Ông Tập nhanh chóng gửi lời chào thân mật tới tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz
- Ngân Hà
- •
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhanh chóng chúc mừng người kế nhiệm bà Angela Merkel làm Thủ tướng Đức. Động thái này diễn ra gần như ngay lập tức sau khi việc bổ nhiệm của ông Olaf Scholz được xác nhận.
Chưa đầy 10 phút sau khi ông Scholz nhậm chức Thủ tướng mới của Đức hôm thứ Tư (8/10), ông Tập đã gửi một lời nhắn chúc mừng, trong đó nói rằng Trung Quốc và Đức nên tìm kiếm sự tôn trọng lẫn nhau và các điểm chung trong khi chấp nhận những khác biệt giữa hai bên.
Nội dung này đã được lặp lại nhiều lần trong các cuộc trao đổi trước đây của ông Tập với các chính trị gia Đức, nhưng sự sốt sắng của lãnh đạo Trung Quốc lần này dường như phản ánh tầm quan trọng của mối quan hệ đối với Đức của Bắc Kinh, tờ SCMP nhận định.
Để so sánh, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm ngoái, ông Tập đã gửi một bức thư tới Tổng thống Joe Biden muộn tới hơn hai tuần sau khi bà Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson làm như vậy.
Vài tuần trước đó, ông Tập đã gửi một thông điệp chúc mừng tới ông Fumio Kishida khoảng năm giờ sau khi ông này được bầu làm tân Thủ tướng Nhật Bản.
Zheng Chunrong, giám đốc khoa nghiên cứu tiếng Đức của Đại học Tongji, cho biết Bắc Kinh hy vọng sẽ tiếp tục sự khăng khít của mối quan hệ Trung Quốc – Đức được vun đắp dưới thời bà Merkel.
Bà Merkel đã nuôi dưỡng mối quan hệ với Trung Quốc trong 16 năm làm thủ tướng Đức và được ông Tập mô tả như một “người bạn cũ” trong cuộc gặp trực tuyến cuối cùng của ông với bà vào tháng 10, khi ông thúc giục bà tiếp tục ủng hộ hợp tác Trung – Đức và Trung – Âu.
Nhưng dưới chính quyền mới, được cho là bao gồm nhiều thành phần có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, quan hệ với Đức dường như trở nên không chắc chắn.
Lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc được thể hiện rõ trong thỏa thuận lập chính phủ liên hiệp Đức. Văn kiện này đã gọi Bắc Kinh là “đối thủ hệ thống”, đồng thời kêu gọi một chiến lược toàn diện đối phó với Trung Quốc.
Ngoài ra, văn kiện thỏa thuận còn nhắc đến những vấn đề được Bắc Kinh xem là “lằn ranh đỏ”, như Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, cho thấy chính phủ Đức sắp tới sẵn sàng trao đổi công khai hơn với Trung Quốc về những khác biệt.
Ngoại trưởng sắp tới của Đức, bà Annalena Baerbock của Đảng Xanh, trước đó đã hứa sẽ đối thoại và tỏ ra cứng rắn trong việc đối phó với Trung Quốc.
Trong khi đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã lựa chọn không tới dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, nơi đang đối mặt với sự tẩy chay ngoại giao từ các quốc gia khác, mặc dù Đức không coi quyết định của mình là một cuộc tẩy chay.
Mối quan hệ EU – Trung Quốc năm nay được cho là đã rơi xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ, với việc Brussels áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc đối với các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Đây là lần đầu tiên kể từ sau lệnh cấm vận vũ khí do cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, EU áp đặt lại một lệnh trừng phạt lên Bắc Kinh.
Ngân Hà (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa quan hệ Trung Quốc - Đức Thủ tướng Đức Olaf Scholz