng tôi chỉ muốn trở thành người tốt. Tại sao mọi thứ lại thành ra thế này?”.
Cô đề cập đến cái chết của một người bạn mà cô nghi ngờ là nạn nhân của hoạt động cưỡng bức mổ cướp nội tạng do ĐCSTQ hậu thuẫn. Cô Thạch Ninh đã tận mắt nhìn thấy thi thể của cô ấy, đôi mắt rưng rưng. Người chồng chất vấn về nguyên nhân cái chết của vợ cũng bị chết không rõ nguyên nhân 2 năm sau đó.
Cô Thạch Ninh nói, “Không có báo cáo truyền thông về điều này. Ở Trung Quốc Đại Lục, ai có đủ can đảm để báo cáo? … Họ vẫn luôn giữ thái độ im lặng khi đối mặt với loại tội phạm này.”
Dân biểu Bilirakis là một trong những người đầu tiên phát động Nghị quyết 605 (sau đó đã được Hạ viện Mỹ thông qua cách đây 10 năm), nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp kéo dài đối với Pháp Luân Công.
Ông cho rằng bây giờ là lúc Quốc hội quan tâm đến một vấn đề khác.
“Vấn đề này cần phải được đưa lên hàng đầu. Đây sẽ là một quyết nghị mạnh mẽ.”
“Chúng tôi sẽ không lùi bước, cũng như sẽ không bị đe dọa bởi ĐCSTQ.”
Theo Eva Fu, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Pháp Luân Công Cuộc đàn áp Pháp Luân Công