Sau khi nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev qua đời hôm 30/8, hãng thông tấn AP đã có một bài so sánh sự khác biệt và tương đồng về lịch sử giữa ông Gorbachev và Tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin. Nhìn chung, họ là hai nhà lãnh đạo đã đưa đất nước đi theo những hướng hoàn toàn khác nhau.

Embed from Getty Images

Hình ảnh ngày 21/12/2004, tại Schleswig, Đức, Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) nói chuyện với cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev (bên trái), sau đó ông Putin tổ chức một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Gerhard Schroeder.  (Ảnh: Getty Images)

Hãng tin AP đã đăng một bài báo vào ngày 1/9 (thứ Năm) rằng nhìn chung, ông Gorbachev đại diện cho tự do, cởi mở, hòa bình và quan hệ chặt chẽ hơn với thế giới bên ngoài; ông Putin bỏ tù những người chỉ trích và đàn áp các nhà báo, đẩy đất nước vào thế cô lập và phát động cuộc chiến đẫm máu nhất ở Châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới II.

Và xét ở nhiều phương diện cụ thể, chính ông Gorbachev đã vô tình sử dụng ông Putin và đưa ông Putin lên nắm quyền. Quyền lực mà ông Gorbachev giải phóng ra trong các cuộc cải cách cũng dẫn đến sự lật đổ của chính ông và sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết.

Khi ông Gorbachev lên nắm quyền lãnh đạo Liên Xô năm 1985, ở tuổi 54, ông trẻ hơn và năng động hơn những người tiền nhiệm. Ông từ thoát khỏi quốc gia cảnh sát, chấp nhận báo chí tự do, kết thúc cuộc chiến tranh của Liên Xô ở Afghanistan, và đoạn tuyệt với quá khứ bằng cách để các nước Đông Âu bị nhốt trong quỹ đạo cộng sản của Moscow rời đi một cách tự do. Ông đã chấm dứt trạng thái cô lập của Liên bang Xô Viết kể từ khi thành lập.

Đây là khoảng thời gian làm xúc động lòng người và đầy hy vọng đối với người dân Liên Xô và thế giới. Ông Gorbachev đã cho đất nước hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.

Ông tin tưởng vào sự dung hợp với phương Tây, chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa toàn cầu để giải quyết các vấn đề thế giới, bao gồm chấm dứt xung đột vũ trang và giảm nguy cơ vũ khí hạt nhân.

Trái ngược hoàn toàn, thế giới quan của ông Putin coi phương Tây là một “đế chế của dối trá” và nền dân chủ là hỗn loạn, không được kiểm soát và nguy hiểm. Mặc dù phần lớn là tránh những lời chỉ trích trực tiếp, nhưng ông Putin ám thị rằng ông Gorbachev phản bội Liên Xô để đến với phương Tây.

Ông Putin đã có một đường lối cứng rắn kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1999, dẫn đến sự đảo ngược gần như hoàn toàn các cải cách của ông Gorbachev.

Ông Putin quay trở lại mô thức tư duy chủ nghĩa cộng sản, ông coi phương Tây là chủ nghĩa đế quốc và ngạo mạn, cố gắng áp đặt các giá trị quan tự do và chính sách tự do của mình lên Nga, đồng thời lợi dụng Nga như con dê thế tội cho các vấn đề của chính họ.

Ông Putin chỉ trích các nhà lãnh đạo phương Tây đang cố gắng tái khởi động Chiến tranh Lạnh và hạn chế sự phát triển của Nga. Ông tìm cách đưa Nga vào một trật tự thế giới ngang hàng với Mỹ và các cường quốc khác, ở một phương diện nào đó thì chính là nỗ lực tái xây dựng một đế chế.

Gorbachev và Putin
Ông Gorbachev (trái) và ông Putin. (Nguồn: Mitya Aleshkovskiy và Kremlin.ru/ Wikimedia

Ông Gorbachev đôi khi khuất phục trước áp lực của phương Tây. Hai năm kể từ khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan khẩn cầu ông “xô đổ bức tường này” trong một bài phát biểu tại Bức tường Berlin năm 1987, ông Gorbachev đã gián tiếp làm như vậy bằng cách không can thiệp vào các cuộc cách mạng chống cộng theo chủ nghĩa dân túy ở Đông Âu. Tiếp theo là sự sụp đổ của Bức màn sắt và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh.

