Phát biểu về quan hệ Mỹ – Trung của Tập và Biden trong một năm qua
- Lâm Phong
- •
Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc hội đàm song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco ngày 15/11. Như vậy, gần như đúng một năm sau khi gặp nhau từ ngày 14/11 năm ngoái bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali – Indonesia, hai nhà lãnh đạo lại gặp nhau. Hãy cùng nhìn lại quá trình 12 tháng qua họ đã nói gì về quan hệ Mỹ – Trung.
Trong 12 tháng qua, hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ nhiều điều về quan hệ Mỹ – Trung. Hồi đầu năm và giữa năm, Tổng thống Biden thậm chí còn gián tiếp và trực tiếp chỉ trích chính ông Tập Cận Bình là “nhà độc tài”, trong khi ông Tập đầu năm nay cũng đưa ra bình luận hiếm hoi chỉ trích Mỹ tìm cách “kiềm chế và đàn áp” Trung Quốc, khi đó căng thẳng giữa hai nước đã lộ rõ. Nhưng với nhiều cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao của hai nước vào tháng 5, mặc dù ông Biden không thay đổi nhiều trong tuyên bố về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, nhưng tuyên bố của ông Tập Cận Bình về quan hệ Mỹ-Trung đã thay đổi đáng kể.
Lược qua tình hình cho thấy các bài phát biểu của ông Biden và ông Tập chủ yếu tập trung vào cách nhìn nhận mối quan hệ cạnh tranh giữa hai nước và liệu nền kinh tế hai nước có nên “tách rời” hay không.
Ông Biden nhất quán: Quản lý tốt cạnh tranh, không tìm kiếm xung đột
Trong năm nay, Tổng thống Biden đã nhiều lần phát biểu về mong muốn của Mỹ liên quan quản lý tốt mối quan hệ cạnh tranh với Trung Quốc, nhấn mạnh rằng Mỹ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc và cam kết hợp tác với Trung Quốc trong một số lĩnh vực; ông cũng nói rằng chính sách “cạnh tranh, hợp tác và đối trọng” với Trung Quốc của ông đang có hiệu quả.
Ngày 2/2, một khinh khí cầu trinh sát tầm cao của Trung Quốc đã xâm nhập vào không phận Mỹ, khiến mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã dịu đi kể từ cuộc gặp Biden – Tập ở Bali – Indonexia nhanh chóng trở nên nguội lạnh. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoãn chuyến thăm dự kiến tới Trung Quốc.
Ngày 7/2 trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hàng năm, Tổng thống Biden đã mô tả mối quan hệ Mỹ-Trung: “Chúng tôi đã nói rõ và bản thân tôi cũng đã nói rõ trong nhiều cuộc trò chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng chúng tôi tìm kiếm sự cạnh tranh chứ không phải xung đột… Mỹ hướng đầu tư vào các liên minh và hợp tác với các đồng minh để bảo vệ các công nghệ tiên tiến khỏi bị sử dụng chống lại chúng ta. Hiện đại hóa quân đội của chúng ta để duy trì sự ổn định và ngăn chặn xâm lược. Ngày nay nước Mỹ đang ở vị thế mạnh nhất trong nhiều thập niên để cạnh tranh với Trung Quốc hoặc bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Tôi tận lực cho những lĩnh vực mà tôi có thể thúc đẩy lợi ích của Mỹ và mang lại lợi ích cho thế giới, tôi tận lực cho hợp tác với Trung Quốc”.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Biden cũng đề cập đến sự cố khinh khí cầu: “Như chúng tôi đã nói rõ vào tuần trước, nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền của chúng tôi, chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ đất nước của mình. Và chúng tôi đã làm như vậy”.
