Việc chính quyền Kiev kiên trì không thừa nhận trách nhiệm thảm sát Volhynia, trong đó 100.000 người dân Ba Lan bị quân Ukraine giết hại thời Đại Thế chiến II, đang làm “gia tăng căng thẳng” quan hệ hai nước, như trong bài của Politico cho đăng với tiêu đề “Quá khứ đẫm máu giữa Ba Lan và Ukraine che khuất liên minh chống-Nga của họ”. Cùng ngày Chủ Nhật, một bài xã luận rất dài được truyền thông Ukraine đăng, cho rằng hiện nay đang nổi lên cái mà tờ báo gọi là “luận điệu chống Ukraine” đang nổi lên ở phương Tây, và đó là “nguy hiểm đặc biệt” đối với Kiev, vốn đang sống dựa rất nhiều vào viện trợ.

ThamSatVolhynia
Thảm sát do chiến binh UPA (Quân nổi dậy Ukraine) cùng Đức Quốc Xã gây ra đối với nhân dân Ba Lan ở làng Lipniki, Volhynia, vào năm 1943 (nguồn ảnh Wikipedia)

Quan hệ căng thẳng

“Những người đã chết trong thảm sát của chiến tranh, và Vácsava, muốn Kiev thừa nhận trách nhiệm và cho phép khai quật và an táng những nạn nhân,” — tờ báo Châu Âu Politico

  • Tìm thấy mộ tập thể nạn nhân của Ukraine theo Đức Quốc xã Đại Thế chiến II — Tháng 10 năm ngoái, truyền thông đưa tin Ba Lan và Ukraine lại tìm thêm được một khu mộ tập thể, nằm trong cuộc thảm sát Volhynia (Volyn). Thảm sát này được xếp và loại “diệt chủng” hoặc “thanh lọc sắc tộc” nhắm vào người Ba Lan, quãng 1943 đến 1945, dẫn tới khoảng 100.000 người chết. Phía Ba Lan đã yêu cầu Ukraine cho phép khai quật, an táng, và làm lễ tưởng niệm những nạn nhân này.

“Ukraine sẽ không thể gia nhập EU… nếu việc này không được giải quyết,” tờ báo của Châu Âu, Politico, dẫn lời của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz nói vào tuần trước.

Ông lặp lại yêu cầu mà Ba Lan đã tuyên bố rất nhiều lần, là chính quyền Kiev phải thừa nhận tội ác mà quân nhân Ukraine đã gây ra cho Ba Lan vào Đại Thế chiến II, ít nhất, thể hiện ra rằng phải hợp tác với Ba Lan trong việc khai quật các hài cốt của người đã khuất và tổ chức các buổi lễ tương ứng.

“Việc khai quật phải được tiến hành, và lễ tưởng niệm cần được thực hiện,” ông nói.

Tờ báo cũng chỉ ra, hồi tháng trước, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng có yêu cầu tương tự: “Ukraine sẽ phải, bằng cách này hay cách khác, thỏa mãn nguyện vọng của [Ba Lan] chúng tôi… Ukraine sẽ không thể nào là thành viên của EU mà không có sự đồng ý của Ba Lan.”

Không chỉ Ba Lan bất mãn về quá khứ của chính quyền Kiev, mà Slovakia cũng lên tiếng về vấn đề này.

“Chúng ta đều nói về chủ nghĩa phát xít, Nazi, nhưng lại im lặng ngầm cho phép những đơn vị đang hoạt động ở Ukraine mà rõ ràng mang danh hiệu và có liên đới tới phong trào [phát xít] ấy, điều đã được nhìn nhận là nguy hiểm và phải bị cấm vào hôm nay,” Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói vào tuần trước, trong một sự kiện kỷ niệm diễn ra tại nơi từng là trại tập trung của phát xít thời Đại Thế chiến II ở Sered.

