Nhật Bản thực thi “ngoại giao y tế” tại ASEAN nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của TQ
Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi đã thực hiện các chuyến công du nhanh đến nhiều quốc gia Đông Nam Á để đưa ra đề nghị trợ giúp y tế nhằm giúp các quốc gia này ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã bắt đầu chuyến một công du mở rộng tại Đông Nam Á, đưa ra đề nghị trợ giúp y tế nhằm giúp các quốc gia này ngăn chặn sự lây lan của virus corona, theo tờ Nikkei Asia Review.
Đây mới chỉ là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông Motegi kể từ sau khi đại dịch bùng phát. Đầu tháng này, ông đã viếng thăm nước Anh để xúc tiến cho một thỏa thuận thương mại và đã thảo luận với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab về các biện pháp tăng cường an ninh tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm đối phó với hoạt động hàng hải ngày càng hung hăng của Trung Quốc. Ông Motegi được cho là đã thảo luận các biện pháp để tăng cường việc chia sẻ thông tin tình báo với liên minh Ngũ Nhãn gồm có Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada và New Zealand.
Cũng giống như chuyến viếng thăm London, chuyến công du Đông Nam Á của ông Motegi có tính chiến lược nhằm giúp khu vực này giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Khởi đầu của chuyến công du, ông Motegi đã viếng thăm Singapore và Malaysia bắt đầu từ thứ Tư tuần trước (12/8). Trong tuần này, ông sẽ tiếp tục viếng thăm Papua New Guinea vào thứ năm (20/8) và sau đó là Campuchia, Lào và Myanmar.
Theo Nikkei, Nhật Bản đã chuẩn bị sẵn các thỏa thuận nhằm cung cấp giường bệnh và xe cứu thương cho một số thành viên ASEAN. Vào tháng 7, Nhật Bản cũng cho biết sẽ cung cấp các thiết bị y tế và các vật tư khác trị giá 11,6 tỷ yên (109 triệu USD) cho 5 quốc gia dọc theo sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Nhiều quốc gia Đông Nam Á có nguồn lực chăm sóc y tế hạn chế và đang yêu cầu sự trợ giúp của nước ngoài để chống lại virus corona. Trung Quốc đã nổi lên như một nước đi đầu trong cuộc đua về vắc-xin, với 9 loại vắc-xin đang thử nghiệm lâm sàng, trong đó có 5 loại đang thử nghiệm ở Giai đoạn 3 – giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến đến phê chuẩn.
Cả Nhật Bản và Mỹ đều lo sợ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng “ngoại giao vắc-xin” giống như “ngoại giao khẩu trang” trước đây để tăng thêm sức ảnh hưởng của họ trong khu vực Đông Nam Á.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói với tờ Nikkei rằng “điều quan trọng là chúng ta phải giữ ASEAN đứng về phía Nhật Bản và Hoa Kỳ” khi ông giải thích sự tập trung của Nhật Bản vào khu vực này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cam kết hợp tác phát triển vắc-xin trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi vào ngày 30/7. Indonesia là một trong số các quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao nhất tại Đông Nam Á. Một số quốc gia ASEAN như Myanmar, Lào và Campuchia theo truyền thống đều có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc ngay cả trước khi đại dịch bắt đầu.
Mục đích của Nhật Bản là tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia này trước một loạt các cuộc họp liên quan đến ASEAN sắp diễn ra, với khởi đầu là Diễn đàn Khu vực ASEAN vào tháng 9. Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo của Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia ASEAN sẽ gặp nhau kể từ khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích gay gắt các yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp” vào tháng trước.
Một nguồn tin ngoại giao cho biết những lời đối đáp gay gắt đã bùng lên tại một cuộc họp trù bị trực tuyến vào tháng 7 khi ông David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Văn phòng về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, yêu cầu Bắc Kinh phải tuân thủ luật pháp quốc tế tại Biển Đông. Đáp lại, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc La Triệu Huy (Luo Zhaohui) cho rằng Washington không có quyền chỉ trích khi họ chưa ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
> Mỹ-Trung đấu cứng ở Biển Đông, ĐNA vẫn sẽ thận trọng quan sát?
Các thành viên ASEAN đang bị chia rẽ trước động thái của Bắc Kinh tại Biển Đông. Ví dụ, Philippines đang giữ khoảng cách với cả Mỹ và Trung Quốc mặc dù họ đang có tranh chấp tại vùng biển với Bắc Kinh.
Việc trợ giúp chống virus corona và những nỗ lực khác sẽ là yếu tố then chốt để giành được sự ủng hộ của các nước ASEAN đối với các vấn đề bao gồm cả vấn đề Biển Đông, đặc biệt đối với nhiều nước ASEAN đang có tăng trưởng kinh tế âm trong quý 2/2020, tờ Nikkei nhận định.
Giống như Trung Quốc, Mỹ đã đề nghị hợp tác phát triển vắc-xin với Indonesia trong cuộc điện đàm ngày 3/8 giữa ông Pompeo và ông Retno. Cả hai quan chức này đều công nhận tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp tại Biển Đông.
Ông Pompeo cũng đã nói chuyện với những người đồng cấp từ Singapore, Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines nhằm đối phó với các nỗ lực của Trung Quốc. Úc, một đồng minh của Mỹ, cũng đã hứa trợ giúp kinh tế cho ASEAN vào cuối tháng 6.
Một trong những đóng góp quan trọng của Nhật Bản trong quan hệ đồng minh với Mỹ là mối quan hệ của họ với ASEAN. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến thăm khối này trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên khi ông bắt đầu nhiệm kỳ hiện tại. Khối này dự kiến vẫn sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược ngoại giao của Nhật Bản, bất kể ai sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Gia Huy, theo Nikkei
Xem thêm:
Từ khóa Toshimitsu Motegi ngoại giao y tế Asean Dòng sự kiện