Tại quê nhà, ông Gorbachev đưa ra hai chính sách sâu rộng và nổi bật – mở cửa và cải cách, tổ chức lại xã hội Xô Viết. Các chủ đề cấm kỵ trước đây giờ đây có thể được thảo luận trong văn học, báo chí và xã hội nói chung. Ông đã tiến hành các cải cách kinh tế cho phép doanh nghiệp tư nhân tách khỏi kinh tế nhà nước.

Ông Gorbachev cũng nới lỏng cách quản lý đáng sợ của nhà nước cảnh sát bằng cách trả tự do cho những tù nhân chính trị như ông Alexander Solzhenitsyn và ông Andrei Sakharov, chấm dứt tình trạng lũng đoạn quyền lực chính trị của đảng cộng sản. Đi lại nước ngoài, nhập cư và các nghi lễ tôn giáo cũng tự do hơn cũng là một phần trong số đó.

Ông Putin đã đi lạc khỏi các cải cách của ông Gorbachev. Ông tập trung vào việc khôi phục lại trật tự cũ và xây dựng lại quốc gia cảnh sát. Cuộc đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến ​​ngày càng trở nên gay gắt, bao gồm việc bỏ tù những người chỉ trích mà ông Putin gọi là những kẻ phản bội và cực đoan, đồng thời không cho phép gọi “hoạt động quân sự đặc biệt” của quân đội Nga ở Ukraine là chiến tranh. Putin coi một số nhà phê bình là người hợp tác nước ngoài của kẻ thù của Nga.

Trong quá trình tìm kiếm quyền kiểm soát, ông Putin đã đóng cửa các tổ chức tin tức độc lập và cấm các tổ chức nhân quyền và nhân đạo. Ông yêu cầu hoàn toàn trung thành với nhà nước và nhấn mạnh đến các tín điều gia đình, tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc truyền thống của Nga.

Sự lãnh đạo của ông Gorbachev cũng không phải là hoàn hảo. Các chính sách tự do của ông cũng tốt xấu lẫn lộn, chẳng hạn như cuộc đàn áp đẫm máu của Liên Xô đối với phong trào độc lập của nước vệ tinh vùng Baltic là Lithuania vào năm 1991 và sự che đậy ban đầu của thảm họa Chernobyl năm 1986.

Nhưng đến năm 1988, ông Gorbachev nhận ra rằng cố gắng che đậy những điều tồi tệ sẽ không hiệu quả, vì vậy khi một trận động đất lớn tấn công một quốc gia vệ tinh khác là Armenia vào tháng 12/1988, ông đã mở cửa biên giới cho viện trợ khẩn cấp quốc tế và cho phép đưa tin minh bạch về sự tàn phá của trận động đất này.

Sau gần một thập kỷ chiến đấu ở Afghanistan, ông Gorbachev đã ra lệnh rút quân đội Liên Xô vào năm 1989 và ký nhiều thỏa thuận kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị với Hoa Kỳ và các quốc gia khác, giúp kết thúc Chiến tranh Lạnh. Vì những nỗ lực này, ông đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 1990.

Nhưng ở quê nhà, những cải cách kinh tế của ông Gorbachev không diễn ra thuận lợi. Giải phóng ngành công nghiệp khỏi sự kiểm soát của nhà nước, nhưng sự mở rộng nhanh chóng và lộn xộn của các doanh nghiệp tư nhân cũng tạo ra tình trạng thiếu lương thực và hàng tiêu dùng trên diện rộng, thúc đẩy tham nhũng và tạo ra giai tầng đầu sỏ.

Phong trào đòi độc lập đang phát triển và các vấn đề khác trong Liên bang Xô Viết đã khiến những người thuộc phe cứng rắn của Đảng Cộng sản tức giận. Tháng 8/1991, họ đã tổ chức một cuộc đảo chính chống lại ông Gorbachev, càng làm suy yếu khả năng nắm quyền của ông và khiến ông phải từ chức sau 4 tháng.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, nhiều người Nga cho rằng lời hứa ông để lại là một sự thất hứa, hy vọng tan vỡ và một quốc gia mềm yếu, nhục nhã.

