Người di cư Hồng Kông cảnh báo chính phủ Anh cảnh giác trước sự xâm nhập của ĐCSTQ
- Gia Huy
- •
Hồi đầu tháng 5, các nghị sĩ Anh đã gặp một số người di cư Hồng Kông, những người kêu gọi chính phủ Anh phải đề phòng trước sự xâm nhập của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn đã đe dọa sự an toàn của các cư dân Hồng Kông ở Anh.
Ngày 14/5, Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin, vào ngày 11/5 tại Quốc hội Anh, Nhóm nghị sĩ phụ trách Đông và Đông Nam Á của Đảng Lao động Anh đã chủ trì một cuộc họp với các đại diện của người Hồng Kông để lắng nghe nhu cầu sống của họ ở Anh.
Nghị sĩ Đảng Lao động Stephen Kinnock nhấn mạnh tại cuộc họp rằng đảng của ông ủng hộ chương trình thị thực quốc gia Anh ở nước ngoài (BNO), một chính sách ưu đãi cho phép người dân Hồng Kông nhập cư vào Anh sau khi ĐCSTQ thực hiện Luật An ninh Quốc gia hà khắc, vi phạm cam kết đảm bảo quyền tự do và dân chủ cho Hồng Kông trong 50 năm sau khi Anh bàn giao Đặc khu này cho Trung Quốc vào năm 1997.
Ông Simon Cheng, nhà sáng lập Hiệp hội Người Hồng Kông ở Anh, đã nêu lên quan ngại về sự xâm nhập của ĐCSTQ vào Vương quốc Anh. Ông cảnh báo, chính phủ Anh đã cam kết tài trợ 43 triệu bảng Anh (khoảng 59 triệu đô la) để tái định cư người di cư Hồng Kông ở Anh, nhưng một số tổ chức Trung Quốc đang nhận tiền tài trợ này bị nghi ngờ là do ĐCSTQ kiểm soát.
Ông Cheng đã nói rõ tại cuộc họp rằng, hai giám đốc của Trung tâm Cộng đồng Trung Quốc – Birmingham (CCC-B), vốn đã nhận được khoản tài trợ 35.000 bảng Anh (43.000 đô la) từ chính phủ Anh, đã bị phát hiện là đã làm việc cho Dự án Anh-Trung. Trong một cảnh báo can thiệp hôm 12/1, Cơ quan An ninh MI5 đã xác định người sáng lập dự án, luật sư người Trung Quốc Christine Ching Kui Lee, là “một đặc vụ của chính phủ Trung Quốc”.
Cảnh báo do cơ quan an ninh của Anh đưa ra lưu ý, một cá nhân tên Christine Ching Kui Lee đã “cố ý tham gia vào các hoạt động can thiệp chính trị thay mặt cho Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).”
Cảnh báo nêu rõ, luật sư Lee đã tạo điều kiện để quyên góp tài chính cho các đảng phái chính trị và các chính trị gia [của Anh], đồng thời MI5 còn cảnh báo rằng bất kỳ ai được cô ấy liên hệ nên “lưu tâm đến mối quan hệ của cô ấy với nhà nước Trung Quốc và sự quyên góp của cô ấy là nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của ĐCSTQ trong chính trường Anh.”
Ông Chen trước đây là Giám đốc Thương mại và Đầu tư của Cơ quan Phát triển Quốc tế Scotland (SDI) thuộc Tổng lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông. Hồi tháng 8/2019, ông Chen đã bị an ninh nhà nước Trung Quốc giam giữ 15 ngày khi đang đi công tác đến Thẩm Quyến.
Ông Cheng đã kể với ấn bản The Epoch Times ở Hồng Kông vào ngày 25/11/2021 rằng, trong thời gian bị giam giữ, ông đã bị tra tấn, biệt giam, và bị buộc phải nhận tội vì đã hành động “thay mặt cho Vương quốc Anh trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông vào năm 2019.”
Ngoài hiệp hội CCC-B, một hiệp hội Trung Quốc khác ở Southampton cũng bị cáo buộc có quan hệ với ĐCSTQ.
Hôm 18/4, một bài báo trên tờ The Times đã chỉ ra ông Ping Hua, người sáng lập Hiệp hội Trung Quốc ở Southampton (CAS), người đã viết một bài báo để bảo vệ việc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ ở Tân Cương, đồng thời chỉ trích gay gắt việc Hoa Kỳ cáo buộc các hành vi tàn bạo của chế độ cộng sản Trung Quốc ở Hồng Kông là một nỗ lực nhằm kích động “một sự lật đổ khiêu khích ở Hồng Kông”.
Ông Hua cũng nêu lên quan điểm tương tự tại cuộc biểu tình “Chấm dứt phân biệt chủng tộc chống người châu Á, phản đối Chiến tranh Lạnh mới” tại khu phố Tàu ở London vào ngày 27/11 năm ngoái. Cuộc biểu tình này đã gây ra bạo lực, dẫn đến một người phải nhập viện và ít nhất một người đã bị bắt.”
Hiệp hội CAS đã nhận 20.130 bảng Anh (25.166 đô la) tiền tài trợ của chính phủ Anh.
Cũng tại cuộc họp với các nghị sĩ Anh, anh Finn Lau, một nhà hoạt động chính trị Hồng Kông, tiết lộ, hồi tháng 6/2020, anh từng bị tấn công trên một con phố ở London.
Ngày 2/6/2020, khi anh Lau đang đi dạo gần nhà của mình ở London thì anh nhận ra mình đang bị theo dõi. Anh Lau nhớ lại, anh đã dừng lại ở một cột đèn đường và bất ngờ ba người lao đến và đánh anh. Vụ tấn công đã khiến anh bị gãy xương ở mắt phải và chấn thương đầu nghiêm trọng. Anh Lau cho rằng, có thể ĐCSTQ đã trả tiền cho các thành viên băng đảng để thực hiện vụ tấn công bạo lực này.
Trước đó vào ngày 1/1/2020, anh Lau đã tham gia cuộc biểu tình Ngày đầu Năm mới ở Hồng Kông và đã bị bắt cùng với nhiều người biểu tình khác. Anh đã được thả sau 50 giờ giam giữ và anh đã lập tức mua vé máy bay trở về Vương quốc Anh nơi anh làm việc. Vào tháng 8/2020, 7 tháng sau cuộc biểu tình, chính quyền Hồng Kông đã phát lệnh bắt giữ anh.
Nghị sĩ Đảng Lao động Sarah Owen, người tổ chức cuộc họp này, đã chất vấn chính phủ Anh tại Quốc hội về cách bảo vệ người Hồng Kông ở Anh trước sự tấn công bạo lực của các thành viên băng đảng do ĐCSTQ thuê mướn.
Ông James Cleverly, Bộ trưởng Văn phòng Đối ngoại Anh, trả lời rằng cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với những người Hồng Kông này đã không chấm dứt ngay cả khi họ đã đến Vương quốc Anh và các nhà chức trách Anh sẽ xem xét việc bảo vệ những người Hồng Kông một cách nghiêm túc.
Nghị sĩ Đảng Lao Động Stephen Kinnock ca ngợi, bất chấp việc ĐSTQ ngày càng làm xói mòn quyền tự do và dân chủ ở Hồng Kông, sự kiên trì can đảm của người Hồng Kông đã truyền cảm hứng cho thế giới.
Nghị sĩ Kinnock khẳng định, Vương quốc Anh đứng về phía phong trào ủng hộ dân chủ của Hồng Kông và sẽ thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với những người Hồng Kông đã bị thất vọng trước việc ĐCSTQ vi phạm Tuyên bố chung Trung-Anh
Vị nghị sĩ của Đảng Lao động còn cam kết, nếu đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, chương trình thị thực BNO sẽ được gia hạn.
Có đến 100.000 người Hồng Kông đã chuyển đến Vương quốc Anh theo chương trình thị thực BNO. Bằng cách ở lại Vương quốc Anh trong 5 năm với thị thực như vậy, sau đó họ có thể nộp đơn xin ở lại vô thời hạn và nộp đơn xin nhập tịch sau một năm nữa.
Gia Huy (Theo The Epoch Times)
Từ khóa Dòng sự kiện ĐCSTQ trấn áp người biểu tình Hồng Kông dân chủ ở Hồng Kông phong trào dân chủ Hong Kong