Trong bài phát biểu này, Tổng thống Biden còn ngầm so sánh ông Tập Cận Bình với lãnh đạo của một chế độ độc tài: “Trong hai năm qua, các nền dân chủ đã phát triển mạnh mẽ hơn chứ không suy yếu. Các chế độ độc tài ngày càng yếu đi, quyền lực không thể phát triển. Hãy cho tôi biết liệu có một nhà lãnh đạo thế giới nào khác sẽ thế chỗ cho Tập Cận Bình? Hãy cho tôi biết một người nào?”. Giữa tháng 6 tại một buổi gây quỹ tranh cử ở California, Tổng thống Biden trực tiếp gọi ông Tập Cận Bình là “nhà độc tài”.
Ngày 16/2, ông Biden đã có bài phát biểu đặc biệt trước người dân Mỹ về sự cố khinh khí cầu ở độ cao lớn và lý do Mỹ bắn hạ khinh khí cầu. Ông nhắc lại: “Những hành vi xâm phạm chủ quyền đất nước của chúng ta là không thể chấp nhận được”; nhưng cũng nhấn mạnh rằng Washington cam kết quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ cạnh tranh với Trung Quốc và giữ cho các kênh liên lạc luôn mở: “Chúng tôi tìm kiếm sự cạnh tranh với Trung Quốc, không phải xung đột. Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Nhưng tôi sẽ không xin lỗi, chúng tôi sẽ cạnh tranh. Chúng tôi sẽ quản lý cuộc cạnh tranh này một cách có trách nhiệm để nó không biến thành xung đột. Sự cố này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đường dây liên lạc cởi mở giữa các nhà ngoại giao và các chuyên gia quân sự của chúng tôi. Các nhà ngoại giao của chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia sâu hơn, tôi sẽ tiếp tục giữ kết nối với Chủ tịch Tập Cận Bình”.
Trước khi xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ, ngày 10/9 trong cuộc họp báo ở Hà Nội – Việt Nam, Tổng thống Biden phủ nhận rằng Mỹ đang cố gắng nhắm mục tiêu và bao vây Trung Quốc: “Trước hết, tôi chân thành hy vọng sẽ cải thiện quan hệ Mỹ-Trung. Nhưng tình hình hiện tại là Trung Quốc đang bắt đầu thay đổi một số luật chơi trong thương mại và các lĩnh vực khác. Vì vậy mục đích chuyến đi của tôi không phải là để kiềm chế Trung Quốc. Tôi không muốn kiềm chế Trung Quốc. Tôi chỉ muốn đảm bảo rằng mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc là bình thường”.
Ông cho biết Mỹ không cố gắng cô lập Trung Quốc, Mỹ chỉ muốn đảm bảo rằng các quy tắc quốc tế về mọi thứ – từ không phận, đất liền, đến đại dương – đều được tuân thủ.
Ngày 19/9, ông Biden một lần nữa tuyên bố trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng Mỹ tìm cách quản lý sự cạnh tranh với Trung Quốc một cách có trách nhiệm: “Khi nói đến Trung Quốc, tôi muốn nói rõ ràng và nhất quán: Chúng tôi tìm cách quản lý cạnh tranh giữa hai nước một cách có trách nhiệm để tránh rơi vào xung đột. Tôi đã nói rằng chúng tôi thúc đẩy giảm thiểu rủi ro chứ không phải tách rời Trung Quốc. Chúng tôi sẽ đấu tranh chống lại sự xâm lược và đe dọa cũng như bảo vệ các quy tắc đi lại, từ tự do hàng hải đến tự do hàng không cho đến một sân chơi kinh tế bình đẳng, những quy tắc mà nhiều thập niên qua đã giúp duy trì an ninh và thịnh vượng. Nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề mà sự tiến bộ phụ thuộc vào nỗ lực chung của chúng ta”.
