Những ai tháp tùng Kim Jong-un hội đàm với Hàn Quốc?
- Xuân Thành
- •
Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un sẽ mang một đội ngũ phụ tá và cố vấn thân tín tới cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào hôm nay (27/4).
Phía Hàn Quốc cho biết họ chưa bao giờ tiếp đón một phái đoàn cấp cao như vậy tới từ Bình Nhưỡng. Đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần ba, nhưng thời điểm này cuộc gặp Kim – Moon cũng là màn dạo đầu cho hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào đầu tháng Sáu.
Dưới đây tờ BBC điểm qua những phụ tá, cố vấn thân tín hàng đầu sẽ tháp tùng ông Kim Jong-un tới tòa nhà Peace House, tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, khu phi quân sự liên Triều.
Kim Yo-jong: Người em gái quyền lực của lãnh đạo tối cao
Tầm quan trọng của Kim Yo-jong đối với kế hoạch hành động của ông Kim Jong-un đã được làm rõ khi cô Kim trở thành đại sứ Bắc Hàn tham dự Thế vận hội mùa đông tại Hàn Quốc hồi tháng Hai vừa qua, sự kiện đó chính là điểm khởi đầu cho tất cả những điều tích cực sau đó trong quan hệ Nam Bắc Triều.
Cô Kim Yo-jong chính là thành viên gia đình nhà Kim đầu tiên tới thăm Hàn Quốc kể từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.
Em gái của ông Kim Jong-un khi đó vẫn nằm trong danh sách đen bị Mỹ chế tài do cáo buộc có liên quan tới việc lạm dụng nhân quyền tại Bắc Hàn, nhưng cô Kim vẫn uống rượu vang, ăn tiệc tối với Tổng thống và các lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc.
Vai trò của cô Kim Yo-jong tại Bắc Hàn hiện nay không nên bị đánh giá thấp. Các nhà phân tích cho rằng nhiều quyết định quan trọng của ông Kim Jong-un có lẽ được thực hiện với sự tham vấn ý kiến của em gái ông.
Kim Yong-nam: Người sống sót sau các cuộc thanh trừng
Ông Kim Yong-nam, 90 tuổi, đã được chứng kiến sự nghiệp lãnh đạo của ba đời nhà họ Kim.
Không giống như ông Kim Jong-un hiếm khi công du nước ngoài, ông Kim Yong-nam đã nhiều lần đại diện cho Bắc Hàn thăm chính thức nhiều nước. Vào mùa hè năm ngoái, ông Kim Yong-nam đã tới Iran tham dự lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai của Tổng thống Hassan Rouhani.
Lòng trung thành của ông Kim Yong-nam với các lãnh đạo nhà họ Kim chưa bao giờ bị đặt dấu hỏi và một số nhà phân tích quốc tế đã chỉ ra rằng khả năng sống sót qua các đợt thanh trừng của ông Yong-nam là ấn tượng.
“Ông ta không bao giờ mắc sai lầm. Đó là lý do tại sao ông có thể giữ vững vị trí lãnh đạo cao cấp tại một đất nước mà việc thanh trừng chính trị xảy ra thường xuyên”, Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời nhận xét của một người đào thoát Bắc Hàn nói về ông Kim Yong-nam.
Choe Hwi – chuyên gia văn hóa Bắc Hàn
Bộ trưởng Thể thao Bắc Hàn Choe Hwi nổi tiếng với cách cư xử tương đối hòa nhã của ông mỗi khi xuất hiện trên truyền thông nhà nước và qua các bức ảnh kỷ niệm công khai trước công chúng.
Theo trang thông tin Quan sát Lãnh đạo Bắc Hàn, vị trí lãnh đạo đáng kể đầu tiên của ông Choe Hwi là quản lý đoàn nhạc kịch Sea of Blood vào giữa những năm 1980.
Ông Choe Hwi đã dành phần lớn sự nghiệp của mình trong lĩnh vực nghệ thuật của Bắc Hàn và thậm chí còn được cho là đã tham gia vào việc thành lập ban nhạc Moranbong – một nhóm nhạc pop nữ Bắc Hàn.
Vai trò đột phá của sự kiện Thế vận hội mùa đông trong quan hệ Bắc-Nam cũng như những trao đổi văn hóa liên Triều gần đây có thể giải thích tầm quan trọng của ông Choe Hwi.
Kim Yong-chol: Nhà đàm phán cứng rắn
Một trong những nhân vật gây tranh cãi hơn cả trong phái đoàn Bắc Hàn hội đàm với Hàn Quốc lần này là ông Kim Yong-chol – cựu giám đốc tình báo quân đội Bắc Hàn, người bị cáo buộc là chủ mưu của các vụ tấn công vào tàu chiến Cheonan và Đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc năm 2010.
Các báo cáo của trang thông tin Quan sát Lãnh đạo Bắc Hàn cho hay Tướng Kim Yong-chol nổi tiếng là người khó làm việc và hay nói mỉa trong các cuộc hội đàm.
Trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần hai vào năm 2007, ông Kim Yong-chol được cho là đã từ chối một đề nghị của phía Hàn Quốc bằng câu nói: “Có lẽ quý vị có cả một cặp những đề xuất khác”.
Ri Su-yong: Nhà ngoại giao và ‘người cha’ của ông Kim Jong-un
Ông Ri Su-yong, trước đây được biết đến với tên gọi Ri Chol, có mối quan hệ rất gần vũi với gia đình nhà họ Kim. Ông Ri đi học cùng ông Kim Jong-il trước khi trở thành vệ sĩ cho các con của ông Kim, trong đó có lãnh đạo tối cao Bắc Hàn đương nhiệm khi cậu bé Kim Jong-un đi học tại Thụy Sĩ vào những năm 1990.
Chuyên gia Michael Madden của trang tin Quan sát Lãnh đạo Bắc Hàn đã từng ví ông Ri Su-yong là “người cha” của Kim Jong-un.
Ông Ri tiếp tục công du rộng rãi để đại diện cho đất nước và đã giữ vai trò Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn trong năm 2014, thời điểm khi chức danh này ngày càng trở nên có ảnh hưởng. Ông hiện đang chỉ đạo Vụ Giao dịch quốc tế, cho phép ông tương tác thường xuyên với các nhà ngoại giao nước ngoài.
Theo trang tin Quan sát Lãnh đạo Bắc Hàn, ông Ri được tôn trọng là một nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc và được coi là một nhân vật có thể tiếp cận được.
Ri Myong-su: Gia sư và quân nhân
Ông Ri Myong-su đã đảm nhiệm chức Tổng tham mưu trưởng quân đội Bắc Hàn năm 2016. Hai người tiền nhiệm của ông Ri dưới thời ông Kim Jong-un được cho là đã bị hành quyết.
Ở độ tuổi ngoài 80, ông Ri Myong-su là cựu chiến binh trong chiến tranh Triều Tiên và được xem là một chiến lược gia quân sự hàng đầu.
Theo trang tin Quan sát Lãnh đạo Bắc Hàn, ông Ri Myong-su đã từng làm gia sư cho ông Kim Jong-un khi ông Kim bắt đầu chuẩn bị giữ vai trò lãnh đạo tối cao Bắc Hàn.
Ông Ri Myong-su đã không xuất hiện trước công chúng một vài năm sau khi ông Kim Jong-il qua đời, nhưng hiện tại ông Ri đã xuất hiện ở tuyến đầu và trung tâm trong đội ngũ lãnh đạo dưới quyền Chủ tịch Kim Jong-un.
Pak Yong-sik: Bộ trưởng Quốc phòng
Ông Pak Yong-sik là lãnh đạo Bộ Quốc phòng Bắc Hàn từ năm 2015. Cơ quan này đảm trách các hoạt động hành chính và hậu cần của quân đội, cũng như các tương tác ngoại giao với quân đội nước ngoài.
Ông Pak Yong-sik đã giám sát việc tái cấu trúc quân đội cũng như các hoạt động phục hồi sau trận lụt thảm khốc năm 2016.
Ri Yong-ho: Bộ trưởng Ngoại giao thẳng thắn
Trong sự nghiệp ngoại giao của mình, ông Ri Yong-ho đã có nhiều năm là trưởng đoàn đàm phán của Bắc Hàn về vấn đề hạt nhân và đã nắm giữ nhiều vai trò đại sứ tại các nước, trong đó đã từng làm đại sứ Bắc Hàn tại Anh Quốc.
Năm 2016, ông Ri Yong-ho được thăng chức Bộ trưởng Ngoại giao và từ đó đã thể hiện là một nhà ngoại giao thẳng thắn. Năm ngoái, ông đã cáo buộc Mỹ “tuyên bố chiến tranh” với Bắc Hàn và đã ví những lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump đối Bắc Hàn với “tiếng chó sủa”. Ông Ri Yong-ho cũng sử dụng Twitter để phát ngôn.
Ri Son-gwon: Người đàn ông Olympic
Vị trí của ông Ri Son-gwon là người đứng đầu nhóm giám sát mối quan hệ với Hàn Quốc – Ủy ban về Hòa Bình và Tái Thống nhất đất nước. Vai trò này đã khiến ông Ri Son-gwon trở thành nhân vật dẫn dắt các cuộc đàm phán với Hàn Quốc để Bắc Hàn tham gia vào Thế vận hội mùa đông hồi tháng Hai vừa qua.
Cho tới năm 2016, ông Ri Son-gwon vẫn là một sĩ quan quân đội cao cấp với quân hàm đại tá.
Ông Ri Son-gwon đã từng phát đi những cảnh báo chống lại các cuộc tập trận quân sự tại miền Nam, bác bỏ sự liên quan của chính quyền Bắc Hàn trong sự kiện tàu chiến Hàn Quốc bị đánh chìm năm 2010 và được cho là đã từng thủ tiêu một số chính trị gia Hàn Quốc.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Hội nghị Kim - Moon Kim Jong Un Bắc Hàn Moon Jae In phi hạt nhân hóa hội nghị liên Triều