Pháp: Báo cáo tiết lộ cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công
- Trương Ni
- •
Mặt trận Thống nhất là sở trường xưa nay của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ngày 20/9, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Học viện Quân sự (IRSEM) thuộc Bộ Quốc phòng Pháp đã công bố một báo cáo lớn trình bày chi tiết và sâu rộng chiến lược mặt trận thống nhất của ĐCSTQ tại hải ngoại – “Hành động có ảnh hưởng của Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Viện IRSEM đã mô tả mặt trận thống nhất ra hải ngoại của ĐCSTQ là “Un moment machiavélien” (nghĩa là không chừa thủ đoạn). Machiavélien, hay quyền thuật (thủ đoạn chính trị), theo quan điểm của triết học chính trị phương Tây, có nghĩa là nếu một vị vua muốn củng cố quyền lực của mình, ông ta không nên bị ràng buộc bởi bất kỳ quy tắc đạo đức nào, là chính trị vô đạo đức và nên làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được mục tiêu của mình.
Báo cáo dài 646 trang, do hơn 50 chuyên gia điều tra và nghiên cứu trong 2 năm, được biên tập bởi Giám đốc IRSEM Jean-Baptiste Jeangène Vilmer cùng chuyên gia tình báo và vấn đề Trung Quốc Paul Charon.
Báo cáo điều tra nêu chi tiết các hành động mà ĐCSTQ đã thực hiện để mở rộng ảnh hưởng của mình ra bên ngoài theo bốn phần:
1. Nhận thức của của ĐCSTQ, chẳng hạn như sử dụng triệt để mặt trận thống nhất của mình để thúc đẩy “Tam chiến”;
2. Tham gia vào các cơ quan và thể chế quyền lực liên quan đến các hành động của ĐCSTQ, và thậm chí cả các doanh nghiệp tư nhân;
3. Tất cả các khía cạnh trong hành động của ĐCSTQ, bao gồm thâm nhập vào cộng đồng Trung Quốc, truyền thông, ngoại giao, kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa và các tổ chức tư vấn, v.v.;
4. Các ví dụ thực tế, Đài Loan và Hồng Kông đã trở thành mặt trận đầu tiên trong “cuộc chiến chính trị” của Bắc Kinh, và tâm điểm tiếp theo là Australia và New Zealand. Giai đoạn thứ hai của “cuộc chiến chính trị” tập trung vào phần còn lại của thế giới, đặc biệt là châu Âu và Bắc Mỹ.
Trong 4 phần trên, có rất nhiều trang liên tục phơi bày hành động vu khống và bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ .
Từ lý do tại sao Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, quyết định đàn áp Pháp Luân Công, đến “Phòng 610” theo “kiểu Gestapo” (thời Phát xít), cách ĐCSTQ mua chuộc phương tiện truyền thông và tổ chức ở nước ngoài để vu khống Pháp Luân Công, cách họ cản trở các buổi biểu diễn của Shen Yun (chương trình lưu diễn về âm nhạc và múa cổ truyền Trung Hoa nổi tiếng thế giới), xâm nhập quy mô lớn vào các Viện Khổng Tử ở nước ngoài cũng như các vấn đề về Huawei, v.v. Các chuyên gia IRSEM đã thực hiện một cuộc điều tra chuyên sâu.
ĐCSTQ thành lập “Phòng 610″, tổ chức đặc biệt chống lại Pháp Luân Công
Bản báo cáo giải thích về “Phòng 610″ từ trang 76 đến trang 78. Sau đây là bản dịch:
“Phòng 610″ là một tổ chức bí mật phụ trách cuộc chiến chống lại phong trào Pháp Luân Công và mở rộng ra đàn áp tất cả các “giáo phái tôn giáo”. Có rất ít thông tin được kiểm tra chéo về sự tồn tại của các mục tiêu cụ thể, chuỗi chỉ huy, nhân viên và phương pháp hoạt động của tổ chức này.
