Pháp tặng Mỹ nhân Ngày Độc lập: Tượng Nữ Thần Tự Do thu nhỏ đã đến New York
- Thi Bình
- •
Bức tượng nổi tiếng Tượng Nữ thần Tự do đã đến New York cách đây 135 năm. Người Pháp lại một lần nữa tặng cho Hoa Kỳ một món quà lớn khác trước Ngày Độc lập năm nay: Một bức tượng Nữ thần Tự do thu nhỏ.
Bức tượng Nữ thần Tự do thu nhỏ cao 9 foot (khoảng 2,74m), nặng 1.000 pound (khoảng 453,6 kg), chỉ bằng 1/6 so với bức tượng gốc, đã cập cảng New York vào thứ Tư (ngày 30/6).
Bức tượng đồng này có biệt danh là “Little Sister” (Em gái nhỏ), được làm từ khuôn thạch cao ban đầu được nhà thiết kế Auguste Bartholdi sử dụng vào năm 1878. Bức tượng này cũng được chuyển đến New York theo cùng con đường vận chuyển tượng Nữ thần Tự do thật. Đây là một động thái ấm áp của người Pháp nhân kỷ niệm Ngày Độc lập của Hoa Kỳ và Quốc khánh Pháp sau đó, cũng như tình hữu nghị giữa Hoa Kỳ và Pháp.
A warm welcome for Lady Liberty’s "little sister" as she arrives into New York Harbor!
She crossed the Atlantic 135 years after the great statue & will now continue her journey to Washington transported by our subsidiary company @cevalogistics.#ViveLaLiberty @PANYNJ @PortNYNJ pic.twitter.com/O2E498P5lB
— CMA CGM Group (@cmacgm) June 30, 2021
Đại sứ quán Pháp tại Hoa Kỳ, Học viện Mỹ thuật Công ích Quốc gia Pháp và Công ty vận tải viễn dương CMACGM Group đã thông báo 3 tuần trước, rằng họ một lần nữa sẽ tặng một bức tượng Nữ thần Tự do cho Hoa Kỳ, nhằm chúc mừng Ngày Độc Lập và tình hữu nghị giữa Pháp và Hoa Kỳ.
Bức tượng được đặt trên Đảo Ellis để công chúng xem vào Ngày Độc lập năm nay (từ ngày 1/7 đến ngày 5/7). Sau đó bức tượng sẽ được gửi đến trước cổng Đại sứ quán Pháp tại Washington DC vào ngày Quốc khánh Pháp 14/7, hay còn gọi là Ngày Bastille.
Ông Philippe Etienne, Đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ cho biết, ông rất vinh dự khi nhận được món quà tượng trưng cho tình hữu nghị giữa nhân dân Pháp và Hoa Kỳ. Ông cho rằng tượng Nữ thần Tự do giống như một biểu tượng của thế giới khai sáng, vẫn có giá trị rất quan trọng.
Trước khi định cư tại Hoa Kỳ, bức tượng Nữ thần Tự do thu nhỏ này đã được trưng bày tại Viện bảo tàng Thiết kế Công nghiệp Pháp (Musée des Arts et Métiers) tại Paris trong 10 năm.
Tượng Nữ thần Tự do, còn có tên “Tự do soi sáng thế giới”, là một bức tượng cổ điển khổng lồ nằm trên Đảo Tự do ở Cảng New York. Nó được thiết kế và xây dựng bởi người Pháp, sau đó được tặng cho Hoa Kỳ. Nó được hoàn thành vào tháng 10/1886. Bức tượng Nữ thần Tự do này luôn là biểu tượng của Hoa Kỳ và New York, đồng thời cũng đại diện cho sự chào đón của Hoa Kỳ và New York với những người nhập cư. Hơn 100 năm qua, đây là địa điểm nhất định phải đến của du khách từ khắp nơi trên thế giới khi đặt chân đến New York.
Ngoài vô số đồ lưu niệm du lịch tượng Nữ thần Tự do được trưng bày trên đường phố và trong các cửa hàng ở New York, một người yêu nước ở New York còn đầu tư chế tạo một bức tượng giả cao 151 foot (42m) vào đầu thế kỷ trước. Tượng Nữ thần Tự do nhái này đã từng xuất hiện trong cuốn sách “Fame and Obscurity” (Được ngưỡng vọng và bị lãng quên) của Gay Talese, một nhân vật đại diện nổi tiếng của nền báo chí mới ở Hoa Kỳ. Người ta nói rằng bức tượng nhái này được cất giữ trong nóc một nhà kho ở số 43, phố 64, Tây Manhattan và bị phá hủy vào năm 1912 do bị hư hỏng.
Tác giả của cuốn sách viết rằng trong nhiều thập kỷ, Tượng Nữ thần Tự do nhái lớn thứ hai thế giới này “vẫn mãi cầm ngọn đuốc cháy, nhìn xuống những người yêu mến bóng quần (đánh bóng bằng vợt vào các khu vực hợp lệ trên bốn vách tường – squash) xung quanh, những người đầu bếp làm những món ăn đưa đến tận nhà và người gác cổng; nhìn xuống những người bồi bàn và cảnh sát không kiếm được mấy đồng tiền tip…”
Hành trình vận chuyển tượng Nữ thần Tự do thu nhỏ của Tập đoàn CMACGM khởi hành từ Cảng Le Havre vào ngày 19/6 và trôi dạt trên Đại Tây Dương suốt 9 ngày trước khi đến Thành phố New York. Bạn có thể xem quá trình vận chuyển trong video:
Để biết thêm thông tin về Hành trình của tượng Nữ thần Tự do thu nhỏ, vui lòng truy cập trang web của Đại sứ quán Pháp.
Theo Thi Bình, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa new york tượng nữ thần tự do quan hệ Mỹ - Pháp