Nhiều nhà lãnh đạo quốc tế đang tìm mọi cách lấy lòng — hoặc nỗ lực tìm cách nối lại các mối quan hệ cũ — với cựu Tổng thống Donald Trump khi cuộc bầu cử vào tháng Mười Một đang đến ngày càng gần. Các nhà  lãnh đạo ngoại quốc này đang đặt cược vào ông Trump, cũng như đảm bảo mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền tương lai của ông.

Viktor Orban Donald Trump
Thủ tướng Hungary Viktor Orban gặp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại tư dinh Mar-a-Lago, Florida hôm 11/7. (Ảnh lấy từ Twitter của Thủ tướng Orban)

Cuối tuần vừa qua, Quốc vương Qatar, Tamim bin Hamad Al Thani, đã đến thăm đề cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa ông Donald Trump. Ông Trump dự kiến cũng sẽ gặp mặt Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong một buổi vận động tranh cử tại thành phố Pennsylvania, tuy nhiên sự kiện này đã bị hủy bỏ sau đó. Tuần trước, ông Trump cũng ngỏ ý mong chờ một cuộc hội ngộ với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, mặc dù New Delhi chưa xác nhận bất kỳ kế hoạch gặp mặt trực tiếp nào như vậy.

Chuỗi các cuộc gặp gỡ quốc tế được lên kế hoạch diễn ra khi cuộc bầu cử vị trí Tổng thống Hoa Kỳ 2024 bước vào hồi kết. Các cuộc gặp mặt này không phản ánh quan điểm chính thức của các quốc gia về khả năng ông Trump đắc cử, tuy nhiên những sự kiện như vậy thể hiện các lãnh đạo quốc tế ít nhất cũng hy vọng bảo vệ lợi ích đất nước của mình trong trường hợp ông quay trở lại Nhà Trắng. Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của ông Trump lại xem đây như một tín hiệu tích cực hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống. 

Các nhà lãnh đạo ngoại quốc mong muốn gặp mặt cựu Tổng thống Trump vì họ thấy rằng ông sẽ quay lại Nhà Trắng và là đề cử viên duy nhất có khả năng khôi phục hòa bình trên toàn thế giới”, Thư ký Báo chí Quốc gia của Chiến dịch Trump, bà Karoline Leavitt, chia sẻ với tờ Just the News.

Trước đây, ông Trump đã từng nhiều lần tiếp đón các nhà lãnh đạo ngoại quốc tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, từ Thủ tướng Hungary ông Viktor Orban đến Thủ tướng Israel ông Benjamin Netanyahu. Nhưng gần đây, danh sách khách mời đang ngày càng mở rộng, vượt ra ngoài những đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia khác, ngay cả những quốc gia tưởng chừng không có quan hệ thân thiết với ông Trump khi ông còn tại chức.

Dưới đây là danh sách các quốc gia đã tìm cách gặp mặt ông Trump và vị thế của họ trên trường quốc tế: 

Qatar

Vào cuối tuần vừa qua, ông Trump đã gặp mặt Quốc vương Qatar tại Mar-a-Lago. Quốc gia nhỏ bé vùng Trung Đông này có vị thế quan trọng thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas trong bối cảnh xung đột đang leo thang tại Dải Gaza.

Thật tuyệt vời khi được gặp lại những người bạn của tôi, Thái tử Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, Quốc vương Qatar và Ngài Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani, Thủ tướng Qatar tại dinh thự Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida”, ông Trump chia sẻ trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social.

Ngài Quốc vương đã chứng minh [cho thế giới] là một nhà lãnh đạo tài giỏi và quyền lực của đất nước mình, [đất nước] đang phát triển ở mọi khía cạnh cuộc sống với tốc độ kỷ lục”, ông cho biết thêm. “Ông ấy [Quốc vương] cũng là người rất mong muốn hòa bình tại Trung Đông và trên toàn thế giới. Chúng tôi đã có một mối quan hệ tuyệt vời trong những năm tôi tại vị ở Nhà Trắng, và mối quan hệ này sẽ còn bền chặt hơn trong lần [gặp mặt] này!”.

Trong bối cảnh xung đột leo thang giữa Israel và Hamas, Qatar đã phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ gỡ phong tỏa các quỹ tiền bị cấm vận của Iran mà chính quyền Biden trước đó đã chấp thuận giải ngân. Tuy nhiên, cuộc đột kích của Hamas vào ngày 7 tháng 10 đã thay đổi tất cả và Qatar đã đóng băng 6 tỷ USD tiền quỹ của Iran một lần nữa, số tiền từng được chuyển giao cho quốc gia này như một phần trong thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Iran và Hoa Kỳ. 

Ba Lan

Ông Trump đã dự định gặp mặt Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại Đền thờ Quốc gia Đức Mẹ Czestochowa ở Quận Bucks, tiểu bang Pennsylvania, tuy nhiên sự kiện này đã bị hủy bỏ với lý do không rõ ràng. 

Sau đó, ông Trump đã chia sẻ đoạn video bài phát biểu của ông Duda tại đền thờ, đồng thời gọi ông Duda là “người bạn lớn” cũng như nhắc lại bài phát biểu của mình tại Ba Lan vào năm 2017. Ông Duda, một chính trị gia theo chủ nghĩa bảo thủ, nhìn chung đã có mối quan hệ tốt đẹp với ông Trump trong suốt thời gian cả hai cùng tại vị.

Ba Lan đã là một đối tác an ninh quan trọng của Hoa Kỳ trong bối cảnh cuộc chiến tranh đang diễn ra giữa Nga và Ukraine. Ba Lan đồng thời đã mở rộng vòng tay chào đón hàng triệu di dân tị nạn Ukraine và trở thành tuyến đường cung cấp viện trợ quan trọng của phương Tây cho Kiev. 