Người cảm thấy như vậy là ông Putin. Đối với Putin, rất nhiều điều ông Gorbachev đã làm là sai. Sự kiện lớn nhất là sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, mà ông Putin gọi là “thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ này”.

Liên Xô không được tôn trọng, bị đánh bại và tan nát – biến thành 15 quốc gia. Đối với ông Putin, điều này cũng có những cảm thụ cá nhân của riêng ông – với tư cách là một sĩ quan KGB đóng quân ở Đông Đức, ông Putin kinh hoàng chứng kiến ​​đám đông người dân tổ chức một cuộc nổi dậy dẫn đến việc phá bỏ Bức tường Berlin và thống nhất nước Đức. Những người dân nổi dậy này có lần còn bao vây văn phòng KGB của ông ở Dresden, Đức.

Cho đến ngày nay, nhận thức của ông Putin về các mối đe dọa nhà nước và các cuộc cách mạng nhân dân đã ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của ông và sự mất lòng tin sâu sắc đối với phương Tây. Những nhận thức này đã đưa ông đến quyết định xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022.

Để biện minh cho cuộc chiến Ukraine, ông Putin lập luận rằng Mỹ đã thất hứa với ông Gorbachev – một lời hứa được cho là năm 1990 rằng NATO sẽ không mở rộng sang Đông Âu. Các quan chức Mỹ đã phủ nhận việc đưa ra cam kết như vậy, nhưng ông Putin coi sự mở rộng của NATO, đặc biệt là viễn cảnh nước láng giềng Ukraine gia nhập liên minh, là một mối đe dọa hiện hữu đối với Nga. 

Những người chỉ trích cho rằng ông Putin đã bóp méo sự thật, phớt lờ tình cảm của người dân địa phương khi tuyên bố rằng người Ukraine muốn được giải phóng khỏi Chính phủ Kyiv và liên minh với Moscow.

Ông Putin cũng đã bắt tay vào một nỗ lực lớn để hiện đại hóa và mở rộng sức mạnh quân sự của Nga, từ bỏ hiệp ước kiểm soát vũ khí mà ông Gorbachev đã đồng ý.

Cuộc chiến của ông Putin ở Ukraine, sự xâm phạm nhân quyền của ông và việc sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào Nga năm 2014 đã gây ra các lệnh trừng phạt quốc tế lớn. Những trừng phạt này cũng đang đảo ngược sự mối liên hệ về văn hóa và kinh tế với quốc tế mà ông Gorbachev thúc đẩy. Nga hiện chỉ có một số đồng minh, về cơ bản là bị cô lập.

Mặc dù người ta có thể mong đợi ông Gorbachev sẽ chỉ trích ông Putin nhiều hơn, nhưng ông Gorbachev cũng lên án sự bành trướng về phía đông của NATO và cho rằng phương Tây đã làm hỏng cơ hội được đưa ra vào cuối Chiến tranh Lạnh, và ông thậm chí còn ủng hộ việc ông Putin sáp nhập Crimea.

Nhưng ở những khía cạnh khác, mối quan hệ lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo, Gorbachev và Putin, cách nhau rất xa.

Trước khi ông Gorbachev lên nắm quyền, ông Reagan đã gọi Nga là một “đế chế xấu xa” vào năm 1983. 5 năm sau, ông Reagan rút lại xưng hô này trong cuộc gặp thượng đỉnh với ông Gorbachev.

Đến hiện nay, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đã gọi ông Putin là “kẻ giết người”, “đồ tể”“tội phạm chiến tranh không thể tiếp tục nắm quyền”. Ông Putin yêu cầu ông Biden xin lỗi, nhưng ông Biden vẫn chưa rút lại những tuyên bố đó.

Chiến tranh Lạnh mà ông Gorbachev giúp kết thúc lại quay trở lại.

Trí Đạt, theo AP