Ông Trump được gì sau chuyến công du Châu Á?
- Tân Bình
- •
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã trở lại Washington D.C vào tối thứ Ba 14/11 (giờ Mỹ) kết thúc chuyến công du Châu Á 12 ngày, dừng chân tại 5 quốc gia, 6 thành phố, tham dự 3 hội nghị cấp cao và gặp mặt hàng chục nhà lãnh đạo thế giới. Theo lời Tổng thống Mỹ, đó là hành trình “lịch sử” và đạt được “thành công to lớn”.
“Nước Mỹ đã trở lại. Và tương lai chưa bao giờ tươi sáng hơn thế. Vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế”, ông Trump khẳng định như vậy trong bài phát biểu tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư (15/11), sơ lược kết quả của chuyến công du Châu Á dài nhất của một vị tổng thống Hoa Kỳ trong hơn 1/4 thế kỷ qua.
>>‘Nước Mỹ đã trở lại và chưa khi nào mạnh mẽ hơn thế’
Tổng thống Trump phát biểu tại Tòa Bạch Ốc hôm 15/11
Hành trình trở về Washington của Tổng thống Trump là các thỏa thuận thương mại với các đối tác trị giá khoảng 300 tỷ USD, trong đó có hơn 250 tỷ USD từ Trung Quốc, 12 tỷ USD từ Việt Nam, cùng hàng loạt các lời hứa mua vũ khí của Mỹ từ các đồng mình lâu năm như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Philippines. Triển vọng có thêm các hợp đồng kinh tế khổng lồ đồng nghĩa với việc làm sẽ đổ về cho người Mỹ và doanh nghiệp Mỹ, đúng như những cam kết của ông Trump trong chính sách “nước Mỹ trên hết”.
Quan trọng hơn các con số nêu trên, trong 12 ngày ở Châu Á, ông Trump đã thực hiện được tất cả các mục tiêu mà ông đã đề ra: Đoàn kết thế giới chống lại đất nước Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân; tăng cường liên minh của Mỹ và nhấn mạnh vào “thương mại song phương, công bằng và đối ứng” đối với Hoa Kỳ.
Thiết lập mặt trận phản đối Bắc Hàn
Trong 12 ngày ở Châu Á, từ Nhật Bản ở điểm đầu cho tới Philippines ở cuối hành trình, ông Trump đều đã nhận được sự đón tiếp thịnh tình, đôi lúc có phần hơi khoa trương của lãnh đạo các nước.
Trung Quốc tổ chức tiếp đón Tổng thống Trump và phu nhân rất trọng thị
“Đó là thảm đỏ, tôi nghĩ không phải ai cũng nhận được. Và đó thực sự là dấu hiệu của sự tôn trọng, có lẽ một ít là dành cho cá nhân tôi, nhưng thực sự là dành cho đất nước của chúng ta”, Tổng thống Trump nói về việc ông được các nước tiếp đón trọng thị.
Ông đạt được điều này bất chấp đã rút Mỹ ra khỏi TPP ngay trong ngày đầu tiên làm Tổng thống. TPP là hiệp định kinh tế mà Việt Nam và Nhật Bản vô cùng mong chờ để nhằm đối trọng lại ảnh hưởng kinh tế, chính trị của cường quốc đang lên Trung Quốc. Tại chính một hội nghị đa phương khác, APEC Việt Nam, ông Trump chào mới thế giới cùng giao thương bằng một cơ chế mới với luật chơi do Mỹ cầm trịch: “Tôi ở đây để chào mời cơ chế đối tác mới với Mỹ. [Chúng ta] làm việc cùng nhau để tăng cường tình hữu nghị và thương mại giữa tất cả các nước thuộc Ấn Độ – Thái Bình Dương, và cùng nhau để thúc đẩy sự thịnh vượng và an ninh chung của chúng ta”.
Mối đe dọa Bắc Hàn vừa là mục tiêu vừa là phương tiện để ông Trump gắn kết các đồng minh và đối tác Châu Á. Vấn đề hạt nhân của chế độ Kim Jong-un được tổng thống Mỹ đưa ra trong hầu hết các bài phát biểu và cuộc gặp với các lãnh đạo 5 năm nước mà ông dừng chân.
Từ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đều thống nhất quan điểm của Hoa Kỳ trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, không chấp nhận một đất nước Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân.
Cam kết của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản thể hiện thiết thực bằng việc Washington lần đầu điều động cả ba hàng không mẫu hạm tới Tây Thái Bình Dương tập trận cùng liên minh Hàn – Nhật ngay trong thời gian ông Trump ở Châu Á.