Ấn Độ

Vào tuần trước, ông Trump đã tỏ ý mong muốn được gặp mặt Thủ tướng Ấn Độ Modi trong chuyến công du của ông Modi đến Hoa Kỳ, mặc dù cuộc gặp mặt vẫn chưa được New Delhi xác nhận chính thức tính đến thời điểm bài viết này được đăng tải. 

Vì vậy, khi Ấn Độ, quốc gia này là một kẻ lạm dụng lớn, ông ấy tình cờ đến gặp tôi vào tuần tới, và Modi, ông ấy thật tuyệt vời. Ý tôi là, một người đàn ông tuyệt vời”, ông Trump không ngần ngại thể hiện quan điểm tại một cuộc hội thảo ở thành phố Flint, tiểu bang Michigan.

Bình luận Ấn Độ là “kẻ lạm dụng” của ông Trump ám chỉ đến những chính sách thương mại một chiều chỉ mang lại lợi ích cho Ấn Độ, đối nghịch hoàn toàn với các chính sách thương mại “có đi có lại” của ông Trump. Ông Trump còn tỏ ra ngưỡng mộ ông Modi cũng như các nhà lãnh đạo khác trên thế giới đã khéo léo điều hành đất nước để đảm bảo mối quan hệ thương mại có lợi một chiều duy trì lâu dài khi giao thương với Hoa Kỳ.

Rất nhiều nhà lãnh đạo thật tuyệt vời… Quý vị biết [họ] biểu hiện, họ đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Và họ sử dụng điều này [quyền lực của mình một cách khéo léo trong thương mại một chiều]. Nhưng Ấn Độ rất khắc nghiệt [khi giao thương với Hoa Kỳ]”, ông Trump nói thêm.

Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa đưa ra xác nhận bất kỳ kế hoạch gặp mặt chính thức nào giữa ông Modi và ông Trump. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ ông Vikram Misri cho biết “hiện có rất nhiều cuộc họp với thủ tướng mà chúng tôi đang cố gắng sắp xếp”, theo South China Morning Post

Hungary

Thủ tướng Hungary ông Viktor Orban đã là một đồng minh thân cận của ông Trump trong nhiều năm và là chính trị gia thể hiện quan điểm rõ ràng ủng hộ ông Trump tái đắc cử vị trí tổng thống Hoa Kỳ 2024 trên trường quốc tế. 

Vào tháng Bảy, ông Orban đã gặp mặt ông Trump sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, đánh dấu lần gặp thứ hai của ông Orban với ông Trump trong năm nay. Cựu tổng thống đã tiếp đón long trọng ông Orban tại dinh thự Mar-a-Lago vào tháng Ba, khi cả hai thảo luận về “một loạt những vấn đề có ảnh hưởng lớn đối với Hungary và Hoa Kỳ, như tầm quan trọng tối cao của an ninh biên giới vững chắc nhằm bảo vệ chủ quyền của mỗi quốc gia”.

Hungary hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu và ông Orban là chính trị gia châu Âu đứng đầu lên tiếng kêu gọi Ukraine cũng như Nga tham dự các cuộc đàm phán ngừng bắn. Trong khi ông Orban đã theo đuổi những nỗ lực cá nhân nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, ông cũng lên tiếng ủng hộ tuyên bố của ông Trump khi cho rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ không bao giờ xảy ra nếu ông Trump đắc cử vị trí Tổng thống năm 2020. 

Nhân dân Hoa Kỳ có quyền tự do lựa chọn [vị tổng thống] của riêng họ, và chúng tôi, nhân dân Hungary, cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng thế giới sẽ tốt hơn – và tốt hơn cho cả Hungary nữa – nếu Tổng thống Donald Trump nắm quyền”, ông chia sẻ thẳng thắn vào tháng Ba.

Israel

Vào tháng Bảy năm nay, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gặp mặt ông Trump tại dinh thự Mar-a-Lago. Cả hai vị chính trị gia đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump khi tổng thống đã thúc đẩy các Hiệp định Abraham mang tính lịch sử, thỏa thuận ngoại giao giữa Israel và nhiều quốc gia Hồi giáo nhằm bình thường hóa quan hệ quan hệ mang lại hòa bình cho khu vực Trung Đông. 

Cựu Tổng thống Trump đã bày tỏ sự đoàn kết với Israel sau cuộc tấn công man rợ vào ngày 7 tháng 10, và cam kết rằng khi ông quay lại Nhà Trắng, ông sẽ nỗ lực hết mình nhằm mang lại hòa bình cho Trung Đông và chống lại sự lan truyền của chủ nghĩa bài Do Thái trên các khuôn viên trường đại học khắp Hoa Kỳ”, chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết về cuộc gặp gỡ này.

Ông Netanyahu, về phần mình, đã chia sẻ những bức ảnh về sự kiện gặp mặt ông Trump, nhưng không đưa ra nhiều tuyên bố chính thức công khai.

Vương quốc Anh

Cựu Ngoại trưởng Anh David Cameron đã đến thăm Mar-a-Lago vào tháng Tư nhằm thảo luận về cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine với Nga. Ông Trump thường bày tỏ nghi ngờ trong những cuộc vận động tranh cử về việc liệu Hoa Kỳ có nên tiếp tục cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine, trong khi chính phủ Anh là một trong những chính phủ ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine tại châu Âu.

Cả hai chính trị gia đã thảo luận về cuộc xung đột Nga và Ukraine và các thỏa thuận hòa bình có thể đạt được trong cuộc gặp này. Tuy nhiên, chính phủ Đảng Bảo thủ đã mất quyền lực tại London, và ông Cameron hiện không còn giữ chức vụ Ngoại trưởng Anh nữa.