Nhật báo Bild của Đức hôm 19/8 đã đăng bài phân tích bình luận của Phó Tổng biên tập Paul Ronzheimer nhận định rằng Ukraine đang đối mặt với ba kịch bản có thể trong bối cảnh cuộc phản công của họ bị trì trệ, mỗi lựa chọn có mức độ rủi ro khác nhau.

Theo bài viết của ông Paul Ronzheime do RT dẫn lại, kịch bản thứ nhất là Ukraine có thể tiếp tục cố gắng phá vỡ các phòng tuyến của Nga bất chấp cho tới nay chưa đạt được bất kỳ đột phá lớn nào.

Ông Ronzheime viết rằng cho tới nay chính quyền của Tổng thống Zelensky vẫn lạc quan và quyết tâm tiếp tục chiến dịch phản công. Tuy nhiên, ông Ronzheime cũng cho rằng nếu Kyiv thất bại trong việc đạt được bất kỳ thắng lợi đáng kể nào vào cuối năm nay, thì họ vẫn sẽ lên một kế hoạch phản công khác vào mùa xuân năm 2024.

Phó Tổng biên tập Ronzheimer cho rằng các quan chức tại Kyiv đang ngày càng gia tăng bất mãn những chỉ trích đến từ phương Tây đối với cuộc phản công triển khai từ đầu tháng Sáu. Ông Ronzheimer dẫn lời một quan chức Ukraine cao cấp giấu tên khẳng định rằng “mọi thứ đã được lên kế hoạch cùng với những bên hậu thuẫn Kyiv”.

Ông Ronzheimer chỉ ra rằng bất kỳ sự thúc đẩy mới nào trong cuộc phản công còn tùy thuộc vào việc Kyiv nhận thêm vũ khí và đạn dược của phương Tây ra sao. Hơn thế nữa, Nga cũng có thể sẽ sử dụng khoảng tạm nghỉ chiến đấu trong mùa đông khắc nghiệt sắp tới để củng cố phòng tuyến vững chắc hơn nữa và tiếp tục làm khó cho quân Ukraine.

Theo bài viết, kịch bản thứ hai để mở cho Kyiv lựa chọn là vừa đánh vừa đàm, nghĩa là Ukraine sẽ tiếp tục phản công đồng thời với tham gia vào các cuộc đàm phán với Nga. Tuy nhiên, ông Ronzheimer dự đoán rằng hành động quay ngoắt 180 độ này sẽ khiến ông Zelensky gặp khó trong việc giải thích với công chúng.

Phó Tổng biên tập tờ Bild nhấn mạnh rằng vào tháng Mười năm ngoái, Tổng thống Ukraine Zelensky đã ký sắc lệnh cấm đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, các cuộc thăm dò dân ý gần đây cho thấy 70% người dân Ukraine bày tỏ phản đối đàm phán với Nga.

Kịch bản thứ ba và cũng là tồi tệ nhất đối với Ukraine mà ông Ronzheimer dự tính là cuộc phản công của Ukraine bị sa lầy, và Nga sẽ phát động tấn công lấy thêm lãnh thổ của Ukraine, mục tiêu có thể là nhiều phần của Khu vực Kharkov.

Vào đầu tháng Sáu, quân đội Ukraine đã bắt đầu cuộc phản công được chờ đợi từ lâu nhằm lấy lại lãnh thổ bị Nga chiếm đóng ở miền đông và đông nam. Tuy nhiên, bất chấp được sự hỗ trợ to lớn từ phương Tây, quân đội Ukraine cho đến nay vẫn chưa đạt được bất kỳ thắng lợi đáng kể nào, thậm chí còn thiệt hại lớn về binh sĩ và khí tài.

Một số quan chức cấp cao tại Kyiv và một số quốc gia phương Tây đã thừa nhận rằng cuộc phản công tiến triển chậm, không đạt được những kỳ vọng đặt ra ban đầu.

Tuy nhiên, cả Kyiv và các quốc gia hậu thuẫn họ từ phương Tây đều bày tỏ lạc quan rằng cuộc phản công cuối cùng sẽ thành công. Phương Tây vẫn tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine và mới nhất Mỹ đã cho phép chuyển chiến đấu cơ F-16 tối tân cho Kyiv thông qua bên thứ ba là Hà Lan và Đan Mạch.

Lãnh đạo của Đan Mạch và Hà Lan cũng đã hứa hẹn với Tổng thống Zelensky rằng họ sẽ sớm chuyển F-16 vào chiến trường Ukraine. Dự kiến lô chiến đấu cơ F-16 sớm nhất, theo thủ tướng Đan Mạch, sẽ tới chiến trường Ukraine vào đầu năm tới. Theo báo chí của Ukraine, giới chức Kiev kỳ vọng sẽ có được 200 chiến đấu cơ để có thể làm chủ chiến tranh trên bầu trời.

Về phía Nga, Điện Kremlin trước nay vẫn luôn kịch liệt phản đối phương Tây viện trợ quân sự cho Ukraine. Moscow cảnh báo rằng hành động viện trợ đó chỉ làm kéo dài và mở rộng cuộc xung đột vũ trang hiện nay, chứ không thể thay đổi được kết quả cuối cùng.

Hải Đăng