Người đàn ông Trung Quốc vạch trần chuyện bị cắt lấy 1 phần gan và phổi trong tù
- Tuyết Mai
- •
Như Trí Thức Vn đã từng đưa tin bằng văn bản và video trước đây về trường hợp của ông Trình Bội Minh, người duy nhất đến hiện tại sống sót được sau khi bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc, đã ra làm chứng và kể lại sự việc hôm 9/8 trong một cuộc họp báo tại Mỹ.
- 7 câu hỏi về người hiếm hoi sống sót sau khi bị mổ cướp nội tạng sống
- Nhân chứng đầu tiên sống sót sau ca mổ cướp nội tạng lên tiếng tố cáo tội ác
Ông Trình Bội Minh là một học viên Pháp Luân Công sẽ bước sang tuổi 59 trong tháng này. Trong một sự kiện báo chí hôm 9/8, Trình đã kể lại cảnh 6 cai ngục ghìm chặt ông xuống trong một bệnh viện Trung Quốc để cưỡng bức gây mê, khi ông bị giam giữ tại một nhà tù ở đông bắc Trung Quốc vì kiên trì với đức tin của mình.
Đó là ngày 16/11/2004. Trình kể khi ông tỉnh dậy 3 ngày sau, bàn chân của ông bị cùm vào giường bệnh, một cánh tay đang được truyền dịch và đặt ống ở chân, ngực và qua mũi. Ông bắt đầu ho không ngừng và cảm thấy đau và tê ở xương sườn trái.
Chỉ sau khi trốn sang Hoa Kỳ vào năm 2020 và thực hiện một loạt các xét nghiệm y khoa, ông mới xác nhận được nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của mình: Một phần gan cùng với một phần phổi của ông đã bị mất. Trong bài phát biểu của mình, ông Trình đã cởi áo và để lộ một vết sẹo dài khoảng 14 inch quanh bên trái ngực.
Cho đến tận ngày nay, cánh tay trái và xương sườn của ông vẫn đau nhức vào những ngày mưa hoặc khi mệt mỏi, Trình cho biết.
Ban tổ chức sự kiện đã chia sẻ 3 đánh giá từ các bác sĩ ghép tạng cho biết, những bộ phận nội tạng bị mất của ông Trình chỉ có thể là kết quả của việc cưỡng bức cắt lấy nội tạng.
Ông Trình, người hầu như không biểu lộ cảm xúc, đã có lúc nhắm chặt mắt lại, để mặc nước mắt rơi.
“Tôi thực sự may mắn khi còn sống sót”, ông nói với The Epoch Times.
Sự sống sót của ông còn có một ý nghĩa sâu sắc hơn là vấn đề của cá nhân: Ông là bằng chứng sống cho một mô hình đàn áp và lạm dụng bức hại to lớn do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.
“Đa phần mọi người đều chết, họ không thể nói được”, ông Robert Destro, cựu Trợ lý ngoại trưởng phụ trách dân chủ, nhân quyền và lao động, người đã hỗ trợ giải cứu ông Trình, nói với The Epoch Times.
Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần dựa trên các giá trị Chân, Thiện, Nhẫn, đã đang là đối tượng của một chiến dịch đàn áp không ngừng nghỉ của chế độ Trung Quốc cộng sản, nhằm xóa bỏ đức tin này.
Suốt 25 năm qua, những người tu luyện Pháp Luân Công, theo ước tính vào thời điểm trước khi bị bức hại, với số học viên lên tới 100 triệu người năm 1999, đã và đang phải đối mặt với những rủi ro về việc bị bỏ tù thời gian dài, cưỡng bức lao động, tra tấn và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Bằng chứng về hành vi bức hại có hệ thống lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2006, 2 năm sau ca cưỡng bức phẫu thuật của ông Trình, khi những người tố giác tiếp cận The Epoch Times báo cáo về việc các học viên Pháp Luân Công bị giết hại khi bị giam giữ tại các cơ sở bí mật của Trung Quốc.
Khi các nhân chứng liên tục xuất hiện, mối quan tâm về vấn đề này ngày càng tăng lên, Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc mở cửa cho sự giám sát của quốc tế, và Hạ viện thông qua một dự luật mang tên ‘Đạo luật bảo vệ Pháp Luân Công’, đã được Thượng nghị sĩ Rubio giới thiệu ra Thượng viện, nhằm hạn chế tình trạng bức hại.
Về lý do vì sao những kẻ bức hại ông Trình chỉ cắt bỏ một phần nội tạng của ông và để ông sống sót vào năm 2004, ông Wendy Rogers, chủ tịch hội đồng cố vấn của Liên minh Quốc tế Chấm dứt việc Lạm dụng Ghép Nội tạng tại Trung Quốc, lưu ý rằng mô gan như vậy có thể được sử dụng cho bệnh nhân là trẻ em. Trong khi đó, ông David Matas, một luật sư nhân quyền đã thực hiện nghiên cứu điều tra sâu rộng về vấn đề này, cho rằng bệnh viện có thể đang thử nghiệm hoặc đào tạo các bác sĩ về lĩnh vực này — bước đầu tiên của một bệnh viện “tham gia vào lĩnh vực kinh doanh” kiếm lợi nhuận khổng lồ, ông nói với The Epoch Times.