Ông Tập Cận Bình: Từ Mỹ “bao vây” Trung Quốc đến “có cả ngàn lý do để cải thiện quan hệ Trung-Mỹ”
So với ông Biden, ông Tập Cận Bình hiếm khi có những bài phát biểu ngẫu hứng mà không có kịch bản, cũng như hiếm khi tổ chức họp báo và trả lời câu hỏi của phóng viên như các chính trị gia ở các nước phương Tây. Nội dung các bài phát biểu của ông thường được chuẩn bị và lên kế hoạch kỹ lưỡng từ trước, do đó dù nội dung các bài phát biểu của ông Tập hiếm khi trực tiếp chỉ trích đích danh một quốc gia hay một nhà lãnh đạo nào, nhưng tháng 3 năm nay ông Tập đã có biểu hiện hiếm hoi khi chỉ trích đích danh Mỹ.
Ngày 6/3 trong bài phát biểu tại Đại hội Nhân đại (Quốc hội) và Chính hiệp Trung Quốc, ông Tập Cận Bình có động thái hiếm khi đích danh chỉ trích Mỹ liên kết lực lượng với các đồng minh phương Tây để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Khi tham gia thảo luận chung giữa các thành viên Chính hiệp + Xây dựng Dân chủ + Công thương, ông Tập nói: “Môi trường bên ngoài cho sự phát triển của đất nước ta đã thay đổi đáng kể, các yếu tố không chắc chắn và khó lường đã gia tăng đáng kể, nhất là khi các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu thực hiện các biện pháp toàn diện ngăn chặn, bao vây và đàn áp Trung Quốc, gây những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của đất nước chúng ta”.
Phát biểu của ông Tập Cận Bình được đưa ra khoảng một tháng sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu trinh sát tầm cao của Trung Quốc. Kể từ đó, Trung Quốc thường đổ lỗi cho những thất bại trong quan hệ Mỹ-Trung là do Mỹ không thực hiện đầy đủ đồng thuận đạt được giữa ông Tập Cận Bình và ông Biden trong cuộc gặp ở Bali – Indonesia vào tháng 11 năm ngoái.
Ngoài chỉ trích Mỹ, ông Tập còn hy vọng hợp tác với Nga để đối phó với phương Tây. Ngày 21/3 khi ông Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Nga, những lời cuối của ông với ông Tổng thống Nga Putin khi chia tay đã gây kinh động thế giới. Ông Tập Cận Bình nói với ông Putin: “Đây là một phần cục diện thay đổi của thế kỷ, chúng ta sẽ cùng nhau thúc đẩy”.
Nhưng từ tháng 5 năm nay khi nối lại các hoạt động tương tác giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc, thì thái độ của ông Tập Cận Bình đối với Mỹ đã thay đổi. Vào cuối tháng 5, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) đã đến Washington để hội đàm với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, trong khi tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong (Xie Feng) đã tới Mỹ để đảm nhận chức vụ mới.
Tại Bắc Kinh ngày 16/6 khi ông Tập Cận Bình gặp cựu chủ tịch Microsoft Bill Gates – Chủ tịch Quỹ Bill & Melinda Gates, ông nói rằng Gates là người bạn Mỹ đầu tiên ông gặp ở Bắc Kinh trong năm nay: “Nền tảng của quan hệ Trung-Mỹ nằm ở dân sự, chúng tôi luôn đặt hy vọng vào người dân Mỹ và hy vọng rằng tình hữu nghị giữa hai dân tộc sẽ tiếp tục”.
Ba ngày sau, khi gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thăm Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nêu lên nhu cầu ổn định quan hệ Mỹ-Trung nhưng bày tỏ sự phản đối việc chính quyền ông Biden sử dụng cạnh tranh để xác định quan hệ Mỹ-Trung. Ông nói: “Cạnh tranh nước lớn không phù hợp với xu hướng của thời đại, nó không thể giải quyết các vấn đề của chính Mỹ cũng như những thách thức mà thế giới phải đối mặt”. Ông nói rằng Trung Quốc tôn trọng lợi ích của Mỹ, nhưng yêu cầu rằng “Mỹ cũng tôn trọng Trung Quốc và không làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc”. Ông cũng nói, “Bất cứ bên nào cũng không thể nhào nặn bên kia theo mong muốn của mình, chứ đừng nói đến việc tước đoạt quyền phát triển hợp pháp của bên kia”.
