Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent cho biết Nga đã được loại khỏi danh sách thuế quan mới toàn diện của Tổng thống Donald Trump vì các lệnh trừng phạt hiện tại của Washington đã hạn chế đáng kể hoạt động thương mại giữa hai nước.

241107PutinTrump
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải), Hội nghị G20 tại Osaka, Nhật Bản, 2019 (ảnh lấy từ mạng xã hội)

Phát biểu với Fox News vào thứ Tư (2/4) sau khi Tổng thống Trump công bố thuế nhập khẩu rộng rãi, Bộ trưởng Bessent đã giải thích rằng Nga, cùng với Belarus, Cuba và Triều Tiên, không phải là mục tiêu được nhắm đến theo các biện pháp thương mại mới vì Hoa Kỳ “không giao dịch đáng kể với các quốc gia này“. Trong trường hợp của Nga, ông Bessent nhấn mạnh rằng “các lệnh trừng phạt đã thực hiện công việc mà thuế quan sẽ thực hiện“.

Vào chiều thứ Ba (2/4, giờ miền Đông Hoa Kỳ), Tổng thống Trump đã công bố mức thuế quan mới từ 10% đến 50% đối với hàng hóa nhập khẩu từ hàng chục quốc gia. Trong đó hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp mức thuế 34%, các sản phẩm của EU chịu thuế 20% và hàng hóa từ Nhật Bản là 24%. Theo tổng thống, động thái này là một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp Hoa Kỳ và sửa chữa những gì ông Trump mô tả là “mất cân bằng thương mại hoàn toàn không công bằng“.

Việc loại Nga khỏi danh sách này đã dấy lên những câu hỏi từ giới truyền thông, xét đến cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine và chính sách trừng phạt của Washington đối với Moskva. Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Trump đã lập luận rằng các hạn chế được áp dụng kể từ năm 2022 đã làm giảm giao dịch thương mại song phương đến mức mà thuế quan sẽ không có nhiều tác dụng bổ sung.

Theo dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ sang Nga trong năm 2024 là 526,1 triệu USD, giảm 12,3 % so với năm 2023 và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ Nga đạt tổng cộng 3 tỷ USD trong năm 2024, giảm 34,2% so với năm ngoái. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã nhập khẩu 427 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc trong cùng kỳ, cho thấy phạm vi hạn chế của thương mại Hoa Kỳ-Nga.

Điện Kremlin đã lên án các lệnh trừng phạt của phương Tây là bất hợp pháp, nhiều lần lập luận rằng các hạn chế này đã không làm mất ổn định nền kinh tế Nga hoặc cô lập nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Với việc các lệnh trừng phạt của phương Tây leo thang kể từ năm 2022, Nga đã tập trung vào việc chuyển hướng thương mại sang châu Á và Nam Bán cầu, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ.

Hải Đăng