Thủ tướng Nhật Bản Abe đồng ý với người đồng cấp Mỹ về việc đưa ra các chế tài bổ sung áp đặt lên các cá nhân và thực thể có liên kết với Bắc Triều Tiên, bao gồm cả các ngân hàng Bắc Hàn đang hoạt động tại Trung Quốc.
>>Tổng thống Trump gây áp lực với Tập Cận Bình về thương mại và Bắc Hàn
Đáng chú nhất là Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Trump hôm 9/11 tại Bắc Kinh đã đưa ra “cam kết chắc chắn để đạt được phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.
Tổng thống Trump gọi tuyên bố chung Mỹ – Trung là “tuyên bố lớn” vì lập trường rõ ràng của chế độ và lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề hạt nhân Bắc Hàn. Trước đó chưa có bất kỳ lãnh đạo nào của Trung Quốc công khai khẳng định quyết tâm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trong tuyên bố chung Việt –Mỹ, Chủ tịch nước Việt Nam cũng thể hiện rõ quan điểm ủng hộp lập trường của Washington trong vấn để Bắc Hàn.
Tuyên bố chung Việt – Mỹ hôm 12/11 nêu rõ: “Chủ tịch nước [Trần Đại Quang] khẳng định Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và sẽ làm hết mình để thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.
Ông Trump cũng tránh công khai chỉ trích chiến dịch giết người đẫm máu trong cuộc chiến chống ma túy mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte theo đuổi trong hơn 1 năm qua, để đổi lại nhận được sự đồng tình của Manila về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. “Bây giờ chúng tôi đã có mối quan hệ tốt ở đây. Chúng tôi đã quay lại với Philippines”, ông Trump nói như vậy trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Duterte.
Thương mại song phương và công bằng
Cùng với vấn đề hạt nhân Bắc Hàn, thương mại chính là chủ đề trọng tâm trong chuyến công du Châu Á lần này của Tổng thống Trump.
Trong những năm qua, nước Mỹ đang bị thâm hụt thương mại trầm trọng với các đối tác Châu Á. Số liệu của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Châu Á trong năm ngoái lên tới 533 tỷ USD, trong đó riêng với Trung Quốc đã là 347 tỷ USD. Điều này không có dấu hiệu sụt giảm trong năm nay, thậm chí còn đang trên đà vượt quá mức thâm hụt so với năm 2016. Trong 9 tháng đầu năm, Mỹ đã thâm hụt thương mại với Châu Á tới 420 tỷ USD, riêng Trung Quốc là 273 tỷ USD.
Tổng thống Trump cho rằng sở dĩ có mức thâm hụt cao như vậy là do các bên thực thi thương mại vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, trong đó có bán phá giá, trợ cấp sản xuất, thao túng tiền tệ và đánh cắp sở hữu trí tuệ… Đây cũng chính là điểm yếu của các thỏa thuận đa phương, theo Tổng thống, mà nước Mỹ, người luôn đóng góp hào phóng nhất, bị lợi dụng.
Tổng thống Trump phát biểu tại APEC CEO Summit tại Đà Nẵng, Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị APEC, Tổng thống Trump nói: “Họ phớt lờ các quy tắc để giành lợi thế hơn những nước tuân thủ các quy tắc, gây ra sự méo mó lớn trong thương mại và đe dọa nền tảng thương mại quốc tế”.
“Những tháng ngày như vậy đã qua. Chúng ta sẽ phải [giao thương] công bằng, chúng ta sẽ phải [giao thương] đối ứng”, ông Trump khẳng định.
Bỏ qua việc hợp tác thông qua các hiệp định đa phương, Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ theo đuổi các thỏa thuận thương mại song phương với bất kỳ quốc gia nào ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, những nước mà “sẽ tuân thủ các nguyên tắc về thương mại công bằng và đối ứng”.
Tổng thống Mỹ nói rõ với các lãnh đạo tại APEC rằng nước Mỹ sẽ không tham gia các hiệp định thương mại đa phương như TPP. Ông Trump tin rằng Hoa Kỳ có thể đạt được những lợi ích tốt hơn khi đàm phán một-một với các nước.
Tổng thống Trump một mặt đảm bảo chính sách “nước Mỹ trên hết” trong giao thương với các nước và cũng khuyến khích các nước khác làm như vậy trong thương mại quốc tế. Ông Trump nói rằng nước Mỹ đang tìm kiếm “các đối tác đang phát triển, thịnh vượng và không phụ thuộc vào bất kỳ nước nào”.
“Chúng tôi tìm kiếm các đối tác mạnh, không phải các đối tác yếu. Chúng tôi tìm kiếm láng giềng mạnh, không phải láng giềng yếu. Trên tất cả, chúng tôi tìm kiếm tình hữu nghị, và chúng tôi không mơ ước thống trị [bất kỳ nước nào]”, Tổng thống Trump nhấn mạnh.
