Nghị sỹ Mỹ yêu cầu gắn nhân quyền vào chính sách đối ngoại với Trung Quốc
- Duy Minh
- •
Ủy ban Điều hành Nghị viện Mỹ về Trung Quốc (CECC) công bố Báo cáo hàng năm về nhân quyền và pháp quyền tại Trung Quốc, cho thấy tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng vẫn tiếp tục xấu đi, Epoch Times đưa tin ngày 11/10.
Nghị sỹ Chris Smith (Bang New Jersey), đồng chủ tịch CECC, tuyên bố: “Đây phải là điểm mấu chốt. Tôi chưa bao giờ thấy một chế độ độc tài như thế này, nó quá quá tàn nhẫn, nó chống lại người dân của mình trong thời hiện đại, ở mọi mặt, với số lượng lớn như vậy”.
Kêu gọi chính quyền Trump, Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế thực hiện các hành động dứt khoát, để ngăn chặn “chiều hướng tiếp tục đi xuống” về nhân quyền ở Trung Quốc, Nghị sỹ Smith khẳng định: “Cùng với Triều Tiên, Trung Quốc đội sổ về nhân quyền”.
Nghị sỹ Smith cùng với Chủ tịch CECC là Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Bang Florida) đã đưa ra một số đề xuất cụ thể về cách mà thế giới có thể giúp mang lại sự thay đổi cho Trung Quốc. Họ kêu gọi Ủy ban Olympic uốc tế xem xét lại quyết định trao quyền tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022 cho Trung Quốc.
Trong một bức thư chung gửi cho Giám đốc FBI Christopher Wray vào ngày 10/10, ông Rubio và ông Smith yêu cầu FBI điều tra các cáo buộc Trung Quốc đang gây ra mối đe dọa với cộng đồng người Mỹ gốc Duy Ngô Nhĩ và cộng đồng người Mỹ gốc Hoa ở Mỹ. Ông Rubio và ông Smith đề xuất một dự luật mang tên: “Đạo luật Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ Tân Cương”, trong đó lên án các cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương, và kêu gọi chính phủ Mỹ xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Nói chung, cả hai nghị sỹ đã thúc giục Mỹ áp dụng cách tiếp cận “dùng toàn lực chính phủ” để giải quyết tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Trung Quốc.
Theo ông Smith, Mỹ cần đưa vấn đề nhân quyền vào trong đàm phán thương mại với Trung Quốc, và trong mọi khía cạnh chính sách của Mỹ.
Báo cáo mô tả những sự việc sau đây là những diễn biến chính trong năm 2018:
- Xảy ra đàn áp chưa từng có đối với các dân tộc thiểu số ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương,
- Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gia tăng đáng kể sự kiểm soát đối với chính phủ, xã hội và doanh nghiệp Trung Quốc,
- Công nghệ cao ngày càng bị lạm dụng thành một công cụ đàn áp.
Báo cáo kêu gọi Nghị viện Mỹ và các quan chức chính quyền Trump cần nói rõ với chính phủ Trung Quốc rằng quyền tự do tín ngưỡng bao gồm các quyền của các Phật tử, Đạo giáo, Công giáo, các học viên Pháp Luân Công, và người Hồi giáo, được tự do thực hành đức tin của họ.
Mô tả cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn đối với Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần truyền thống của Trung Quốc, Báo cáo có đoạn: “Ủy ban CECC lưu ý các báo cáo về sự đàn áp liên tục đối với các học viên Pháp Luân Công, bằng cách quấy rối, giam giữ tùy tiện, và truy tố họ. Các tổ chức quốc tế tiếp tục thể hiện sự quan ngại trước những báo cáo rằng nội tạng của những tù nhân bị giam giữ, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, vẫn bị sử dụng trong rất nhiều các ca cấy ghép tạng ở Trung Quốc. Các tổ chức hỗ trợ quốc tế và các chuyên gia y tế đều không đồng ý với những tuyên bố của các quan chức y tế Trung Quốc rằng hệ thống cung cấp nội tạng người đã được cải cách phù hợp với những tiêu chuẩn quốc tế, trích dẫn những quan ngại đạo đức về nguồn cấp nội tạng có được trong một thời gian ngắn cho các ca cấy ghép tạng, và sự khác biệt về số liệu các ca cấy ghép tạng“.
Báo cáo cũng lưu ý sự đàn áp đang diễn ra của chính quyền Trung Quốc đối với các nhà báo.
“Chính phủ Trung Quốc vẫn là một trong những nhà tù tồi tệ nhất đối với các nhà báo, với số lượng người trong các trại tạm giam hoặc bị cầm tù, liên quan đến báo chí của họ, ước tính từ 41 đến hơn 50 người, bao gồm những người sáng lập ra các trang web giám sát nhân quyền, và các nhà báo”, báo cáo CECC nêu rõ.
Báo cáo đưa ra một danh sách dài các khuyến nghị cho chính quyền Mỹ, bao gồm: hỗ trợ pháp lý cho các tù nhân chính trị, gắn nhân quyền thông qua các quan hệ song phương, ưu tiên quan hệ có đi có lại, tập trung vào tinh thần thượng tôn pháp luật trong thương mại, buộc các quan chức Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hành vi nhân quyền, thúc đẩy tự do Internet, chống lại thông tin sai lệnh nước ngoài, ưu tiên ngoại giao tự do tín ngưỡng, giải quyết các hành vi ngược đãi ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, cải thiện quyền kiểm soát xuất khẩu, nhấn mạnh quan tâm của Mỹ đối với Hồng Kông, mở rộng nhiệm vụ của Đạo luật Đăng ký Đại lý Nước ngoài để bảo vệ xã hội dân sự Mỹ trước các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc, và thúc đẩy đối thoại về Tây Tạng.
Ông Smith cho rằng Mỹ chưa có các công cụ, bao gồm Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky, để buộc các quan chức cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền.
“Trong một thời gian dài, Mỹ đã hy vọng thương mại và những lời hứa sẽ khiến Bắc Kinh mở cửa. Nhưng điều đó đã không xảy ra”, các nghị sỹ Rubio và Smith đã viết trong một bài bình luận được Thời báo Phố Wall đăng tải.
“Chính phủ và ĐCSTQ đã trở nên thô bạo hơn trong chính trị trong nước, hám lợi hơn trong chính sách kinh tế và thương mại, ngày càng xa rời các tiêu chuẩn quốc tế, và quyết đoán hơn trong việc truyền bá mô hình quản trị độc tài trên toàn cầu của họ“, các nghị sỹ Rubio và Smith nhận xét trong bài báo bình luận.
Vào tháng 8/2018, ông Rubio, ông Smith và 15 nhà lập pháp khác đã viết thư gửi cho Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky đối với Bí thư ĐCSTQ tại Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, người được coi là đã lãnh đạo cuộc đàn áp tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ ở địa khu này.
Duy Minh
Xem thêm:
Từ khóa Mỹ Trung Quốc Duy Ngô Nhĩ