Ngày 20/7 tại Tòa nhà số 5 của Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình gặp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger – người được Trung Quốc coi là “người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc”. Khi tiếp đón ông Kissinger bằng quy cách cấp cao, ông Tập Cận Bình nói: “52 năm trước khi Trung Quốc và Mỹ đang ở một bước ngoặt quan trọng, Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai và Tổng thống Nixon hồi đó đã đưa ra những quyết định chiến lược ưu việt cho hợp tác đúng đắn của quan hệ Trung – Mỹ, đã bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ… Trung Quốc và Mỹ (hiện nay) một lần nữa đang ở ngã ba đường về việc sẽ đi đâu, cả hai bên cần phải đưa ra lựa chọn”.
Vào tháng 10, ông Tập Cận Bình đã gặp phái đoàn lưỡng đảng của Thượng viện Mỹ do Lãnh đạo Đảng Dân chủ Thượng viện Mỹ Chuck Schumer và Thống đốc Gavin Newsom bang California dẫn đầu. Cuộc gặp với hai nhân vật quan trọng của Đảng Dân chủ này được coi là tín hiệu quan trọng cho thấy ông Tập Cận Bình sẽ tới San Francisco tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC và hội đàm song phương với Tổng thống Biden.
Khi ông Tập Cận Bình gặp ông Schumer, ông một lần nữa đề xuất rằng “có cả ngàn lý do để cải thiện quan hệ Trung-Mỹ, và không có một lý do nào để hủy hoại quan hệ Trung-Mỹ”. Ông cho rằng lợi ích chung của Trung Quốc và Mỹ vượt xa sự khác biệt. Việc phục hồi sau đại dịch toàn cầu, ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết các vấn đề điểm nóng quốc tế và khu vực… đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác giữa hai nước. Là hai nước lớn, Trung Quốc và Mỹ nên xử lý tốt mối quan hệ của mình.
Về quan hệ kinh tế Mỹ – Trung: Biden “giảm rủi ro”; Tập Cận Bình phản đối “tách rời”
Chính quyền Tổng thống Biden vào năm ngoái đã đưa ra các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt xuất khẩu chip sang Trung Quốc, còn năm nay đã ký lệnh hành pháp hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc trong một số lĩnh vực công nghệ cao. Về quan hệ kinh tế giữa hai nước, ông Biden luôn nhấn mạnh đến việc giảm thiểu rủi ro, trong khi ông Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh rằng ông phản đối việc “tách rời” giữa phương Tây và Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo ngày 10/9 ở thủ đô Hà Nội của Việt Nam, ông Biden cũng đề cập đến các hạn chế xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ sang Trung Quốc, nhấn mạnh rằng Mỹ đang “loại bỏ rủi ro” chứ không phải là tách rời Trung Quốc. Ông nói: “Điều tôi không thể làm là, tôi không thể bán cho Trung Quốc những vật liệu giúp tăng cường khả năng của họ trong chế tạo thêm vũ khí hạt nhân, cũng không thể tham gia vào các hoạt động phòng thủ trái ngược với những gì hầu hết mọi người coi là những diễn biến tích cực trong khu vực. Như vậy không phải là chúng tôi đang làm tổn hại cho Trung Quốc”.
