Trong bối cảnh tình hình căng thẳng khu vực ngày càng nhạy cảm, do những động thái leo thang của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Biển Đông và Đài Loan, hôm thứ Hai (18/11) Philippines ký thỏa thuận với Mỹ về chia sẻ thông tin tình báo quân sự, cho phép họ trao đổi bí mật theo thời gian thực.

Hai quan Uc
Ngày 7/4/2024, các tàu chiến của Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines tuần tra chung trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. (Nguồn: Hải quân Úc)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro đã ký thỏa thuận tại một buổi lễ ở Manila, đây là thỏa thuận quốc phòng cuối cùng được ký kết ở châu Á dưới thời chính quyền Tổng thống Biden.

Thỏa thuận này được gọi là Thỏa thuận bảo vệ tình báo quân sự Mỹ-Philippines (GSOMIA), sẽ giúp ​​hai nước chia sẻ thông tin quân sự một cách an toàn.

Theo thỏa thuận, cả hai nước phải báo cáo ngay lập tức mọi trường hợp rò rỉ thông tin bí mật được chia sẻ. Thỏa thuận cũng cho phép kiểm tra an ninh lẫn nhau và có thể được sửa đổi hoặc đình chỉ nếu cần thiết, nhưng không ấn định ngày kết thúc.

Thỏa thuận song phương được ký hôm thứ Hai đã hoàn thành cam kết mà hai nước đưa ra trong chuyến thăm của Austin tới Manila vào tháng Bảy năm nay, đó là hoàn tất việc ký kết thỏa thuận trước kết năm 2025.

Theo một tuyên bố chung được các quan chức ngoại giao và quốc phòng của cả hai nước đưa ra vào tháng Bảy, thỏa thuận này đặt nền tảng cho việc “tăng cường, mở rộng và chia sẻ kịp thời thông tin và công nghệ quốc phòng”.

Bộ trưởng Quốc phòng Teodoro của Philippines cho biết vào thời điểm đó rằng thỏa thuận giúp cho Philippines cách để đối phó với tình trạng tương lai “nhạy cảm”“khó lường”.

Mỹ đã ký thỏa thuận tương tự với các đồng minh lớn khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc và Nhật Bản.

Tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng

Philippines đã tích cực mở rộng quan hệ đối tác quốc phòng trong năm nay, trong bối cảnh xung đột ngày càng gia tăng với các tàu Trung Quốc ở Biển Đông.

Chỉ riêng trong năm nay, Philippines đã tiến hành 10 hoạt động hàng hải chung với các nước ủng hộ hoặc công nhận phán quyết về Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, tiêu biểu như với Úc, Nhật Bản, Việt Nam, Canada, Mỹ, Anh, Pháp…

Năm 2016, Tòa Trọng tài thường trực ở The Hague – Hà Lan đã đưa ra phán quyết nhất trí về tranh chấp Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, kết luận rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là không có căn cứ. Tuy nhiên, ĐCSTQ không tham gia trọng tài và từ chối công nhận phán quyết.

Mỹ và Philippines đã ký Hiệp ước phòng thủ chung vào năm 1951, theo đó nếu một trong hai bên bị tấn công thì có thể viện dẫn hiệp ước và thực hiện các hành động chung để ứng phó.

Cam kết an ninh giữa Mỹ và Philippines đã trở nên sâu sắc hơn dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Philippines Marcos Jr., khi cả hai nhà lãnh đạo đều nỗ lực chống lại các chính sách hung hăng của ĐCSTQ ở Biển Đông và xung quanh vấn đề Đài Loan.

Tháng Bảy năm nay, Mỹ cam kết hỗ trợ quân sự lên tới 500 triệu USD cho Philippines để tăng cường năng lực quân sự.

Trước đây, theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA), Philippines đã cho phép quân đội Mỹ đồn trú tăng thêm 4 căn cứ quân sự của Philippines, điều này giúp tăng cường đáng kể khả năng răn đe của quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Chuyến đi tới Manila này là chuyến thăm thứ tư của Austin tới Philippines kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng, cũng là chuyến thăm thứ 12 của ông tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong chuyến thăm, ông Austin cũng sẽ quan sát Hải quân Philippines trình diễn hoạt động của tàu mặt nước không người lái T-12 –phương tiện quân sự quan trọng mà Mỹ cung cấp cho Philippines để bảo vệ chủ quyền của Philippines ở Biển Đông.