“Tôi tưởng niệm các nạn nhân, không phải chỉ là bằng lời chia buồn, mà tôi còn muốn có lời kêu gọi,” ông nói. “Các cộng đồng quốc tế nên nhận ra sự xuất hiện của các nhóm quân mang phù hiệu của Nazi, và cũng đang có các hành động tương tự [phát xít Nazi], lẽ ra là không được tham chiến ở Ukraine.”

Thảm sát do phát xít gây ra ở Volhynia ngày xưa và quan hệ với chính quyền Kiev ngày nay

Thời Đại Thế chiến II của thế kỷ trước, khi quân phát xít Đức quét ngang Châu Âu, một nhóm người dân ở vùng đất mà nay là Ukraine, đã phản lại Liên Xô để theo quân Đức. Nhóm chiến binh này được gọi là Quân nổi dậy Ukraine (UPA) dẫn dắt bởi Stepan Badera.

Khách quan mà nói, trong chiến tranh thì đạo lý “được làm vua, thua làm giặc” là điều có thể hiểu được. Vì sự tồn tại, hoặc vì lợi ích, mà đầu hàng, thì qua gần 100 năm rồi, việc đó không nên nhắc lại mãi. Chiến tranh và đau thương của Đại Thế chiến II là những gì nên để lại trong quá khứ. Như người phương Tây có câu “forgive and forget”.

Nhưng mà, vấn đề ở dây là do UPA đã tàn sát khoảng 100.000 người Ba Lan trong thảm sát Volhynia, và mãi cho đến tận hôm nay, chính quyền Kiev vẫn gây khó dễ trong hoạt động khai quật mộ tích và tổ chức tưởng niệm mà Ba Lan rất nhiều lần đề cập đến.

Tại sao chính quyền Kiev lại cố chấp đến như vậy về việc này?

Tuy rằng tờ báo Châu Âu Politico không giải thích một cách rõ ràng tại sao, nhưng mà, chúng ta có thể tìm được nguyên nhân, nếu tìm lại các báo cáo, cũng của truyền thông phương Tây, trong quá khứ, về nguồn gốc xuất xứ của giới lãnh đạo ở Kiev hôm nay.

  • Video tháng 4/2014 của BBC mang tên “Tại sao một số người Ukraine muốn trở thành một phần của nước Nga?”. Phóng viên BBC tới tận nơi, Donbass, để điều tra thực tế, sau khi đảo chính Maidan Kiev diễn ra, và các tỉnh phía Đông Ukraine (Donbass) phản lại chính quyền Kiev. Trong video, phút 7:52, nữ phóng viên tới thăm một gia đình nông dân. Cô nói rằng gia đình này xem cả chương trình TV của Nga và chương trình TV của Ukraine. Khi cô hỏi về lựa chọn của họ, Nga hay là Ukraine, thì họ bèn cho cô xem một đoạn video. Trong đó cả một trường học ở Kiev, hàng ngàn học sinh nhỏ tuổi, cỡ 11–15 tuổi, đồng thanh hô vang “Treo cổ người Nga lên! Treo cổ người Nga lên!” Như vậy câu trả lời đã quá rõ rồi. Trong gia đình nông dân này có thành viên là người gốc Nga, mà rất nhiều gia đình ở phía Đông Ukraine đều giống như thế, vậy thì họ còn lựa chọn nào khác không?

  • Một video, cũng do BBC công bố tháng 3/2014, viết “điều tra của BBC về liên quan giữa neo-Nazi (tân phát xít) và chính quyền Ukraine.” Phóng viên BBC tới tận trụ sở của nhóm hoạt động đứng sau các cuộc biểu tình ở Maidan Kiev, và gặp thủ lĩnh của họ, Yevhen Karas (cũng là người đứng đầu C14 (S14)). Trong video có thể thấy các biểu tượng của phát xít Đức xuất hiện các nơi trong phòng, nơi trước đây từng là một cơ sở của Liên Xô cộng sản:

Khi Mỹ và phương Tây đứng sau vụ đảo chính 2014 ở Kiev, trong xu thế của cách mạng màu đòi tự do dân chủ ở các quốc gia hậu cộng sản, họ đã nâng đỡ những người mang tư tưởng chống Nga lên nắm chính quyền.