Tại cuộc họp báo này, ông Biden cũng nói về những khó khăn mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt. Ông cho hay Mỹ muốn thấy Trung Quốc thành công về mặt kinh tế, nhưng tiền đề là họ phải tuân thủ các quy tắc quốc tế. Ông nói: “Tôi nghĩ các vấn đề kinh tế hiện tại của Trung Quốc rất gay go vì nhiều lý do, bao gồm cả việc nền kinh tế quốc tế có phát triển hay không và các chính sách mà Trung Quốc theo đuổi. Nhưng tôi không nghĩ điều này sẽ dẫn đến việc Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Ngược lại, có thể họ [Trung Quốc] không còn những khả năng mà họ từng có. Nhưng như tôi đã nói, chúng tôi thực sự không cố gắng làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc làm tốt, nếu Trung Quốc làm tốt trong điều kiện tuân thủ các quy tắc quốc tế, tất cả chúng ta sẽ tốt hơn. Điều đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Tại một buổi gây quỹ tranh cử ở bang Utah ngày 10/8, ông Biden nói rằng Trung Quốc đang gặp khó khăn và có nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, giờ đây Trung Quốc giống như quả bom hẹn giờ.
Có lẽ vì những khó khăn mà nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải, ông Tập Cận Bình dường như bất bình với việc Mỹ và các nước phương Tây thực hiện chiến lược “giảm thiểu rủi ro” đối với Trung Quốc.
Tại Bắc Kinh ngày 6/4 năm nay, khi cùng Tổng thống Pháp Macron tham dự lễ bế mạc cuộc họp lần 5 của Ủy ban Doanh nhân Trung Quốc-Pháp, ông Tập Cận Bình cũng đã ám chỉ lên án Mỹ trong phát biểu, “Không có người chiến thắng trong trò chơi có tổng bằng 0. ‘Tách rời và đứt gãy’ không thể ngăn cản quá trình phát triển của Trung Quốc”.
Ngày 4/7 tại Bắc Kinh khi ông Tập Cận Bình tham dự trực tuyến cuộc họp của những người đứng đầu các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, ông một lần nữa phát biểu ám chỉ Mỹ và phương Tây “tách rời” Trung Quốc: “Trung Quốc… phản đối chủ nghĩa bảo hộ, các biện pháp trừng phạt đơn phương, tiêu cực hóa khái niệm an ninh quốc gia, Trung Quốc phản đối việc ‘xây các bức tường và rào cản’ cũng như ‘tách rời’”.
Một tháng sau, trong bài phát biểu tại lễ bế mạc Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS ở Johannesburg – Nam Phi, ông Tập Cận Bình lại ám chỉ Mỹ hợp lực với các đồng minh phương Tây để phát động một “chiến tranh lạnh mới” nhắm vào Trung Quốc, thúc đẩy trò chơi tổng bằng 0: “Thế giới ngày nay là một cộng đồng có tương lai chung, một bên hại là tất cả bị hại. Điều mà người dân tất cả các nước mong chờ không phải ‘chiến tranh lạnh mới’”. Ông Tập cũng cho hay, “Trung Quốc không có gen xưng vương xưng bá, cũng không thúc đẩy trò chơi cường quốc”.
Ngày 18/10 tại lễ khai mạc Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” khóa 3 được tổ chức tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng và nhắc lại việc phản đối “tách rời và đứt gãy”. Ông nói: “Sáng kiến Vành đai và Con đường… không tham gia vào đối đầu về ý thức hệ, cũng không có trò chơi địa chính trị hoặc thúc đẩy phe cánh đối đầu chính trị, Trung Quốc phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương, phản đối ép buộc kinh tế, cũng phản đối gây tách rời và đứt gãy”.
Điều đáng chú ý là về vấn đề Đài Loan mà Trung Quốc coi là lợi ích cốt lõi, khác với năm 2022 khi liên tục tuyên bố rõ quân đội Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan, một năm qua trong các bài phát biểu trước công chúng đã không thấy Tổng thống Biden đề cập Đài Loan, trong khi ông Tập Cận Bình cũng chỉ một lần nhắc đến Đài Loan tại Đại hội Nhân đại Trung Quốc đầu năm nay.
Từ khóa Tập Cận Bình Joe Biden APEC Dòng sự kiện mối quan hệ Mỹ - Trung