Ông Trump chọn ông Rubio làm Ngoại trưởng báo hiệu đối đầu Mỹ-Trung căng thẳng hơn
- Thiên Vân
- •
Ông Donald Trump, Tổng thống đắc cử thứ 47 của Hoa Kỳ, đã quyết định bổ nhiệm ông Marco Rubio – một chính trị gia có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc – nắm giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại giao. Quyết định bổ nhiệm này của ông Trump báo hiệu rằng các chính sách trong nhiệm kỳ thứ hai của ông đối với Bắc Kinh sẽ không chỉ dừng lại ở các biện pháp thuế quan và thương mại mà thậm chí hướng tới một lập trường đối đầu kiên quyết hơn khi Hoa Kỳ coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược hàng đầu.
Tóm tắt tin:
- Ông Rubio là chính trị gia chống cộng quyết liệt.
- Quyết định bổ nhiệm ông Rubio cho thấy lập trường cứng rắn hơn của ông Trump đối với Bắc Kinh.
- Thương mại và thuế quan là những điểm tranh chấp chính giữa Bắc Kinh và Washington.
- Đài Loan cùng phe đối lập tại Hồng Kông hoan nghênh quyết định bổ nhiệm này.
Vào hôm thứ Tư (13/11), ngoài việc bổ nhiệm ông Rubio nắm giữ cương vị Ngoại trưởng, ông Trump cũng bổ nhiệm những chính trị gia khác vào nội các khiến Trung Quốc bất mãn, chẳng hạn như bổ nhiệm Dân biểu Mike Waltz giữ cương vị Cố vấn An ninh Quốc gia và ông John Ratcliffe giữ cương vị Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA).
Những quyết định bổ nhiệm nhân sự này cho thấy ông Trump muốn xoay chuyển cách tiếp cận “quản lý cạnh tranh” của chính quyền Biden đối với Bắc Kinh trên các vấn đề như tương trợ Đài Loan và vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng fentanyl tại Hoa Kỳ.
Các thành viên Đảng Cộng hòa đã thẳng thừng chỉ trích lập trường quá mềm mỏng của chính quyền Biden đối với Trung Quốc.
Ông Rubio “tin tưởng từ tận đáy lòng rằng Trung Quốc là kẻ thù của Hoa Kỳ. Điều này sẽ chi phối mọi hành động của ông ấy đối với Trung Quốc”, trích lời ông David Firestein, nhà cựu ngoại giao Hoa Kỳ với kinh nghiệm dày dặn về Trung Quốc.
Vào hôm thứ Năm (14/11), ông Lại Thanh Đức, Tổng thống Đài Loan, viết trên mạng xã hội X: “[Chúng tôi] trân trọng sự ủng hộ kiên định của ngài [Rubio] dành cho Đài Loan và những nỗ lực không mệt mỏi để bảo vệ tự do và nhân quyền trên toàn thế giới”.
Ông Trump cam kết sẽ chấm dứt quy chế tối huệ quốc của Trung Quốc đồng thới áp đặt mức thuế quan trên 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc – mức thuế quan cao hơn nhiều so với mức đã áp đặt trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Thượng viện Hoa Kỳ chắc chắn sẽ phê chuẩn cho ông Rubio giữ cương vị này. Tại Thượng viên, ông Rubio là thành viên cấp cao của cả Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Tình báo.
Ông Marco Rubio, 53 tuổi, một người Mỹ gốc Cuba, với lập trường chống cộng mạnh mẽ, đã từng lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông và từng bị Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt vào năm 2020.
Nếu ông được Thượng viện Hoa Kỳ chấp thuận giữ chức Ngoại trưởng, thì đó sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc áp đặt hạn chế đi lại đối với một Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đặt ra một phép thử về những chiến lược mà Bắc Kinh sẽ sử dụng để đối phó với chính quyền mới của ông Trump.
Về phần mình, ông Rubio đã kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt thị thực đối với các quan chức Trung Quốc. Ông cũng từng yêu cầu Bộ Ngoại giao ngăn ông John Lee, đặc khu trưởng Hồng Kông, đến thành phố San Francisco tham dự hội nghị APEC năm 2023.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về lệnh trừng phạt đối với ông Rubio hay quyết định bổ nhiệm ông, nhưng ông Liu Pengyu, Tham tán Công sứ kiêm Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nói rằng Bắc Kinh mong muốn hợp tác với chính quyền mới để thúc đẩy bang giao Hoa-Trung “theo hướng ổn định, lành mạnh và bền vững”.
Tập trung vào nhân quyền
Ông Rubio đặt trọng tâm vào hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, — một vấn đề gây tranh cãi kinh niên giữa Washington và Bắc Kinh.