Vị trí của vết rạch cũng khác thường: Thay vì rạch bụng thông thường trong phẫu thuật ghép tạng, các bác sĩ đã chọn rạch giữa các xương sườn của ông Trình. Ban tổ chức sự kiện báo chí lưu ý rằng cách làm này, mặc dù không phổ biến, nhưng cho phép tiếp cận rộng rãi hơn đến các cơ quan nội tạng ở cả ngực và bụng.
Bất luận thế nào, ban tổ chức và những người ủng hộ nhân quyền cho biết, quá trình phẫu thuật cưỡng bức và sự thiếu minh bạch xung quanh vấn đề này, tất cả đã nói lên sự tàn bạo của chế độ, và sự cần thiết có một cuộc điều tra công khai và minh bạch.
“Cuối cùng, trách nhiệm tiết lộ những gì đã xảy ra với mình không thuộc về ông Trình. Trách nhiệm này thuộc về Chính phủ Trung Quốc”, ông Matas phát biểu tại sự kiện.
Ông Trình đã bị kết án 8 năm tù vì đức tin của mình và bị giam tại Nhà tù Đại Khánh ở Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang, vào thời điểm diễn ra cuộc cưỡng bức phẫu thuật.
Trong 2 năm sau đó, ông bị khó thở. Vào tháng 2/2006, ông bắt đầu tuyệt thực để phản đối một đợt tra tấn mới, theo các báo cáo trên trang Minghui.org, một trang web chuyên theo dõi các báo cáo trực tiếp về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Nhà tù đã truyền dịch tĩnh mạch và đưa ông Trình đến Bệnh viện Long Nam – Đại Khánh vào ngày 2/3, cùm ông vào một cột giường.
Trình kể với The Epoch Times, trong lúc yếu ớt và bị lính canh nhà tù theo dõi, ông nằm nghe lính canh nói chuyện với chị gái mình đến thăm. Người lính canh nói dối rằng ông Trình nuốt phải một lưỡi dao và cần phải tiến hành một cuộc phẫu thuật có độ rủi ro cao. Sau đó, một bác sĩ mặc đồ trắng đến và ấn vào ngực và bụng ông Trình, nói họ sẽ thực hiện ca phẫu thuật vào ngày hôm sau.
Ông Trình nghĩ rằng đó sẽ là sự kết thúc của mình, nhưng một cơ hội đã đến. Sáng sớm hôm sau, 2 người lính canh chừng ông đã mệt mỏi ngủ thiếp đi trước khi cùm ông lại, nhờ đó ông đã có thể trốn thoát qua lối thoát hiểm.
Chỉ mới vài ngày trước, ông Trình đọc được về vấn đề cưỡng bức thu hoạch nội tạng trên Minghui.org. Ông nói trong cuộc phỏng vấn rằng ông “run rẩy toàn thân” khi nghĩ đến những gì có thể xảy ra với mình. Ông không dám cởi quần áo để ngủ trong 2 tháng tiếp theo, đề phòng trường hợp phải chạy trốn.
Cảnh sát Trung Quốc đã đưa ra khoản tiền thưởng 50.000 nhân dân tệ, khoảng 6.500 đô la vào thời điểm đó, để truy lùng Trình. Ông ẩn náu cho đến khi cuối cùng trốn sang Thái Lan vào năm 2015.
Nhiều nhà hoạt động nhân quyền đã chia sẻ những tuyên bố ủng hộ ông Trình Bội Minh.
Bà Katrina Lantos Swett, chủ tịch của Quỹ Lantos vì Nhân quyền và Công lý, đã khen ngợi lòng dũng cảm của ông Trình khi dám lên tiếng. Bà cho biết tổ chức của bà đã từng nói chuyện với ông Trình trước đây, và bà thấy trường hợp của ông “vô cùng đáng lo ngại”.
“Họ đưa ra thêm bằng chứng về hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn đang diễn ra ở Trung Quốc dưới hình thức cưỡng bức thu hoạch nội tạng”, bà cho biết. “Sự vi phạm trắng trợn các quyền cơ bản này vẫn tiếp diễn bất chấp những tuyên bố phản bác của Chính phủ Trung Quốc”.
Ông Eric Patterson, người đứng đầu Quỹ tưởng niệm nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, cũng cho biết vụ này nhấn mạnh “nhu cầu cấp thiết phải giải quyết các hành vi tàn bạo về y tế do Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện”.
Tại sự kiện, Trình cho biết ông không chỉ nói cho bản thân mình, mà còn cho nhiều người có nguy cơ bị bức hại ở Trung Quốc.
Ông cho biết trong thời gian bị giam giữ, ông và một số học viên Pháp Luân Công khác đã hứa với nhau: Bất kỳ ai trong số họ sống sót sẽ kể cho thế giới biết những gì đã xảy ra ở đó.
Từ khóa Thu hoạch nội tạng sống Trình Bội Minh Pháp Luân Công Mổ cướp nội tạng