Quân vương anh minh trong lịch sử đều chú trọng tu khẩu
- An Hòa
- •
Hé miệng ra, nghe như không phải việc gì to tát, nhưng lại có thể dẫn khởi những ảnh hưởng không hề bé nhỏ. Có người có thể nói lời hay lẽ phải, lời thiện khiến người nghe được khích lệ an ủi. Cũng có người lại ăn nói bừa bãi, bàn lộng thị phi, hại người hại mình. Đặc biệt là người có địa vị càng cao như bậc quân vương thì lời nói có thể ảnh hưởng đến mạng sống của rất nhiều người và vận mệnh của quốc gia. Vì vậy, các bậc quân vương anh minh trong lịch sử đều chú trọng tu khẩu.
Ngụy Trưng, một vị quan nổi tiếng thời nhà Đường từng nói rằng: “Từ xưa đến nay, làm quân vương vốn khó, bởi lẽ chỉ cần xuất ngôn liền biến thành chuyện thiện hoặc ác. Nếu như quân vương sau khi nói có thể nghe lời khuyên của quần thần về những chỗ thiếu sót của bản thân, quốc gia tất sẽ hưng thịnh; còn nếu như sau khi nói mà chỉ muốn để người khác phục tùng, quốc gia tất sẽ diệt vong”.
Trong lịch sử các triều đại, nhiều bậc quân vương đều hiểu được tầm quan trọng của lời nói nên nói năng rất cẩn trọng. Hoàng đế triều Đường, Đường Thái Tông Lý Thế Dân là vị Hoàng đế nổi tiếng về điều này. Ông thường xuyên suy xét rất kỹ càng, thấu đáo khi xuất ngôn.
Sách “Trinh Quán chính yếu” viết rằng, vào năm Trinh Quán thứ hai, Hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã nói với các thị thần: “Trẫm mỗi ngày tọa triều, muốn nói một câu nào đều phải suy xét xem câu nói ấy đối với dân chúng có ích gì hay không, đối với quốc gia có ích gì hay không! Trẫm thực sự không dám nói nhiều lời!”
Quan chưởng quản cuộc sống hàng ngày của Hoàng đế lúc bấy giờ là Đỗ Trịnh Luân dâng tấu rằng: “Bệ hạ nếu có một câu nào trái với Thiên lý thì câu nói sai trái đó sẽ được lưu truyền thiên thu muôn đời, tổn hại hình tượng. Không chỉ là có tổn hại đối với quốc gia, đối với bách tính ngày hôm nay, cho nên thần cũng hy vọng Bệ hạ nói thận trọng.”
Đường Thái Tông nghe xong đã ban cho Đỗ Trịnh Luân một trăm đoạn lụa màu để khen thưởng cho lời gián ngôn của ông.
Mấy năm sau, Hoàng đế Đường Thái Tông lại một lần nữa nói với các đại thần về đề tài này. Hoàng đế nói rằng: “Nói chuyện là sự tình trọng đại của người có đức hạnh, thật không hề dễ dàng gì! Dân chúng bình thường, nếu nói ra một câu nói không tốt còn có người ghi tạc ở trong lòng mà trở thành nỗi sỉ nhục và tổn hại của họ. Huống chi Trẫm là vua của một nước! Trẫm hễ nghĩ tới chuyện này thì trong tâm liền ghi nhớ!”
Ngụy Trưng tiếp lời: “Quân vương là địa vị cao nhất trong thiên hạ, nếu nói lời sai lầm thì giống như nhật thực nguyệt thực, người trong thiên hạ đều sẽ nhìn thấy. Quả thực là phải cẩn trọng giống như Bệ hạ vậy, phải cẩn giới thận trọng!”
Không chỉ Hoàng đế Đường Thái Tông, Hoàng đế Khang Hy triều đại nhà Thanh cũng rất coi trọng việc tu khẩu. Hoàng đế Khang Hy cả đời cẩn trọng lời nói, tu thân, tề gia, bình thiên hạ đều hết sức nghiêm túc và chăm chỉ, có thể nói là đạt đến mức hao hết tâm huyết và tinh lực. Trong hơn 60 năm trị quốc, ông đã lập nên rất nhiều công tích.
Trong “Đình huấn cách ngôn”, cuốn sách giống như lời di huấn dành cho hoàng gia, Hoàng đế Khang Hy đã để lại rất nhiều lời răn dạy về việc tu khẩu. Trong việc giáo dục, đối với bất kỳ một vị hoàng tử nào, ông đều dùng thái độ cẩn trọng khuyên răn làm người phải làm việc thiện, nói lời phải cẩn trọng.
Trong “Đình huấn cách ngôn” viết rằng, “Lúc nhàn rỗi thì nên nói nhiều về những thiện hạnh, thiện ngôn của cổ nhân, không nên nói những chuyện phiếm vô nghĩa. Trẫm mỗi lần đều giáo dục các hoàng tử phải hành thiện, khi trở về nhà cũng phải nói cho vợ con, vợ con cũng sẽ vui vẻ nghe những lời nói khuyến thiện. Mỹ thiện trong thiên hạ, quả thực không có điều gì to lớn hơn là khuyến thiện.”
Hoàng đế Khang Hy cũng bàn rằng kẻ tiểu nhân thường có thói quen quở trách mắng nhiếc người khác. Người có địa vị cao thì không thể làm giống như vậy. Cho dù là người bên dưới có làm việc sai trái, nếu là lỗi nhỏ thì chất vấn họ, nếu là tội lỗi lớn thì dùng pháp luật xử lý, không nên buông lời nhục mạ họ thậm tệ. Lời nói từ miệng thốt ra thì tổn thất đức hạnh là rất lớn.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa tu khẩu đạo trị quốc Đường Thái Tông Khang Hy