Nguồn gốc của “Phòng 610″ là bắt đầu vào năm 1999, khi Giang Trạch Dân quyết định triệu tập cuộc họp đặc biệt của Bộ Chính trị Đảng vào ngày 7/6 để đưa ra các biện pháp chống lại sự trỗi dậy ngoạn mục của phong trào Pháp Luân Công trong xã hội Trung Quốc. Các hoạt động rèn luyện tinh thần và sức khỏe này đã thu hút hàng chục triệu tín đồ, bao gồm cả những quan chức cấp cao của ĐCSTQ. Giang Trạch Dân cảm thấy có mối nguy hiểm nhất định đối với Đảng, tổ chức vốn không thể dung thứ cho sự tồn tại của bất kỳ một nhóm xã hội nằm ngoài tầm kiểm soát của nó. Sau cuộc họp, theo chỉ thị, một nhóm lãnh đạo trực thuộc Trung ương Đảng đã được thành lập dưới sự phụ trách của Lý Lam Thanh (Li Lanqing), thành viên Thường vụ Bộ Chính trị, để giải quyết “vấn đề” Pháp Luân Công. Ngày 10/6, “Phòng 610″ được thành lập để thực hiện mệnh lệnh của nhóm lãnh đạo. Về “Phòng 610″, dường như (ĐCSTQ) chưa bao giờ công bố bất kỳ tài liệu liên quan nào, hiểu theo nghĩa đen là tổ chức nằm ngoài vòng pháp luật.
Trong những tháng sau quyết định của Đảng, “Phòng 610″ đã mở các chi nhánh ở tất cả các cấp của cơ cấu Đảng – Nhà nước để tạo thành một mạng lưới kiểm soát chặt chẽ trên toàn lãnh thổ. Người phụ trách Phòng 610 ở các cấp đồng thời là Bí thư hoặc Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật cùng cấp. ĐCSTQ cũng đã thiết lập các văn phòng duy trì sự ổn định, đặc biệt là ở một số thành phố lớn ven biển, các văn phòng này dường như hợp tác chặt chẽ với các Phòng 610 địa phương, đôi khi chia sẻ không gian văn phòng. Theo Thời báo Epoch Times, vào tháng 3/2010, chính quyền huyện Bình Dương, tỉnh Chiết Giang đã thông báo bổ nhiệm cùng một quan chức làm người đứng đầu Văn phòng Duy trì Ổn định và Phòng 610, do đó xác nhận sự hợp nhất và mục tiêu chung của cả hai. Phòng 610 có khoảng 15.000 thành viên trong và ngoài nước. Đặc vụ của “nhà cầm quyền” này muốn xóa bỏ phong trào Pháp Luân Công mà không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào.
Kể từ vụ đào tẩu năm 2005 của ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), lúc đó là nhân viên lãnh sự quán ở Sydney đồng thời là người phụ trách các vấn đề về Pháp Luân Công, mọi người đã biết thêm về văn phòng này, đặc biệt là các hoạt động ở nước ngoài của văn phòng này. Vào tháng 7/2005, ông đã mô tả chi tiết với một tiểu ban của Hạ viện ở Washington, các phương pháp được chính quyền Bắc Kinh sử dụng để phát hiện, theo dõi và bức hại các học viên Pháp Luân Công trên khắp thế giới.
Ông cho biết, sau khi thành lập Phòng 610, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã thành lập một văn phòng về vấn đề Pháp Luân Công, một văn phòng nằm trong hệ thống chống “tôn giáo X” trên toàn quốc. Bộ phận này được đổi tên thành Sở An ninh Đối ngoại vào năm 2004. Vào tháng 2/2001, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney đã thành lập một nhóm đặc biệt chống Pháp Luân Công. Nhóm do chính tổng lãnh sự đứng đầu và họp hai lần một tháng.
Theo nhà ngoại giao, các tổ chức tương tự đã được thành lập ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác nơi Pháp Luân Công đang hoạt động. “Năm 2000, cuộc chiến chống Pháp Luân Công lan ra nước ngoài. Trong mỗi phái bộ ngoại giao của ĐCSTQ, phải có ít nhất một quan chức phụ trách các vấn đề Pháp Luân Công.” Ông Trần Dụng Lâm, người từng giữ chức vụ này ở Sydney, nói rằng nhiệm vụ của ông là “theo dõi và bức hại” các thành viên Pháp Luân Công người Úc.
Ông Trần xác nhận thêm rằng vào thời điểm đó, ĐCSTQ đã dựa vào “1.000 đặc vụ và người cung cấp thông tin” để thu thập thông tin tình báo về Pháp Luân Công ở Úc. Ở Hoa Kỳ, cũng với số lượng đặc vụ tương đương như vậy, vì số lượng lớn các thành viên Pháp Luân Công ở hai quốc gia này, họ đã trở thành mục tiêu của các nỗ lực đặc biệt (bức hại) của ĐCSTQ. Việc giám sát và đàn áp các thành viên Pháp Luân Công thường đi kèm với việc tuyên truyền quy mô lớn tới các chính phủ, các quan chức dân cử, cơ quan truyền thông, các trường đại học, v.v. để họ tin vào “tính hợp pháp” của các hoạt động của Trung Quốc (ĐCSTQ) và “tác hại” của Pháp Luân Công. Nhiệm vụ của nhà ngoại giao này cũng bao gồm điều tra và lập hồ sơ các thành viên của phong trào này, đưa họ vào danh sách đen và ngăn họ quay trở lại Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc (Cộng sản) cũng đang cố gắng làm suy yếu sức mạnh phổ biến của các phương tiện truyền thông do Pháp Luân Công lập ra, chẳng hạn như NTDTV, đồng thời tài trợ cho các hoạt động chống lại Pháp Luân Công. Những người ủng hộ ĐCSTQ ở một số trường đại học đã bị xúi giục công khai chống Pháp Luân Công.