Qua rất nhiều các báo cáo của chính phương Tây đưa ra, như 2 video của BBC nêu trên, có thể thấy được rằng nguyên nhân của vụ mâu thuẫn Ba Lan – Ukraine liên quan tới Thảm sát Volhynia, cái gốc của mâu thuẫn ấy đang diễn ra hôm nay, chính là nằm ở nguồn gốc xuất xứ của những người đang lãnh đạo Kiev.

Stamp of Ukraine Stepan Bandera 100 years
Tem bưu chính do Ukraine phát hành kỷ niệm 100 năm ngày sinh Stepan Bandera, người mà Kiev vinh danh là anh hùng dân tộc. (ảnh Wikipedia)

Lưu ý rằng chính quyền Kiev vinh danh Stepan Bandera là anh hùng dân tộc và tên của người này dược dùng để đặt tên cho đường phố. Trong khi đó, Ba Lan và cộng đồng quốc tế coi ông ta là tội phạm chiến tranh.

Truyền thông Ukraine cảnh báo về xu thế “chống Ukraine”

Cũng hôm Chủ Nhật 7/10, truyền thông Ukraine có bài xã luận rất dài, cảnh báo về một hiện tượng mà tờ báo ghi trong tiêu đề là “đặc biệt nguy hiểm đối với Ukraine”.

Luận điệu chống Ukraine đang trở thành nền tảng cho sự thành công của thế hệ các nhà lãnh đạo chính trị mới. Trong điều kiện Ukraine quá phụ thuộc vào viện trợ của phương Tây, điều đó đã trở thành đặc biệt nguy hiểm đối với Ukraine.” — phân tích trong xã luận của truyền thông Ukraine, 7/10/2024

Theo lập luận ngay từ đầu của bài xã luận, thì cái gọi là nguy cơ Donald Trump không phải là vấn đề duy nhất mà Kiev đang phải đối mặt về phương diện này, mà “làn sóng dân túy mới” đang nổi lên ở Châu Âu, cũng đồng dạng đáng lo ngại.

Tờ báo cho rằng, hiện nay phe cánh hữu, “các đảng dân túy”, đang liên tiếp đạt những thắng lợi ở Đức, Ba Lan, Ý, v.v. và điều này đã tạo thành uy hiếp với Ukraine. Tại sao?

Theo phân tích trong bài xã luận, những đảng phái “dân túy”, tựa như phe Trump ở Mỹ, cùng có chủ trương chú trọng an sinh của nhân dân bản thân chính nước họ, như vậy sẽ cắt giảm các khoản chi tiêu cho chiến tranh ở nước khác, trong đó có chiến tranh Ukraine. Hiện nay chính quyền Kiev đang sống dựa rất nhiều vào viện trợ của phương Tây, cho nên, sự lên ngôi của những đảng phái “dân túy” sẽ là uy hiếp đối với Kiev.

Bài báo thậm chí còn đưa ra khái niệm “hiệu ứng Trump” khi phân tích về phong trào “dân túy” xuất hiện hôm nay, so sánh nó với những lần từng xuất hiện trong các giai đoạn của lịch sử cận đại.

Tóm lại, theo tờ báo thì cốt lõi các khó khăn của Ukraine tất cả đều là tại nguyên nhân bên ngoài Ukraine, từ Mỹ cho đến Châu Âu.

Đoạn kết luận, bài báo cho rằng người Ukraine cần “thực sự tăng cường nỗ lực để giải thích” cho các quốc gia khác “rằng tại sao chiến thắng của Ukraine lại quan trọng đối với họ.”

Nhật Tân (t/h)