Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc hôm thứ Hai (8/10) đã đồng ý làm việc cùng nhau để duy trì hòa bình và an ninh trên Biển Đông. Sau đó một ngày Hội nghị Thượng đỉnh Mekong- Nhật Bản cũng đưa ra tuyên bố chung kêu gọi đẩy mạnh hợp tác vì khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, gián tiếp kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản họp báo chung tại Tokyo hôm 8/10.

Theo Thời báo Nhật Bản, trong cuộc họp song phương tại Tokyo hôm 8/10, Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản cũng đã xác nhận cùng sẵn sàng thúc đẩy thương mại tự do và công bằng thông qua các thỏa thuận thương mại khu vực, trong đó có Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương 11 thành viên.

Trong cuộc họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: “Cùng chung tay với Thủ tướng Phúc, tôi sẽ quyết tâm hiện thực hóa khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Thủ tướng Nhật Bản đề cập tới vùng biển rộng lớn hơn, trong đó bao gồm cả Biển Đông.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật, ông Phúc kiềm chế không nhắc trực tiếp tên Trung Quốc, nhưng ông và Thủ tướng Abe đã xác nhận sự cần thiết của việc đảm bảo hòa bình, an ninh hàng hải và tự do hàng hải trên biển và trên không tại Biển Đông.

Tôi hoan nghênh và ủng hộ những nỗ lực và đề xướng của Nhật Bản để đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế, tự do thương mại và an toàn hàng hải tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”, tờ Thời báo Nhật Bản dẫn lời ông Phúc.

Năm nay cũng là dịp Việt Nam – Nhật Bản kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Nhân sự kiện này, Thủ tướng Abe đã cam kết thúc đẩy ngoại giao nhân dân với Việt Nam và thông báo Nhật Bản đang chuẩn bị tăng cường thu hút lao động nước ngoài thông qua việc giới thiệu quy định cư trú mới từ tháng 4/2019.

Nhật Bản cũng hứa tăng viện trợ cho Việt Nam lên 1,2 tỷ Yên để sản xuất các thiết bị kiểm tra an toàn thực phẩm trong nỗ lực giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu thực phẩm an toàn.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Tokyo lần này để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mekong – Nhật Bản diễn ra vào ngày 9/10, cùng với sự có mặt của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và lãnh đạo Myanmar Suu Kyi.

Hội nghị Thượng đỉnh Mekong – Nhật Bản được tổ chức hàng năm từ 2009 và Nhật Bản sẽ là chủ nhà sau mỗi ba năm. Trong Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 10 này, Nhật Bản và 5 nước tiểu vùng sông Mekong đã ra tuyên bố chung cam kết hợp tác thúc đẩy các chương trình phát triển và cải thiện hơn nữa “sự kết nối” và các dự án “cơ sở hạ tầng chất lượng” trong khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Abe lưu ý rằng Nhật Bản đã đầu tư mạnh vào khu vực tiểu vùng sông Mekong, cũng như vào các nước ASEAN trong nhiều năm qua. Ông Abe hứa rằng Tokyo sẽ tăng thêm vốn và các dự án đầu tư trong thời gian tới để thúc đẩy các nước Mekong trở thành trung tâm sản xuất chính.

Khu vực Mekong có tiền năng lớn cho phát triển và thịnh vượng”, Thủ tướng Abe nói.

Trong khi đó, tuyên bố chung Mekong – Nhật Bản cũng nhấn mạnh tới chính sách của Nhật Bản kêu gọi khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” – một sáng kiến ngoại giao nhằm đối trọng với việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng khắp Đông Nam Á tới Châu Phi thông qua các dự án cơ sở hạ tầng thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Lãnh đạo 5 nước Mekong và Nhật Bản cũng lưu ý về tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ và tự do hàng hải trên Biển Đông và đồng ý cùng nhau tổ chức các buổi làm việc của các quan chức cấp cao để thực hiện những mục tiêu mới nhằm tăng cường tầm nhìn 2030 phát triển “ổn định, đa dạng và toàn diện”.

Tờ Thời báo Nhật Bản đánh giá Hội nghị Thượng đỉnh Mekong – Nhật Bản lần này là cơ hội để Tokyo gia tăng “sức mạnh tài chính” và phát triển một liên minh khu vực có thể cạnh tranh với dự án cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Tân Bình

Xem thêm: