Nhật Bản muốn gia nhập liên minh tình báo, biến “Ngũ nhãn” thành “Lục nhãn”
- Gia Huy
- •
Trong bài trả lời phỏng vấn với tờ Nikkei hôm 16/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Taro Kono cho biết Nhật Bản mong muốn mở rộng hợp tác với liên minh chia sẻ thông tin tình báo “Ngũ Nhãn” để mở rộng mạng lưới tình báo, dự phòng trước các mối đe dọa về an ninh và thúc đẩy trao đổi thông tin giữa năm nước thành viên và Nhật. Ông Kono nhấn mạnh nước Nhật và các quốc gia này có cùng những giá trị chung và liên minh mới có thể được gọi là “Lục nhãn”.
Nhóm “Ngũ nhãn” bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand. Các thành viên đều có chung mối quan hệ văn hóa và lịch sử sâu sắc gắn liền với di sản Anglo-Saxon và cùng sử dụng tiếng Anh. Thời gian qua các thành viên trong nhóm đều có chung động thái chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, từ các tranh chấp trên biển tới việc Bắc Kinh ban hành Luật An ninh quốc gia đối với Hồng Kông.
Ngoài việc chia sẻ thông tin tình báo, đặc điểm nổi bật của nhóm “Ngũ nhãn” là mối quan hệ ngoại giao mạnh mẽ và họ thường đưa ra những tuyên bố chung về các vấn đề cùng quan tâm.
Một số thành viên của nhóm “Ngũ nhãn” cũng đang tìm cách hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản để chia sẻ thông tin mật nhằm đối phó với sự mở rộng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Ví dụ, Anh đang rất cảnh giác trước Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao gia tăng do vấn đề Hồng Kông và đại dịch virus corona, do đó họ đang tìm cách tận dụng những thông tin mà Nhật Bản đang nắm giữ.
Ông Kono cho biết với tư cách là Bộ trưởng Quốc và là người chịu trách nhiệm đối với an ninh của Nhật Bản, ông cũng “có những quan ngại rất nghiêm trọng” về hoạt động của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và Biển Đông.
“Nhiều nước tin rằng Trung Quốc đang cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng bằng cách đe dọa sử dụng vũ lực tại các khu vực này, bao gồm Biển Hoa Đông, Biển Đông, biên giới Trung-Ấn và tại Hồng Kông,” ông Kono nói, và khẳng định “cộng đồng quốc tế đều nhất trí cho rằng Trung Quốc cần phải trả giá đắt” cho những hành động như vậy.
> Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến Nhật Bản và “Ngũ nhãn” xích gần nhau hơn
Mặc dù không phải là thành viên chính thức, nhưng Nhật Bản đang tham gia chia sẻ thông tin với nhóm này. Ông Kono nhấn mạnh rằng việc Nhật Bản mở rộng quan hệ với nhóm sẽ giúp nước này tham gia chia sẻ thông tin ở giai đoạn sớm hơn và cũng có thể nhận được thông tin tình báo tuyệt mật.
Liên quan đến việc gia nhập liên minh, ông Kono cho biết Nhật Bản đã tiếp cận chia sẻ thông tin với nhóm tình báo “trong nhiều trường hợp khác nhau. Nếu các tiếp cận này được thực hiện một cách ổn định, thì khi đó nhóm này có thể được gọi là ‘Lục Nhãn’.”
Nhưng ông Kono nói rằng ông không nghĩ Nhật Bản cần phải thực hiện một số thủ tục nào đó để trở thành một thành viên chính thức bởi vì nhóm này không phải là một tổ chức quốc tế. “Chúng tôi chỉ cần đến tham gia cùng với họ và nói họ hãy tính chúng tôi vào nhóm”.
Một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng Nhật Bản cần phải cải thiện cách thức bảo vệ thông tin tình báo. Nước này chưa có một hệ thống đặc quyền tiếp cận an ninh. Đây là hệ thống chỉ cho phép một số người bao gồm cả một số dân thường , những người được tin tưởng không làm rò rỉ thông tin, truy cập vào các thông tin tuyệt mật.
Gia Huy, theo Nikkei
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Liên minh Ngũ nhãn Liên minh Lục nhãn mối đe doạ Trung Quốc