Nghị viện Châu Âu kêu gọi áp thêm chế tài lên chế độ Maduro
- Xuân Thành
- •
Nghị viện Châu Âu hôm 28/3 đã kêu gọi áp đặt thêm chế tài lên các nhân vật chủ chốt trong chế độ Maduro của Venezuela cùng thân quyến của họ. Các biện pháp trừng phạt mà các nước Châu Âu đề xuất bổ sung gồm phong tỏa tài sản và hạn chế di trú.
Hình ảnh góc rộng về tòa nhà Nghị viện Châu Âu tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: Isopress/Getty Images)
Theo The Epoch Times, các nhà lập pháp Châu Âu hôm 28/3 đã họp tại Strasbourg, Pháp để bỏ phiếu thông qua một nghị quyết mới, trong đó cũng tuyên bố rằng Liên minh Châu Âu (EU) nên cung cấp tài chính khẩn cấp cho các nước láng giềng của Venezuela đang đón nhận nhiều người tị nạn từ quốc gia thành viên OPEC này.
EU cũng lên án sự có mặt của quân đội Nga tại Venezuela. Một phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu đã cáo buộc Moscow là một sự hiện diện gây mất ổn định trong khu vực Nam Mỹ.
Châu Âu đã đang phải đấu tranh để đạt đồng thuận về một đường lối cứng rắn và thống nhất về cách thức đối phó với chế độ của ông Nicolas Maduro trong bối cảnh nội khối bị chia rẽ về việc liệu họ có nên tham gia vào công việc nội bộ của một quốc gia nước ngoài hay không.
Trong nghị quyết mới vừa thông qua hôm 28/3 với 310 phiếu thuận, 120 phiếu chống, Nghị viện Châu Âu đã đưa ra khiển trách đối với các nước thành viên EU chưa công nhận lãnh đạo Quốc hội Juan Guaido là tổng thống lâm thời Venezuela.
Nghị viện Châu Âu khuyến khích các nước chưa công nhận ông Guaido hãy “làm vậy khẩn cấp” và yêu cầu các quốc gia thành viên xem xét các chế tài mới áp đặt lên các thành viên chế độ Maduro để tăng cường áp lực lên Caracas.
Nghị quyết “kêu gọi các chế tài bổ sung nhắm vào tài sản nước ngoài của giới chức nhà nước bất hợp pháp Venezuela và các cá nhân chịu trách nhiệm về vi phạm và áp bức nhân quyền.
Các nhà lập pháp EU cũng đưa ra ý tưởng về hội nghị “các nhà tài trợ quốc tế” với mục tiêu cung cấp hỗ trợ tài chính rộng rãi cho việc tái thiết và chuyển dịch sang nền dân chủ” tại Venezuela.
Trước đó, vào ngày 27/3, Ủy ban Châu Âu đã thông báo viện trợ bổ sung khẩn cấp 56 triệu USD cho Venezuela, đặc biệt nhắm vào hỗ trợ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương như trẻ em, người già và phụ nữ mới sinh.
Nghị viện Châu Âu cũng phê bình tính hiệu quả của Nhóm Liên lạc Quốc tế về Venezuela do EU bảo trợ. Nhóm này đã gặp nhau lần đầu tại Uruguay vào tháng Hai. Nghị viện Châu Âu cho biết họ “lấy làm tiếc vì cho đến nay nhóm liên lạc này vẫn thiếu các kết quả thực chất.”
Hôm 27/3, Nhóm Liên lạc Quốc tế về Venezuela đã gặp nhau lần thứ hai tại Ecuador, trong đó có sự tham gia của 8 nước EU gồm Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh cùng với các nước Nam Mỹ như Bolivia, Costa Rica, Ecuador và Uruguay.
Phụ trách đối ngoại EU Federica Mogherini, chủ trì cuộc họp nêu trên, đã nói: “Tôi hoan nghênh những nỗ lực tiếp nhận của khu vực này, trong đó có Ecuador đã nhận hàng triệu người tị nạn và di cư Venezuela, và sự đoàn kết của chúng ta là đầy đủ.”
“Chúng ta đã đang làm việc hiệu quả cùng nhau và chúng ta sẽ tiếp tục những nỗ lực chung với mục tiêu giúp đỡ người dân Venezuela tìm thấy giải pháp hòa bình và dân chủ,” bà Federica Mogherini nói.
Tuy nhiên, cuộc gặp của Nhóm Liên lạc Quốc tế về Venezuela lần này bị phủ bóng đen bởi thông tin về gần 100 lính Nga đã tới Caracas trên hai chiếc máy bay quân sự hôm 22/3.
Moscow đã xác nhận sự hiện diện của quân đội nước này tại Venezuela. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói rằng họ “được giao nhiệm vụ thực hiện thực tế các điều khoản của các thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự.”
Phản ứng trước động thái này của Nga, phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu nói: “Tình huống hiện nay tại Venezuela là rất phân cực. Tất cả hành động mà làm leo thang mâu thuẫn sẽ chỉ tạo thêm trở ngại cho một giải pháp hoà bình, dân chủ và tự chủ của Venezuela về cuộc khủng hoảng này.”
Xuân Thành
Từ khóa Venezuela Nghị viện châu Âu Nicolas Maduro liên minh châu Âu