Ông Rubio đã đồng bảo trợ Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, cho phép chính phủ Hoa Kỳ cấm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vì lo ngại về các hành vi vi phạm nhân quyền đối với các nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo ở Trung Quốc, những cáo buộc khiến Bắc Kinh phẫn nộ.
Các nhà hoạt động Hồng Kông nhận định ông Rubio, chính trị gia đã bảo trợ Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông năm 2019, là một người tích cực bênh vực đấu tranh cho phong trào của họ.
“Chúng tôi thực sự rất vui mừng và mong muốn hợp tác cùng ông ấy về các vấn đề này”, cô Frances Hui, một nhà hoạt động ở Washington thuộc Ủy ban Tự do cho Hồng Kông, người bị Trung Quốc truy nã treo thưởng, chia sẻ.
Ông Rubio cũng đã đề xuất một dự luật đang được Quốc hội xem xét cho phép Bộ trưởng Ngoại giao thu hồi chứng nhận của các văn phòng kinh tế và thương mại của Hồng Kông tại Hoa Kỳ.
Ông Rubio nhận định rằng quyền tự trị của Hồng Kông đang bị Bắc Kinh làm xói mòn gần như hoàn toàn. Điều này đồng nghĩa với việc Hồng Kông không còn xứng đáng được hưởng các quyền ưu đãi đặc biệt so với phần còn lại của Trung Quốc.
Không rõ ông Trump, vị tổng thống từng dành cho ông Tập Cận Bình — lãnh đạo tối cao Trung Quốc — những lời tán dương trân trọng vào một số thời điểm, sẽ cho phép tân Ngoại trưởng của mình quyền tự do đến đâu để áp đặt các biện pháp hạn chế đối với Trung Quốc, đặc biệt là khi những biện pháp này có thể xung đột với những mục tiêu khác của chính quyền Trump.
“Đội ngũ chính sách đối ngoại của Trump rõ ràng là có lập trường cứng rắn chống Trung Quốc, nhưng có thể sẽ thuận theo [ý định của ông Trump] nếu ông ấy chuyển từ cách tiếp cận đối đầu sang thương lượng đàm phán”, ông Daniel Russel thuộc Viện Chính sách Châu Á cho biết.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận thương mại sau hàng loạt các biện pháp thuế quan trả đũa lẫn nhau, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc chưa tuân thủ hoàn toàn các điều khoản của thỏa thuận đó.
Kiểm soát xuất khẩu và hỗ trợ Đài Loan
Ông Rubio đã đặt trọng tâm coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Ông Rubio đã kêu gọi đưa công ty sản xuất pin công nghiệp Trung Quốc CATL vào danh sách đen, thu hồi ưu đãi về thuế lợi tức vốn cho các công ty Hoa Kỳ đầu tư vào Trung Quốc, thắt chặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ của Hoa Kỳ sang Trung Quốc. Ngoài ra, ông Rubio cũng mong muốn loại bỏ các lỗ hổng thuế quan đối với các bưu kiện nhỏ đến từ Trung Quốc, khi nhiều bưu kiện bị lợi dụng để vận chuyển hóa chất tiền chất fentanyl.
Có lẽ điều khiến Bắc Kinh cảm thấy khó chịu nhất là sự ủng hộ của ông Rubio dành cho Đài Loan, hòn đảo dân chủ mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình, bao gồm cả lời kêu gọi ký kết một thỏa thuận thương mại tự do và tăng cường mối quan hệ không giới hạn giữa các quan chức Hoa Kỳ và Đài Loan.
Các nhà phân tích dự đoán Đài Loan sẽ đặt hàng các lô vũ khí lớn mới sau khi ông Trump nhậm chức.
Trong nhiệm kỳ Trump đầu tiên, ông Trump đã chấp thuận các đơn hàng vũ khí trị giá hơn 18 tỷ USD cho Đài Loan, so với 7,7 tỷ USD dưới thời ông Biden.
Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể cố gắng né tránh ông Rubio và tìm cách tiếp xúc trực tiếp với ông Trump thông qua các kênh khác, chẳng hạn như giữa ông Tập Cận Bình và ông Trump, hoặc với các quan chức cấp cao khác của Hoa Kỳ.
“Nếu giải pháp không đạt kết quả, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải chứng kiến tình trạng căng thẳng leo thang thường xuyên hơn trong một mối quan hệ vốn đã không tốt đẹp [từ trước]”, ông Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Đông phương và Châu Phi (SOAS) tại London, cho biết.
Từ khóa Marco Rubio Donald Trump Quan hệ Mỹ - Trung