Tại APEC và trong suốt chuyến công du Châu Á lần này, Tổng thống Mỹ nhắc nhiều đến cụm từ Ấn Độ – Thái Bình Dương, thay thế cho thuật ngữ Châu Á- Thái Bình Dương. Chính quyền Mỹ muốn biến chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” trở thành điểm nhấn trung tâm trong chính sách Châu Á của Washington trong kỷ nguyên Donald Trump.
Theo ông Trump, Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ là “nơi mà các quốc gia độc lập, có chủ quyền với nền văn hoá đa dạng và nhiều ước mơ khác nhau, có thể thịnh vượng cùng nhau và phát triển trong tự do và hòa bình”.
Bị chỉ trích vì không nhắc tới nhân quyền
Chiến lược đối ngoại của Hoa Kỳ trước nay vẫn dựa trên ba trụ cột chính là: An ninh; Kinh tế và Dân chủ – nhân quyền. Nhưng rõ ràng chuyến công du dài ngày tới Châu Á này của ông Trump không bao hàm mục tiêu thúc đẩy nhân quyền. Điều này khiến phe đối lập, đặc biệt là Đảng Dân chủ và truyền thông cánh tả gọi đây là một thất bại về ngoại giao.
Ông đã khiến Thượng nghị sĩ John McCain “buồn (sad)” vì không có phát biểu về nhân quyền và các hạn chế tự do dân chủ hay tự do ngôn luận tại Trung Quốc và một số nước khác. Ông bị đặc biệt chê bai vì đã không lên án chiến dịch chống ma túy đầy bạo lực khiến hàng ngàn người Philippines bị giết hại mà không qua xét xử trong hơn một năm qua.
Lãnh đạo nhóm thiểu số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer (Đảng Dân Chủ) nói với ABC News: “Ông [Trump] dường như quan tâm đến sự lỗng lẫy, bối cảnh hoành tráng của thảm đỏ, các bữa quốc yến, và sự tâng bốc của các nhà lãnh đạo nước ngoài, hơn là thúc đẩy lợi ích của nước Mỹ trong một khu vực đang ngày càng có xu hướng ngả về phía Trung Quốc. Và sau chuyến đi này của tổng thống, những quốc gia này sẽ chuyển hướng nhiều hơn sang Trung Quốc”.
Dường như các lãnh đạo Đảng Dân Chủ đã quên mất chỉ cách đây hơn một năm, chính vị Tổng thống da màu đầu tiên từ đảng của họ đã mất mặt ra sao khi tới Trung Quốc dự G20 Hàng Châu khi Bắc Kinh không thèm đưa cầu thang riêng tới cho ông và các phụ tá đi theo bước xuống. Và ông Obama đã nói gì được về nhân quyền khi mà điều người ta nhớ nhất chỉ là việc ông phải gượng cười đi xuống từ cái cầu thang mở ra từ bụng máy bay, không thảm đỏ và lèo tèo cờ hoa? Ứng viên Trump khi đó từng nói, nếu bị rơi vào tình cảnh của ông Obama thì ông sẽ cho quay máy bay về ngay lập tức, có thể đó là một lý do khiến Trung Quốc tiếp đãi ông vô cùng long trọng?
Ngoài ra, phê bình nước chủ nhà trong khi thăm chính thức nước họ là một hành động không khôn ngoan và không có tác dụng. Hãy xem vài lời ngoại giao của Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Philippines rằng: “chúng tôi đã nhắc tới nhân quyền, pháp trị và đặc biệt là các vụ giết người ngoài vòng pháp luật là những vấn đề Canada rất quan tâm. Chúng tôi cũng nhắc tới vấn đề rác thải …”, sẽ khiến ông Duterte ngừng cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi như thế nào.
Nếu muốn nói đến nhân quyền, tự do và thượng tôn pháp luật, hãy làm như Đức, từ chối đặt chân tới quốc gia đó; hoặc như ông Trump: tổ chức buổi tập trung và phát biểu về chế độ anh em nhà Castro và chủ nghĩa cộng sản tại Little Havana – nơi tập trung dân tị nạn chạy trốn khỏi Cuba đông nhất.
Hoặc ít nhất là để cho vị Đệ Nhất Phu Nhân xinh đẹp và lương thiện của mình về nước sớm.
Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa Ấn Độ - Thái Bình Dương Donald Trump Quan hệ Mỹ - Trung quan hệ Mỹ Philippines châu Á quan hệ Mỹ Hàn APEC 2017 Quan hệ Mỹ Việt Quan hệ Mỹ Nhật