Mặc dù Phòng 610 không phải là cơ quan điều hành các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng các hoạt động của tổ chức này tại các quốc gia tiếp nhận nhiều học viên Pháp Luân Công đã tạo nên sự can thiệp thực sự (ở các quốc gia này).
Bối cảnh của tài liệu
Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự (IRSEM), được thành lập năm 2009, là một viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Quốc phòng Pháp, bao gồm khoảng 50 người, bao gồm cả dân thường và quân sĩ, hầu hết đều có bằng tiến sĩ. Đây là trung tâm nghiên cứu chính về các nghiên cứu chiến tranh (War Studies) trong thế giới nói tiếng Pháp. Ngoài việc tiến hành nghiên cứu nội bộ (vì lợi ích của bộ) và bên ngoài (vì cộng đồng khoa học) về các vấn đề quốc phòng và an ninh, IRSEM cũng cung cấp hỗ trợ “kế thừa chiến lược” cho các nhà nghiên cứu trẻ, và đóng góp vào giáo dục đại học và tranh luận công khai.
IRSEM nhấn mạnh trong báo cáo rằng họ đã thực hiện một cuộc điều tra độc lập, do đó, các quan điểm được trình bày trong báo cáo này chỉ thể hiện quan điểm của tác giả.
Giới thiệu về tác giả
Tiến sĩ Jean-Baptiste Jeangène Vilmer là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM) của Học viện Quân sự Pháp từ năm 2016. Ông được đào tạo về 3 lĩnh vực: triết học (Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ), Luật (Cử nhân, Thạc sĩ Luật, Sau Tiến sĩ) và Khoa học Chính trị (Tiến sĩ) – ở Pháp và nước ngoài, ông chịu trách nhiệm chính về nhiệm vụ “Các vấn đề xuyên suốt và an ninh” của Trung tâm Phân tích, Dự báo và Chiến lược (CAPS) của Bộ Ngoại giao. Ông cũng là giáo sư tại Trường Luật của Đại học McGill ở Canada, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Châu Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, và là giảng viên tại Trường Khoa học Chính trị Paris. Ông là tác giả của hơn 20 cuốn sách và đã giành được nhiều danh hiệu (Giải thưởng Marshal Foch của Viện Hàn lâm Pháp, Chancellerie de Paris, Nhà lãnh đạo trẻ Munich).
Tiến sĩ Paul Charon là giám đốc khoa “Tình báo, Dự đoán và Các mối đe dọa tổng hợp” của Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM) thuộc Học viện Quân sự Pháp từ năm 2020. Ông là Tiến sĩ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội Pháp (EHESS, Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Hiện đại và Đương đại), nghiên cứu các chủ đề về Trung Quốc và có bằng MBA của HEC. Ông cũng được đào tạo về ngôn ngữ và văn minh Trung Quốc và (Đại học Paris Diderot, Đại học Văn hóa và Ngôn ngữ Bắc Kinh, BLCU), hùng biện (Đại học Harvard, Đại học Paris Nanterre) và Luật (Đại học Pantheon-Assas). Trước khi gia nhập IRSEM, ông đã làm việc với tư cách là nhà phân tích tình báo trong hơn mười năm, và sau đó là nhà tư vấn dự báo tình báo cho Bộ Quốc phòng / Lực lượng vũ trang Pháp. Ông cũng từng là nhà nghiên cứu liên kết tại Chi nhánh Khoa học Xã hội và Nhân văn Trung – Pháp của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh trong ba năm. Công việc của ông tập trung vào Trung Quốc (dịch vụ tình báo, hoạt động ảnh hưởng) và các phương pháp phân tích thông tin tình báo và dự đoán chiến lược bất ngờ.
Mời xem phần tiếp theo: Cách ĐCSTQ thao túng truyền thông Tiếng Trung tại hải ngoại
Theo Trương Ni, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa IRSEM Bộ Quốc phòng Pháp Pháp Luân Công Giang Trạch Dân Phòng 610 Cuộc đàn áp Pháp Luân Công Dòng sự kiện