Ông Johnson: Thái độ của Pháp, Đức, Ý về chiến tranh Nga-Ukraine từng rất khác với hiện nay
- Dương Thiên Tư
- •
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson tiết lộ rằng thái độ của một số nước lớn ở châu Âu trước và sau khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine hoàn toàn khác với hiện nay; có giai đoạn Đức thậm chí còn hy vọng Ukraine nhanh chóng thất bại.
Cựu Thủ tướng Anh Johnson: Đức từng muốn Ukraine sụp đổ nhanh chóng
Ông Johnson tiết lộ với CNN rằng trước khi quân đội Nga xâm chiếm Ukraine vào ngày 24/2, các nước châu Âu đã có quan điểm khác nhau về căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Ông nhắc tới 3 quốc gia quan trọng nhất trong Liên minh châu Âu: Đức, Pháp và Ý.
Ông nói: “Có một giai đoạn người Đức cho rằng nếu thảm họa này xảy ra, tốt hơn là toàn bộ sự việc nên kết thúc nhanh chóng và Ukraine sụp đổ, tổng quan cũng vì những lý do kinh tế”. “Tôi không thể ủng hộ điều đó, tôi nghĩ đó là cách nghĩ thật tai hại. Nhưng tôi có thể hiểu tại sao họ lại nghĩ như vậy.”
Đức luôn cố gắng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Kể từ cuộc xâm lược của ông Putin, nước này vẫn phải đối mặt với khả năng mất điện vào mùa đông, và đã công bố gói cứu trợ năng lượng trị giá 200 tỷ USD vào tháng Chín.
Ngoài ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bị chỉ trích vì cách xử lý cuộc khủng hoảng này. Ông đã đến thăm Điện Kremlin vài tuần trước cuộc xâm lược Ukraine.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, người Pháp đã không tin điều đó xảy ra cho đến giây phút cuối cùng,” ông Johnson nói, cho đến khi quân đội Nga vượt qua biên giới.
Ông Johnson cũng nói rằng Chính phủ của Thủ tướng Ý khi đó là ông Mario Draghi “đã có một giai đoạn chỉ nói rằng họ không thể ủng hộ lập trường của chúng tôi”, mặc dù trước đó họ đã nói với tờ La Repubblica của nước này rằng đồng ý với chúng tôi về vấn đề này.
Một lần nữa cựu Thủ tướng Anh liên kết sự miễn cưỡng của Ý với việc phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Nhưng ông Johnson cho biết phương Tây đã nhanh chóng nhận ra rằng họ không thể đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin, và cần phải có một mặt trận thống nhất.
Đức: Dự trữ khí đốt tự nhiên đã được nạp đầy và sẽ không bị đóng băng trong mùa đông này
Văn phòng Phòng vệ Dân sự Liên bang Đức đã rút lại tuyên bố của cấp trên về việc mất điện vào mùa đông, và nói rằng điều này “gây hiểu nhầm” và “cực kỳ khó xảy ra”.
Trong một cuộc tranh luận về ngân sách tại Hạ viện Đức ngày 23/11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên của Đức đã được lấp đầy, và trạm tiếp nhận lô khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng trong vòng vài tuần tới.
Ông cũng cho biết rằng cuộc khủng hoảng năng lượng của Đức trong mùa đông này sẽ được kiểm soát, và tình trạng thiếu năng lượng rất khó xảy ra.
Ông cũng bác bỏ những lời chỉ trích của phe đối lập, rằng ông đã thất bại trong việc ngăn chặn tình trạng thiếu và mất điện vào mùa đông; đồng thời cho biết ông đã khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than, và trì hoãn hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Đức cho đến giữa tháng Tư năm sau.
“Một năm trước, các cơ sở lưu trữ năng lượng của chúng tôi trống rỗng hơn bao giờ hết, và bây giờ chúng đã đầy, bởi vì chính quyền này không chỉ nói mà không làm,” Thủ tướng cho biết.
Ông cũng nói rằng chính phủ liên minh của ông đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết, nhằm dần chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga, và rằng “Đức có khả năng đối phó với khủng hoảng và trở nên mạnh mẽ hơn”.
Reuters đưa tin rằng vào tháng Năm, nhà ga tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng đầu tiên của Đức đã bắt đầu xây dựng tại Wilhelmshaven, bang Lower Saxony, nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga càng sớm càng tốt.
Tại các trạm tiếp nhận như vậy, nhân viên công tác vận hành bốc dỡ khí tự nhiên hóa lỏng đến cầu cảng, và chuyển vào kho chứa, sau đó khí hóa và ép vào đường ống dẫn khí tự nhiên khi cần.
Ngoài ra, Đức còn nhập khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống từ Na Uy, Hà Lan và Bỉ, đồng thời đang đàm phán khả năng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng với Canada và Mexico.
Đức và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã ký hợp đồng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng bằng tàu. Cách đây vài ngày, cơ quan quản lý năng lượng CRE của Pháp cũng cho biết, họ sẽ bắt đầu xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Đức vào tháng Mười.
Ukraine đang thực sự phải đối mặt với mùa đông lạnh giá. Ngày 23/11, một cuộc tấn công tên lửa khác của Nga đã gây mất điện ở thủ đô Kiev và thành phố Lviv phía Tây nước này.
Thậm chí quốc gia láng giềng Moldova cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến mất điện trên diện rộng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ rằng hơn 4.000 nơi trú ẩn đã được thành lập trên khắp đất nước, với hệ thống sưởi và cung cấp điện miễn phí, và nhiều nơi khác đang được lên kế hoạch thiết lập.
Từ khóa Boris Johnson Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine