Cách ĐCSTQ thao túng truyền thông Tiếng Trung tại hải ngoại
- Trương Bắc
- •
Gần đây, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Học viện Quân sự (IRSEM) thuộc Bộ Quốc phòng Pháp đã công bố một báo cáo nặng ký, phơi bày nội tình về mặt trận thống nhất của ĐCSTQ trong nhiều lĩnh vực ở nước ngoài. Bao gồm việc ĐCSTQ thông qua nhiều cách khác nhau, thâm nhập và kiểm soát hầu hết các kênh truyền thông tiếng Trung ở hải ngoại.
Mời xem bài trước: Pháp: Báo cáo tiết lộ cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công
Ngày 20/9, IRSEM đã công bố bản báo cáo với tựa đề “Hành động có ảnh hưởng của Trung Quốc (ĐCSTQ)”. Báo cáo dài 646 trang và được hoàn thành bởi hơn 50 chuyên gia trong vòng 2 năm.
Báo cáo chỉ ra rằng vào cuối những năm 1980, các kênh truyền thông tiếng Trung ở nước ngoài vẫn còn đa dạng và mang tính phê phán. Bởi vào thời điểm đó, người di cư Trung Quốc chủ yếu đến từ Đài Loan và Hồng Kông. Dẫu đến từ Trung Quốc Đại Lục, họ cũng thường là những người bất đồng chính kiến với ĐCSTQ, đặc biệt là sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
Sau đó, làn sóng di dân từ Đại Lục đã thay đổi cơ cấu di cư của cộng đồng người Hoa ở nước ngoài. Điều này cũng tác động đến giới truyền thông tiếng Trung ở nhiều nước. Miễn là những nơi có dân số người Hoa đông, ĐCSTQ sẽ kiểm soát các kênh truyền thông tiếng Trung tại địa phương.
ĐCSTQ đạt được “thế độc quyền chuẩn” trên thị trường truyền thông, thông qua các vụ mua lại, lôi kéo và xúi giục các cộng đồng người Hoa tại địa phương gây áp lực lên họ.
Sử dụng WeChat và các phương tiện khác để kiểm soát các kênh truyền thông tiếng Trung của Úc
Lấy Úc làm ví dụ. Tháng 7/2016, tờ “Herald Sun” của Sydney và “Times” của Melbourne đã báo cáo rằng một cựu biên tập viên không muốn tiết lộ tên, từng làm việc trong các kênh truyền thông tiếng Trung thân cộng ở Úc, đã thừa nhận rằng “gần 95% các tờ báo tiếng Trung của Úc bị ĐCSTQ mua chuộc ở các mức độ khác nhau.”
Báo cáo của IRSEM chỉ ra rằng vấn đề chính đối với sự xâm nhập của ĐCSTQ vào các kênh tiếng Trung của Úc, không phải là trực tiếp tài trợ về tài chính. Trong số 24 công ty được phân tích, chỉ có công ty Global CAMG Media, thuộc sở hữu chính thức của ĐCSTQ và Đài phát thanh Trung Quốc (CRI), một công ty con của Ban Tuyên giáo Trung ương, nắm giữ 60% cổ phần.
Hai công ty khác, Pacific Media Group (Tập đoàn Truyền thông Thái Bình Dương) và Nanhai Culture & Media (Kênh truyền thông Văn hóa Nam Hải), có quan hệ tài chính gián tiếp với ĐCSTQ. Những người Úc sở hữu 2 công ty này là chủ sở hữu của những công ty liên doanh với các công ty thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ.
Báo cáo nêu rõ rằng vấn đề chính trong việc ĐCSTQ xâm nhập vào các kênh truyền thông nằm ở kênh truyền thông xã hội WeChat. Đây là công cụ chính để kiểm soát nội dung truyền thông tiếng Trung ở nước ngoài.
Tại Úc, WeChat có từ 700.000 người đến hơn 3 triệu người dùng hàng ngày. Nó cũng “trở thành phương tiện truyền tin bằng tiếng Trung quan trọng nhất của nước này.” Có hai phiên bản WeChat, gồm “WeChat tại Trung Quốc” và “WeChat”. Theo mô tả riêng của công ty này, chúng là “ứng dụng chị em”: “WeChat tại Trung Quốc” được sử dụng cho người dùng ở Trung Quốc Đại Lục và chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ hơn theo luật của ĐCSTQ. Còn WeChat là phiên bản quốc tế cũng bị kiểm duyệt nhưng chỉ ở mức độ thấp.
Tuy nhiên, WeChat chỉ cho phép “tài khoản chính thức” của các kênh truyền thông được công bố mỗi tháng 4 lần, mỗi lần tối đa là 8 bài.
Nhưng phiên bản WeChat ở Trung Quốc lại không có những hạn chế này, miễn là nó được đăng ký dưới tên của một cá nhân hoặc tổ chức ở Trung Quốc. Sự khác biệt này đã “khuyến khích” các kênh truyền thông tiếng Trung của Úc đăng ký WeChat ở Trung Quốc và trực tiếp chịu sự kiểm duyệt của ĐCSTQ.
Bởi họ không biết chính xác ranh giới của Bắc Kinh nằm ở đâu và những gì có thể nói, nên các kênh truyền thông này đã chuyển sang tự kiểm duyệt để tránh bị đóng tài khoản. Năm 2020, tổng biên tập của một tài khoản WeChat, một trong những người được quan tâm nhất ở Úc, nói rằng để không vô ý vượt qua “lằn ranh đỏ”, bà đã chọn làm theo ranh giới của Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã.
Báo cáo cũng tiết lộ rằng các kênh truyền thông tiếng Trung khác của Úc độc lập với WeChat, cũng thực hiện việc tự kiểm duyệt ở mức độ lớn, nhằm tránh chỉ trích ĐCSTQ. Đồng thời tránh các cuộc thảo luận về 5 chủ đề gồm Tân Cương, Tây Tạng, Pháp Luân Công, Đài Loan và phong trào dân chủ ở nước ngoài.
Ngoài những cách thức thâm nhập nêu trên, các phương thức mà Bắc Kinh sử dụng còn bao gồm: Liên hệ kinh doanh (các nhóm nắm giữ các kênh truyền thông này có thể có lợi ích kinh tế ở Trung Quốc trong các lĩnh vực khác), thâm nhập mặt trận thống nhất (trong số 24 công ty truyền thông được phân tích, các giám đốc điều hành của 12 công ty trong số đó là thành viên của Tổ chức Mặt trận Thống nhất). Ngoài ra, ĐCSTQ còn sử dụng quảng cáo để gây áp lực (quảng cáo là nguồn thu nhập chính của giới truyền thông, các ấn phẩm chỉ trích ĐCSTQ sẽ bị phong tỏa, dẫn đến kiệt quệ tài chính, còn các ấn phẩm tuân theo ý chí ĐCSTQ lại được khen thưởng).
ĐCSTQ quen dùng “củ cà rốt + cây gậy”, khiến Bắc Mỹ và Châu Âu thất thủ
Báo cáo của IRSEM tiếp tục chỉ ra rằng tại Hoa Kỳ, “thị trường tin tức tiếng Trung độc lập do China Press (Báo Trung Quốc) và SinoVision (Đài truyền hình tiếng Trung của Hoa Kỳ) độc quyền. Hai kênh truyền thông này đã bị chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát bí mật kể từ khi thành lập. Nội dung của họ trực tiếp đến từ các kênh truyền thông chính thức của Trung Quốc (ĐCSTQ).”
Tại Canada, ngoài thời báo “Epoch Times” và “Đài Truyền hình Tân Đường Nhân” (NTD), các kênh truyền thông tiếng Trung hầu như đều do ĐCSTQ kiểm soát hoàn toàn. Tuy nhiên, hai kênh truyền thông này không chỉ bị ĐCSTQ đàn áp, chính quyền Canada đôi khi cũng e ngại Bắc Kinh sẽ phẫn nộ, nên đã hạn chế họ.
Ví như năm 2005, khi ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước của ĐCSTQ đương nhiệm, đến thăm Ottawa, Epoch Times và NTD không thể tham gia các hoạt động liên quan. Năm 2010, tình huống tương tự cũng xảy ra trong chuyến thăm thứ hai của ông Hồ Cẩm Đào.
Để uốn nắn các kênh truyền thông tiếng Trung thành những gì họ muốn, ĐCSTQ thường sử dụng hai “vũ khí”: Củ cà rốt và cây gậy. “Củ cà rốt” đề cập đến việc khuyến khích các kênh truyền thông tự kiểm duyệt để đổi lấy lợi ích thương mại. “Cây gậy” chỉ việc sử dụng sự đe dọa, uy hiếp và quấy rối, nhằm gây áp lực với người thân của các nhà báo ở nước ngoài, những người hiện đang sinh sống tại Trung Quốc, hoặc sa thải các phóng viên “không vâng lời”, ngừng phát sóng những chương trình được coi là “bất đồng chính kiến”.
ĐCSTQ cũng cố gắng “quy phạm” các nhà báo ở nước ngoài và đào tạo họ tại địa phương hoặc ở Trung Quốc. Ví dụ năm 2014, “Tổ chức Hợp tác Truyền thông Mới Quốc tế”, một tổ chức mặt trận thống nhất có trụ sở tại Vancouver, đã tập hợp các kênh truyền thông tiếng Trung từ các lực lượng thân Bắc Kinh ở Bắc Mỹ.
Tại Châu Âu, ngay cả những quốc gia chưa có một lượng lớn Hoa kiều, cũng trở thành mục tiêu chú ý của ĐCSTQ. Có khoảng 100 kênh truyền thông tiếng Trung tại châu Âu, chủ yếu ở Đức, Pháp, Anh, Ý và Tây Ban Nha.
Trụ sở của các kênh truyền thông tiếng Trung của Đức chủ yếu nằm tại Frankfurt. Tại Paris, Pháp, năm 1983, tờ “Nouvelles d’Europe” (Thời báo châu Âu) được thành lập với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp. Tờ báo này được xuất bản bằng 4 thứ tiếng, gồm: Tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Anh, và tiếng Đức. Đây là “chiếc ô che chở” cho nhiều kênh truyền thông tiếng Trung ở châu Âu, họ cũng đã tổ chức rất nhiều hoạt động.
Ngoài ra, năm 1997, kênh truyền thông tiếng Trung tại châu Âu đã thành lập “Hiệp hội truyền thông tiếng Trung châu Âu”. Tổ chức này thường xuất hiện trong các sự kiện của châu Âu hoặc Trung Quốc, như “Diễn đàn truyền thông tiếng Trung thế giới” hoặc “Diễn đàn thượng đỉnh truyền thông mới của bằng tiếng Trung ở nước ngoài.”
Bị dụ dỗ bởi thị trường Trung Quốc, kênh truyền thông Đài Loan tự kiểm duyệt
Ngoài các hoạt động liên tiếp tại những quốc gia Âu Mỹ, ĐCSTQ cũng không dễ dàng bỏ qua việc thao túng các kênh truyền thông của Đài Loan.
Báo cáo của IRSEM cho biết, kể từ năm 2000, Đài Loan phụ thuộc vào Trung Quốc Đại Lục về mặt kinh tế. Năm 2005, Đại Lục thay thế Hoa Kỳ và Nhật Bản trở thành đối tác kinh doanh hàng đầu của Đài Loan. Sau khi ký “Hiệp định khung về hợp tác kinh tế xuyên eo biển” năm 2010, sự phụ thuộc của nền kinh tế của Đài Loan thậm chí còn rõ ràng hơn.
Ngoài kinh tế, các tổ chức, hiệp hội, diễn đàn xuyên eo biển trên nhiều lĩnh vực cũng tăng theo cấp số nhân. Trong môi trường này, nhiều kênh truyền thông Đài Loan đã bị thu hút bởi thị trường Đại Lục khổng lồ và bắt đầu bị “đồng hóa”.
Đồng hóa như thế nào? Báo cáo nói rằng việc tự kiểm duyệt tất nhiên là điều không thể thiếu.
Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện ĐCSTQ đã liên tiếp trao cho tờ “United Daily News”, “China Times” và một số ít các kênh truyền thông khác của Đài Loan quyền hạn được in và phân phối tại Đại Lục.
Tuy nhiên, ông Hoàng Triệu Niên, phó giáo sư tại Viện Phát triển Quốc gia, thuộc Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan, chỉ ra rằng việc phát hành 2 tờ báo Đài Loan này ở Trung Quốc vẫn bị hạn chế tại một số khu vực. Chúng chỉ dành cho một số tổ chức và cá nhân nhất định, chẳng hạn như các công ty Đài Loan, công ty nước ngoài, các khách sạn 5 sao và các viện nghiên cứu liên quan đến Đài Loan.
Đồng thời, Bắc Kinh chỉ cho phép các đài truyền hình Đài Loan, đặt văn phòng tại một số thành phố của Trung Quốc, gồm có Bắc Kinh, với điều kiện họ phải ngừng phát sóng các chương trình liên quan đến Pháp Luân Công.
Trên thực tế, yêu cầu này đã dẫn đến việc tự kiểm duyệt. Vì vậy, “hầu hết các kênh truyền thông Đài Loan có kế hoạch thâm nhập thị trường Trung Quốc đã im lặng. Đồng thời ngừng sản xuất các báo cáo và chương trình truyền hình liên quan đến Pháp Luân Công.”
Ngoài ra, “kênh truyền thông xanh” phe độc lập và các kênh truyền thông ủng hộ bản sắc dân tộc trong mọi hoàn cảnh, cũng sẽ hợp tác với ĐCSTQ vì lý do thương mại.
Ví dụ, kênh tin tức SET TV thân Đảng Dân chủ Nhân dân Đài Loan, ban đầu chống lại ĐCSTQ khi mới thành lập. Nhưng sau năm 2008, do chủ tịch của đài này muốn kinh doanh ở Đại Lục nên SET TV đã bắt đầu tiến hành tự kiểm duyệt.
Một phân tích dữ liệu xác nhận rằng kể từ năm 2010, số lượng báo cáo từ SET TV về sự cố Thiên An Môn ngày 4/6 chỉ giảm mà không tăng. Bắc Kinh cũng yêu cầu đài này ngừng phát sóng chương trình trò chuyện nổi tiếng “Tin tức lớn” thời đầu, vì chương trình này đặc biệt chống ĐCSTQ.
Kết quả là mục tiêu này dần dần được thực hiện. Đầu tiên, chương trình này không được phép nói về các chủ đề kích thích đến ĐCSTQ (như sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6, Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ Rabiye Qadir, v.v.). Tiếp đó, chương trình đã không được phép mời Chủ tịch Tổ chức Ân xá Quốc tế chi nhánh Đài Loan, các nhà hoạt động ủng hộ Tây Tạng và các vị khách “có tính lật đổ” khác. Họ cũng bị cấm chỉ trích ĐCSTQ. Cuối cùng, SET TV đã hủy bỏ chương trình “Tin tức lớn” vào tháng 5/2012.
Báo cáo tin rằng điều này cho thấy “yếu tố Trung Quốc (ĐCSTQ)” không chỉ dẫn đến việc tự kiểm duyệt, thậm chí còn phải hủy bỏ một chương trình truyền hình nổi tiếng.
Một kênh truyền thông thân cộng khác ở Đài Loan, kênh truyền thông trực tuyến “Master Chain” được thành lập ở Đài Bắc vào năm 2018. Đây là kênh truyền thông Đài Loan đầu tiên được ĐCSTQ công nhận. Kênh này không chỉ được phép thành lập văn phòng ở Đại Lục, mà còn được phát sóng tại Đại Lục.
Kênh truyền thông này đã nhận được 100 triệu đô la Mỹ tiền tài trợ từ một công ty có tên là Hasdaq. Công ty Hasdaq đăng ký tại Hoa Kỳ, nhưng lại có trụ sở chính tại Hồng Kông. Trong số các nhân viên của Master Chain có những nhân vật nổi tiếng, như ông Dương Quốc Cường, cựu Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Đài Loan, và ông Trương Khám Bình, cựu Giám đốc Cục Tình báo Quân sự Đài Loan.
Để chống lại sự xâm nhập của ĐCSTQ vào Đài Loan, cuối năm 2019, chính quyền Đài Loan đã ban hành “Luật thẩm thấu ngược”. Sau khi dự luật có hiệu lực, Master Chain đã ngay lập tức phục hồi mạnh mẽ, và tuyên bố sẽ tạm thời “từ bỏ thị trường Đài Loan” từ ngày 1/1/2020.
Mời xem bài tiếp theo: Báo cáo của Pháp: ĐCSTQ can thiệp vào Canada, tạo ra “ngoại giao con tin”
Theo Trương Bắc / Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa truyền thống Truyền thông ĐCSTQ IRSEM ĐCSTQ thao túng truyền thông