Nhiều công ty Trung Quốc hô hào mua sản phẩm Huawei, tẩy chay Apple
- Tân Bình
- •
Một số công ty Trung Quốc đã thông báo chính sách nội bộ ủng hộ các sản phẩm của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, đồng thời tẩy chay iPhone của Apple từ sau khi Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính toàn cầu Mạnh Vãn Châu của tập đoạn này bị bắt tại Canada theo đề nghị của Mỹ.
Cổng thông tin Sina, Trung Quốc hôm 10/12 đăng tải một bài viết liệt kê nhiều công ty Trung Quốc đang đưa ra các biện pháp hỗ trợ Huawei trên tinh thần đoàn kết quốc gia với doanh nghiệp đang bị quốc tế bao vây. Trong bài báo này có chụp ảnh màn hình nhiều thông báo nội bộ của các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc có nội dung ủng hộ Huawei sau khi có tin bà Mạnh bị bắt.
Menpad, một công ty sản xuất màn hình LCD có trụ sở tại Thâm Quyến hôm 7/12 đã ban hành một thông báo trên website của công ty cho biết: “Nếu nhân viên mua bất kỳ chiếc iPhone nào, họ sẽ bị phạt 100% giá thị trường của chiếc điện thoại đó”, ngược lại, “nếu họ mua điện thoại của Huawei hoặc ZTE, công ty sẽ trợ cấp 15% giá trị trường”.
Menpad cũng tuyên bố rằng thiết kế sản phẩm tương lai của công ty này sẽ ưu tiên sử dụng chip bán dẫn điện thoại thông minh của chính Huawei. Ngoài ra, Menpad cũng khuyến cáo công ty và nhân viên của mình không nên mua các loại xe mang thương hiệu Mỹ.
Sina cũng đã đăng lại ảnh chụp màn hình thông báo của công ty Youfei Electronics phát hành hôm 7/12. Công ty điện tử và phát triển phần mềm có trụ sở tại Thượng Hải này loan báo rằng: “Sau cuộc họp của hội đồng quản trị, công ty quyết định sẽ trả tiền cho nhân viên mua điện thoại và máy tính laptop của Huawei, bắt đầu từ 7/12 cho tới 31/12/2018. Mỗi nhân viên được trợ cấp mua tối đa 2 sản phẩm”.
Trong khi đó, RYD Information Technology – một nhà cung cấp IT cho các khách hàng ngành xây dựng, ôtô và hàng không hôm 7/12 cũng ban hành một bản quy định tuyên bố rằng công ty này bây giờ sẽ mua độc quyền sản phẩm và phần mềm của Huawei. Ngoài ra, công ty cũng hỗ trợ 15% khi nhân viên công ty mua các sản phẩm của Huawei cho mục đích sử dụng cá nhân.
Yutangfu, một công ty quản lý nhà hàng, khách sạn và khu nghỉ dưỡng có trụ sở tại Thành phố Giang Tô, Tỉnh Quảng Đông trong thông báo phát hành hôm 9/12 nói rằng họ sẽ cung cấp coupon trị giá 500 Nhân dân tệ (72,6 USD) cho khách hàng để họ mua điện thoại mới của Huawei. Giá trị của coupon này có thời hạn tới 31/12/2019. Bất kỳ nhân viên nào của công ty mua iPhone sẽ bị loại khỏi danh sách nhân viên tốt trong năm và bị cắt tiền thưởng năm.
Thông báo của Yutangfu cũng tuyên bố rằng trong bối cảnh thương chiến giữa Trung Quốc và Mỹ, mọi người trong công ty “có trách nhiệm với sự thăng trầm của đất nước”.
Phòng Thương mại Nanchong tại Thượng Hải hôm 9/12 phát đi thông báo rằng việc bắt giữ bà Mạnh là nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc; vì vậy, công dân Trung Quốc nên hỗ trợ các thương hiệu nội địa. Thông báo này tuyên bố rằng những người trong tổ chức này nếu bị phát hiện mua các sản phẩm của Apple sẽ bị tước vị trí chính thức.
Ngoài ra, Phòng Thương mại Nanchong cũng tuyên bố rằng bất cứ nhân viên nào quyết định mua điện thoại của Huawei trước ngày 5/1/2019 sẽ được tổ chức trợ cấp 10%.
Trên mạng Weibo, một ứng dụng của Trung Quốc tương tự Twitter, một số cư dân mạng Trung Quốc đã ủng hộ việc các công ty trong nước tẩy chay Apple. Trong khi, những người khác nhanh chóng chỉ ra những vấn đề đằng sau lệnh cấm dùng hàng Mỹ của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Một cư dân mạng có biệt danh “Rule_of_law” viết rằng: “Nhân danh chủ nghĩa yêu nước, những công ty này đã vi phạm luật lao động”. Bình luận của anh này đã nhận được 4.800 đồng tình.
Nhiều cư dân mạng nhanh chóng chỉ ra sự nực cười đằng sau lệnh cấm: Huawei sử dụng hệ điều hành Android trong điện thoại di động của họ mà phần mềm này lại do gã khổng lồ công nghệ Mỹ – Goolge phát triển.
Mặc dù không có dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc đứng sau một loạt các hành động tẩy chay sản phẩm Apple từ khi bà Mạnh bị bắt, nhưng chế độ Bắc Kinh đã có tiền lệ sử dụng tuyên truyền thông qua truyền thông nhà nước để thao túng công luận và thói quen của người tiêu dùng nhằm phục vụ cho lợi ích của nhà cầm quyền.
Năm ngoái, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã thực hiện một nỗ lực tuyên truyền toàn diện để khuyên người dân trong nước tẩy chay các sản phẩm của Hàn Quốc sau khi Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đồng ý cho thuê đất để lắp đặt Hệ thống Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối – THAAD trong bối cảnh thử nghiệm hạt nhân tại Bắc Hàn gia tăng. Hành động lắp đặt THAAD đã khiến chính quyền Trung Quốc tức giận vì họ cho rằng hệ thống chống tên lửa này có thể được sử dụng để do thám vào không phận Trung Quốc.
Tờ Hoa Nam Buổi Sáng hôm 12/12 cho biết giới chức Trung Quốc đã khuyến cáo các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc không nên thực hiện “các chuyến đi không cần thiết” tới Mỹ ở thời điểm này.
Tờ báo của Hồng Kông, dẫn theo nguồn tin giấu tên, nói rằng một chỉ thị nội bộ tại một cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc đã hướng dẫn nhân viên xóa thông tin nhạy cảm khỏi các thiết bị điện tử của họ nếu họ vẫn chọn di trú tới Mỹ.
Tân Bình (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa công cụ tuyên truyền Trung Quốc Công ty Apple Huawei