Hôm 24/4, tờ Pravda Châu Âu của Ukraine có bài đưa tin với tiêu đề “Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary nói với truyền thông Nga: Ukraine cần sự cho phép của Nga để gia nhập NATO”. Theo đó, Phó chủ tịch Quốc hội Hungary Dóra Dúró tuyên bố rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine chỉ có thể thực hiện được nếu được Nga chấp thuận.

230425 zelensky 01
Tổng thống Zelensky cùng ngày 24/4 lại nhấn mạnh nguyện ước “Ukraine có chỗ đứng của mình” một cách xứng đáng ở Châu Âu, ảnh minh họa. (Nguồn: Wikipedia)

Tờ Pravda Châu Âu của Ukraine tường thuật rằng khi trả lời phỏng vấn tờ Izvestia của Nga, bà Dóra Dúró đã nói, “chúng tôi không thấy bất kỳ hoàn cảnh nào có thể cho phép chúng tôi ủng hộ việc mở rộng NATO với cái giá phải trả là Ukraine. Trong khi biên giới của Ukraine đang bị tranh chấp và xung đột vũ trang vẫn tiếp diễn, ngay cả các quy tắc riêng của NATO cũng loại trừ việc Kyiv gia nhập Liên minh.”

Quy tắc của NATO không cho phép quốc gia đang tham chiến gia nhập. Ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO là một trong những mục tiêu ban đầu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moskva.

Cho nên bà Dóró bày tỏ quan ngại về nguy cơ chiến tranh, mở rộng đến toàn châu Âu, thậm chí toàn cầu. Bà lập luận rằng Ukraine muốn gia nhập NATO thì cần có được sự chấp thuận của Nga, “[Để] không có nguy cơ chiến tranh, việc gia nhập của Ukraine chỉ có thể thực hiện được nếu Nga chấp thuận nó như một thỏa thuận nhất định.”

Ngoài lo lắng về nguy cơ chiến tranh, Budapest cũng không muốn Ukraine gia nhập NATO vì một lý do khác. Đó là hiện nay chính quyền Kyiv hiện không chỉ kỳ thị những gì liên quan đến Nga, mà còn đang “áp bức” các nhóm người thiểu số, trong đó có người Hungary, bà Dóró nói thêm.

“Giới lãnh đạo Ukraine không muốn đảm bảo các quyền cơ bản cho người Hungary, người Romania, người Nga, cùng các nhóm thiểu số khác trong nước, tìm cách hạn chế các quyền hiện có của họ, đặc biệt là ngôn ngữ của họ. Cùng với viện trợ quân sự cho họ đang ngày càng gia tăng, Kyiv càng cảm thấy ít cần thiết hơn để thỏa hiệp và đảm bảo các quyền thích hợp cho người Hungary bản địa ở Transcarpathia.”

Theo bà Dúró thì Kyiv nên cân nhắc trao quyền tự trị lãnh thổ cho khu vực Transcarpathian và cho một số khu vực khác, và đó sẽ là một “bước đi đúng đắn” về phương diện này.

Từ tháng 9/2022, vấn đề gia nhập NATO đã nằm trong chương trình nghị sự. Cùng ngày 24/4 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lại nhắc lại quyết tâm gia nhập NATO một lần nữa, theo Pravda Ukraine đưa tin.

Hôm 20/4, trong chuyến thăm Kyiv, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng tương lai của Ukraine là ở NATO. Bấy giờ tuy ông không có tuyên bố một cách khẳng định mạnh mẽ, nhưng ông nói tất cả các thành viên của khối liên minh quân sự này đều đồng ý Ukraine gia nhập NATO.

Tuy vậy, ngay sau đó Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã phẫn nộ trước tuyên bố đó của Tổng thư ký NATO. Theo quy định của khối, việc gia nhập liên minh cần có đồng thuận của các nước thành viên.

Hôm qua, người dân Bulgary đã có các cuộc biểu tình lớn, cả ở thủ đô Sofia và một số nơi khác, phản đối chiến tranh Ukraine, bảo vệ sự trung lập của Bulgary. Họ hô to ‘NATO out!’ (NATO cút đi!)

Nhật Tân