Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất đặt Ukraine dưới sự quản lý quốc tế tạm thời như một cách có thể giải quyết cuộc chiến tranh đang diễn ra. Ông Putin cho biết ý tưởng này dựa trên tiền lệ quốc tế và sẽ nhằm mục đích khôi phục lại sự quản lý hợp pháp, trước khi bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào có thể được hoàn tất.

241219Putin01
Tổng thống Nga Vladirmir Putin, trả lời phỏng vấn hôm 19/12/2024

Trong cuộc gặp với các sĩ quan tàu ngầm hạt nhân Nga vào thứ Năm (27/3), Tổng thống Putin đã mô tả một cơ chế quốc tế có thể giúp ổn định Ukraine – đặt nước này dưới sự quản lý bên ngoài tạm thời do Liên Hợp Quốc (LHQ) điều phối.

Dưới đây là những điểm chính trong đề xuất của Tổng thống Putin:

  1. Vấn đề: Tính hợp pháp tại Kiev sụp đổ

Ông Putin lập luận rằng tính hợp pháp theo hiến pháp của Ukraine đã bị phá vỡ do nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelensky đã kết thúc vào năm ngoái và không có cuộc bầu cử nào kể từ đó, nó khiến cho mọi tuyên bố về thẩm quyền của chính phủ Zelensky đều trở nên vô hiệu.

Các cuộc bầu cử tổng thống không được tổ chức… theo hiến pháp, tất cả các quan chức đều do tổng thống bổ nhiệm. Nếu bản thân ông ta là bất hợp pháp, thì mọi người khác cũng vậy“, ông Putin nói. 

  1. Hậu quả: Khoảng trống quyền lực bị lấp đầy bởi những phần tử cực đoan

Ông Putin đã cảnh báo rằng các nhóm có quan điểm tân phát-xít, chẳng hạn như tiểu đoàn Azov khét tiếng, vốn nhận được vũ khí của phương Tây và tích cực tuyển quân, có thể ngày càng thực hiện quyền kiểm soát trên thực tế ở Ukraine, và có khả năng thay thế các chính quyền dân sự chính thức.

Ông Putin cho biết, “trong bối cảnh bất hợp pháp trên thực tế… các nhóm tân phát-xít đang nhận được nhiều vũ khí hơn” và có thể nắm “quyền lực thực sự trong tay“.

Ông Putin lập luận rằng điều này khiến việc đàm phán với chính phủ hiện tại của Ukraine thậm chí còn không đáng tin cậy và bất ổn hơn: “Không rõ bạn đang ký bất kỳ tài liệu nào với ai – ngày mai những người mới có thể đến và tuyên bố, ‘chúng tôi không biết ai đã ký điều này – tạm biệt‘”. 

  1. Đề xuất: Chính quyền tạm thời do Liên Hợp Quốc lãnh đạo

Ông Putin đề xuất sử dụng một cơ quan chuyển tiếp do LHQ lãnh đạo, tham chiếu đến các phái bộ quốc tế trước đây như ở Đông Timor, Papua New Guinea và một số khu vực của Nam Tư cũ.

Trong những trường hợp như vậy, thông lệ quốc tế thường đi theo một con đường đã biết – theo hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, thông qua cái gọi là quản lý bên ngoài, một chính quyền tạm thời“, ông Putin nói. 

  1. Mục đích: Khôi phục trật tự hiến pháp và thiết lập khuôn khổ pháp lý cho nền hòa bình ổn định

Mục tiêu chính, theo ông Putin, là tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ và thành lập một chính phủ hợp pháp, hoạt động được, được người dân tin tưởng và công nhận trên toàn cầu. Ông Putin tuyên bố rằng chỉ những nhà lãnh đạo như vậy mới có thể ký các thỏa thuận hòa bình được công nhận trên toàn thế giới và được duy trì theo thời gian.

Tại sao lại làm như vậy? Để tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ, để đưa một chính phủ có năng lực và được người dân tin tưởng lên nắm quyền, sau đó bắt đầu đàm phán với họ về một hiệp ước hòa bình, ký các văn bản hợp pháp, chúng sẽ được công nhận trên toàn thế giới và sẽ đáng tin cậy và ổn định”, ông Putin nói. 

  1. Không phải là lựa chọn duy nhất – nhưng là lựa chọn khả thi

Ông Putin nhấn mạnh rằng ý tưởng này không phải là khả năng duy nhất, mà là một ví dụ rút ra từ tiền lệ lịch sử.

 “Đây chỉ là một lựa chọn… Tôi không nói rằng không có các lựa chọn khác, nhưng hiện tại rất khó, hoặc thậm chí là không thể, để trình bày rõ ràng mọi thứ vì tình hình đang thay đổi quá nhanh”, ông Putin lưu ý.

Ông Putin cho biết sáng kiến ​​như vậy không chỉ nên có sự tham gia của LHQ hay Hoa Kỳ, mà còn là một liên minh rộng lớn hơn, bao gồm các quốc gia BRICS và những quốc gia khác mà Nga coi là đáng tin cậy.

Chúng tôi sẽ làm việc với bất kỳ đối tác nào – Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, các nước BRICS… và nhiều quốc gia khác, chẳng hạ như Triều Tiên“, ông Putin nói. 

Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng Nga vẫn sẵn sàng hợp tác với EU, mặc dù lòng tin của Moskva vào các nước Tây Âu đã bị suy yếu, về cơ bản do họ thao túng các nỗ lực hòa bình như một chiến thuật để kéo dài thời gian và tái vũ trang cho Ukraine.

Phạm Duy, theo RT