Nhiều nước Đông Nam Á đua nhau mở cửa trở lại ngành du lịch
- Phan Anh
- •
Nhiều nước Đông Nam Á hiện đang rốt ráo mở cửa trở lại đón du khách quốc tế trong bối cảnh mùa cao điểm du lịch đến gần.
Thái Lan đang là một trong những quốc gia đi đầu khối ASEAN (Đông Nam Á) trong việc mở cửa ngành du lịch. Hồi tháng 7, thông qua chương trình “Hộp cát du lịch”, nước này chào đón du khách nước ngoài quay trở lại đảo du lịch Phuket. Theo giới chức trách, hơn 70.000 lượt du khách đã đến Phuket, mang lại doanh thu 86 triệu USD.
Kể từ ngày 1/11, du khách nước ngoài đã tiêm vắc-xin COVID-19 đầy đủ từ 46 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Thái Lan sẽ không cần thực hiện việc cách ly bắt buộc.
Thủ tướng Prayut Chanocha đánh giá cao động thái mở cửa trở lại đất nước, bởi nếu Thái Lan hành động quá chậm trễ, du khách nước ngoài sẽ lựa chọn những điểm đến khác.
“Chúng ta phải hành động thật nhanh, nhưng đồng thời cũng cần cẩn trọng, không bỏ lỡ cơ hội trong những tháng tới để hỗ trợ hàng triệu người mà cuộc sống phụ thuộc vào ngành du lịch, lữ hành, giải trí, cũng như các lĩnh vực liên quan”, Thủ tướng Prayut cho hay.
Vài tuần qua, các quốc gia Đông Nam Á khác cũng liên tiếp thông báo nới lỏng hoặc gỡ bỏ quy định về cách ly bắt buộc với du khách nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến căng thẳng trên thế giới.
Đầu tháng 10, sau nhiều lần trì hoãn, Indonesia đã thông báo mở cửa trở lại đảo du lịch Bali với du khách quốc tế. Các nước như Malaysia, Campuchia cũng đang lên kế hoạch tương tự.
Từ 19/10, Singapore bắt đầu cho phép du khách đã tiêm chủng đầy đủ từ Anh, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Italy, Hà Lan và Tây Ban Nha nhập cảnh bất kể mục đích mà không cần cách ly bắt buộc, theo chương trình khôi phục đi lại quốc tế có tên “Đường bay tiêm chủng đặc biệt”. Trước đó, Singapore cũng mở lại đường bay với Đức và Brunei.
Du lịch là động lực kinh tế quan trọng cho khu vực Đông Nam Á. Trước đại dịch, có khoảng 130 triệu lượt du khách quốc tế đến ASEAN mỗi năm; 42 triệu việc làm được tạo ra chỉ riêng trong ngành công nghiệp trên. Ngoài ra, Đông Nam Á cũng có khoảng 1 tỷ chuyến du lịch nội địa mỗi năm.
“Về tổng thể, lữ hành và du lịch chiếm khoảng 12,1% tổng thu nhập quốc nội (GDP) của các nước Đông Nam Á, mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn”, Steven Schipani, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết.
Năm 2019, các nước thuộc ASEAN thu về 380 tỷ USD ngoại tệ nhờ du lịch. Theo chuyên gia Hannah Pearson làm việc cho tổ chức tư vấn lữ hành Pear Anderson, yếu tố về kinh tế là lý do khiến các nước trong khu vực đẩy nhanh kế hoạch mở cửa trong thời điểm này.
“Tất cả quốc gia đang theo dõi sát bước đi của những nước khác, nhiều bộ trưởng Du lịch lưu ý họ không muốn bị các nước láng giềng ASEAN bỏ lại phía sau”, bà Pearson cho biết.
Các chính phủ của nhiều quốc gia nhận ra rằng nếu không mở cửa với du khách quốc tế ngay trong năm nay, thị phần của họ sẽ bị các nước khác trong khu vực lấy mất, theo bà Pearson.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC hồi tuần trước, Bộ trưởng Du lịch Malaysia Nancy Shukri cho biết nước này không muốn bị bỏ lại, khi mà các quốc gia trong khu vực nới lỏng việc kiểm soát biên giới với du khách quốc tế.
Bắt đầu từ tháng 11, Malaysia sẽ thử nghiệm mở cửa trở lại đảo Langkawi với du khách nước ngoài đã tiêm vắc-xin COVID-19 đầy đủ. Du khách sẽ không phải cách ly, nhưng họ phải ở trên đảo tối thiểu 3 ngày.
“Chúng tôi đang quan sát cách làm của các nước khác để xem có thể học hỏi được gì hay không”, bà Shukri nói.
Thái độ tiếp cận trong việc ứng phó với đại dịch ở khu vực nói chung cũng đã thay đổi. Các nước đã từ bỏ chiến lược “Zero COVID-19” để chuyển sang “sống chung với COVID-19”.
Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) cho biết rằng nhiều quốc gia đã thừa nhận biện pháp phong tỏa biên giới không giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Việc kéo dài động thái này chỉ càng làm chậm khả năng phục hồi của du lịch và cả nền kinh tế.
Gary Bowerman, Giám đốc công ty du lịch Check-in Asia, cho hay rằng cuối năm là mùa du lịch cao điểm. Đối tượng du khách được nhắm đến mùa này là người đến từ Mỹ và châu Âu, nơi mùa đông đã bắt đầu.
Các chuyến du lịch hiện nay sẽ tốn kém hơn bởi chi phí xét nghiệm bắt buộc và các thủ tục liên quan. Du khách cũng có xu hướng tự tổ chức các chuyến du lịch, hoặc đi các chuyến ngắn ngày, thay vì lựa chọn các công ty du lịch lớn như trước.
“Tất cả đang chạy đua để mở cửa lại, nhưng chúng ta không biết được rõ mức độ nhu cầu của du khách”, ông Bowerman cho hay.
Mỗi quốc gia thuộc ASEAN có những thủ tục và quy định riêng dành cho du khách quốc tế nhập cảnh, từ việc mua bảo hiểm, xét nghiệm, giấy chứng nhận sức khỏe, hay thậm chí bắt buộc sử dụng tổ chức du lịch hoặc khách sạn được chỉ định. Điều này có thể khiến du khách quốc tế không còn quá mặn mà với khu vực này.
“Du lịch sẽ không chỉ là ‘mua vé và lên máy bay’ như trước, khi mà chúng ta chỉ cần chọn khách sạn, mua vé và cất cánh. Có rất nhiều thủ tục phức tạp phải thực hiện vào lúc này”, ông Bowerman nói.
Ngay tại các nước đã gỡ bỏ yêu cầu về cách ly, thì một số rào cản vẫn còn đó, chẳng hạn như việc thiếu chuyến bay thẳng, hay cạnh tranh từ các địa điểm du lịch khác ngoài Đông Nam Á.
“Bali là một ví dụ điển hình. Dù đã mở cửa cho du khách quốc tế, không có nhiều chuyến bay thẳng tới đây”, bà Pearson chia sẻ.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp trong ngành du lịch, giải trí, cũng cần thời gian để khôi phục hoạt động sau thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19
“Các chính phủ đang rốt ráo khởi động lại bộ máy du lịch, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu của du khách sẽ cần thêm thời gian để phục hồi, nhất là khi có nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa vĩnh viễn và nhiều người lao động phải chuyển sang làm công việc khác”, Jay Harriman, giám đốc công ty tư vấn Bower Group Asia, cho hay.
Theo Straits Times,
Phan Anh
Xem thêm:
Từ khóa COVID-19 Sống chung với covid-19 Zero COVID-19 Asean Dòng sự kiện