Thủ tướng Oban nói Putin và Zelensky cần gặp mặt trực tiếp để chấm dứt chiến tranh
- Nhật Tân
- •
Thủ tướng Hungary Orban nói hôm Thứ Sáu 6/9 rằng “cần thiết” phải có cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky. Theo ông, “vấn đề trước nhất chính là đối thoại.” Dường như ông Orban vẫn muốn tiếp tục đóng vai trò người trung gian hòa giải cho chiến tranh Ukraine.
Hôm Thứ Sáu, khi được hỏi về khả năng gặp mặt giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã trả lời, “Hiển nhiên rồi. Đó là cần thiết!… Vấn đề trước nhất chính là đối thoại. Nếu không có đối thoại, thì chiến tranh sẽ trở nên ngày càng tồi tệ.”
Thủ tướng Hungary Viktor Orban có mặt tại Diễn đàn Ambrosetti ở Cernobbio, Ý. Theo chương trình nghị sự, ông Zelensky cũng sẽ tham gia.
Dường như người đứng đầu Hungary muốn tiếp tục làm vai trò trung gian hòa giải cho chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine.
Sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra cuối tháng 2/2022, Hungary đã đón nhận nồng hậu làn sóng người Ukraine tị nạn. Hiện nay có khoảng 31.000 người Ukraine đang cư trú ở Hungary. Tuy nhiên, việc ông Orban tìm cách giữ quan hệ với Tổng thống Nga Putin đã khiến ông thường bị các đồng nghiệp tại Liên minh EU có chút xa lánh.
Hồi đầu tháng 7, trong tuần đầu tiên giữ ghế chủ tịch EU luân phiên, nhiệm kỳ 6 tháng, ông Orban đứng ra đã đóng vai trò người trung gian hòa giải. Chỉ trong 1 tuần ấy, ông đã tới Kiev và sau đó tới Moskva để lần lượt gặp ông Zelensky và ông Putin, mong tìm được giải pháp hòa bình cho chiến tranh Ukraine.
Sau đó, cả 2 ông Putin và Zelensky đều tuyên bố rằng hòa đàm là có thể, và người trung gian hòa giải là được hoan nghênh, tuy nhiên, trên thực tế thì khả năng dẫn tới đàm phán hòa bình đích thực vẫn chưa xuất hiện.
Ông Zelensky đưa ra lý do rằng ông Orban, hay đúng hơn là Hungary, là không đủ tư cách đứng ra làm trung gian hòa giải.
“Liệu [ông Orban] có thể làm trung gian hòa giải được không?” ông Zelensky nói hôm 8/7 trong lễ ký thỏa thuận an ninh song phương Hungary-Ukraine tại Vácsava. Ông Zelensky lập luận rằng “Cần phải [là một quốc gia] có nền kinh tế ảnh hưởng được Nga, mà ông Putin phụ thuộc vào đó, hoặc phải có quân đội mạnh mẽ mà ông Putin e sợ, tức là mạnh hơn quân đội Nga.”
“Có nhiều quốc gia như thế hay không? Không nhiều. Tôi cho rằng Mỹ là một quốc gia như vậy. Trung Quốc, và EU nữa. Là nói toàn EU chứ không phải là một quốc gia riêng lẻ của EU,” ông Zelensky khẳng định.
Về phía ông Putin, vấn đề nguyên nhân bản chất của chiến tranh Ukraine, lại một lần nữa được đặt lên mặt bàn. Ông đòi phải có một Ukraine trung lập, thật sự trung lập.
“Chúng ta không thể đơn giản tuyên bố ngừng bắn với hy vọng rằng đối phương sẽ thực hiện các bước đi tích cực. Chúng ta không thể để đối phương lợi dụng ngừng bắn để cải thiện vị thế, tăng cường quân đội, và lại tiếp tục xung đột,” ông Putin nói hôm 4/7 trong cuộc họp báo tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO) diễn ra ở Kazakhstan.
Hòa ước Minsk 1 (2014) và 2 (2015) đã được phương Tây lợi dụng để giành thời gian vũ trang cho Kiev, theo góc nhìn của Nga.
Đàm phàn hòa bình Istanbul (2022) bị Kiev xé bỏ trước khi nó trở thành hiện thực sau khi thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Boris Johnson tới Kiev để ‘khuyên’ Ukraine tiếp tục chiến đấu.
Ông Putin vẫn nhất quán với quan điểm rằng an ninh của Nga bị đe dọa khi NATO mở rộng về phía Đông, đặc biệt là từ khi NATO công khai nói muốn Ukraine và Goergia gia nhập khối liên minh quân sự này vào năm 2008.
Ông Putin khẳng định rằng có thể đàm phán hòa bình, và gợi ý lấy các điều khoản Istanbul làm cơ sở.
“Thỏa thuận Istanbul không hề mất đi, chúng đã được người đứng đầu phái đoàn đàm phán Ukraine ký nháy vào đó rồi. Điều này có nghĩa là Ukraine khá hài lòng với thoả thuận đó,” ông nói, và cảm ơn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vì nỗ lực đứng ra làm trung gian hòa giải.
Ngoài ra, đàm phán hòa bình còn một vướng mắc nữa. Đó là phần lãnh thổ 4 tỉnh trước thuộc Ukraine (khoảng 18% diện tích Ukraine) nhưng mà hiện nay đã thuộc về Nga sau khi Nga tuyên bố sáp nhập.
Phía Moskva không thể chấp nhận chỉ vì các cuộc nói chuyện trên bàn giấy mà từ bỏ điều mà họ đã đạt được bằng hy sinh xương máu ở chiến trường. Trong khi đó, phía Kiev nhiều lần khẳng định rằng họ muốn khôi phục lại biên giới như năm 1991.
Còn một vấn đề cực kỳ then chốt nữa. Đó là người Mỹ muốn diễn biến thế nào về vấn đề này.
Giáo sư Đại học Chicago John Mearsheimer, trong phỏng vấn với tạp chí The Spectator (Anh) và trong một vài dịp khác gần đây, bày tỏ rằng Mỹ đã lún quá sâu vào chiến tranh Ukraine, cho nên, dù là Cựu tổng thống Donald Trump hay Phó tổng thống Kamala Harris đắc cử vào lần bầu cử tổng năm nay, thì Mỹ vẫn không thể đơn giản là rút khỏi Ukraine. Ngay cả ông Trump, người nhiều lần tuyên bố về khả năng chấm dứt chiến tranh Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi chính thức đắc cử, thì ông Mearsheimer cho rằng, chưa chắc ông Trump có thể làm được điều ông ấy mong muốn. Mỹ đã lún quá sâu vào cuộc chiến này rồi.
Nhật Tân (theo Politico)
Từ khóa Viktor Orban Chiến tranh Nga - Ukraine Hungary Dòng sự kiện