Tìm thấy mộ tập thể nạn nhân của Ukraine theo Đức Quốc xã Đại Thế chiến II
- Nhật Tân
- •
Thêm một mộ tập thể của “thảm sát Volyn” được tìm thấy. Sự kiện lịch sử khoảng 100.000 người Ba Lan bị giết bởi những người Ukraine theo Đức Quốc xã những năm 1943–1945.
Thảm sát Người Ba Lan ở Volyn và Đông Galicia —hay gọi tắt là “thảm sát Volyn”— là sự kiện lịch sử diễn ra từ năm 1943 đến 1945 trong thời Đại Thế chiến II của thế kỷ trước. Tại địa phương (năm đó thuộc Ba Lan, hôm nay một phần thuộc phía Tây Ukraine) đã diễn ra một loạt các đợt giết chóc, với số nạn nhân ước tính từ 60.000 tới 120.000, hầu hết là dân thường gồm cả phụ nữ và trẻ em, bởi những người Ukraine đi theo Đức Quốc xã.
Thảm sát này được xếp loại “diệt chủng” hoặc “thanh lọc sắc tộc” kiểu phát xít nhắm vào tộc người Ba Lan. Hiện nay, chính quyền Kiev coi những người Ukraine “chủ nghĩa dân tộc” hợp tác với Đức Quốc xã năm đó là anh hùng dân tộc, điều mà Ba Lan vẫn lên án cho đến nay.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo trên X (Twitter) hôm Thứ Sáu (27/10) rằng một hố chôn tập thể mới được tìm thấy gần thị trấn Puzhniki ở Vùng Ternopil của Ukraine, trong đó chứa đầy hài cốt người Ba Lan, nạn nhân của thảm sát Volyn năm đó.
Thông báo cho hay hoạt động khai quật và tìm kiếm vẫn còn đang trong quá trình tiếp diễn.
Theo đại diện văn phòng Thủ tướng Ba Lan Michal Dworczyk miêu tả trên X, phát hiện này được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa Ba Lan và Ukraine, bởi một nhóm gồm các chuyên gia từ Đại học Y Pomeranian và Viện Tưởng niệm Quốc gia Ba Lan, cũng như các nhà khảo cổ học Ukraine.
Ông viết rằng nhóm đã phải mất “bốn tháng tìm kiếm khó khăn” để xác định được khu chôn cất, và các hài cốt cho thấy người Ukraine “dùng rìu để tiết kiệm đạn” khi tàn sát nạn nhân.
Hoạt động mang tính khảo cổ và nhân đạo này đã được giới chức Ba Lan đề xướng và thúc đẩy. Vacsava đã yêu cầu và được chấp thuận bởi Kiev để tìm kiếm, khai quật, nghiên cứu, và sau đó sẽ chôn cất trang nghiêm các nạn nhân.
W byłej miejscowości Puźniki (rejon Czortków, obwód Tarnopolski na Ukrainie) specjaliści polscy i ukraińscy, po czterech miesiącach trudnych poszukiwań szczątków Polaków, ofiar ukraińskich nacjonalistów, odnaleźli zbiorowy dół, w którym w 1945 r. złożono ciała pomordowanych… pic.twitter.com/xDtKYzlaVA
— Michał Dworczyk (@michaldworczyk) October 27, 2023
“Tại thị trấn cũ Puzhniki (huyện Chortkow, tỉnh Ternopil ở Ukraine), các chuyên gia Ba Lan và Ukraine, sau 4 tháng tìm kiếm khó khăn, đã tìm thấy các hài cốt của những người Ba Lan, nạn nhân của những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine, trong một hố lớn chứa thi thể của những dân làng bị sát hại được lập ra vào năm 1945.
Theo các quy định hiện hành, các cơ quan hữu quan của Ukraine đã đồng ý yêu cầu khai quật, nghiên cứu, và sau đó chôn cất trang nghiêm [những nạn nhân người Ba Lan này].
Đây là trường hợp đầu tiên trong hơn 9 năm qua mà hài cốt của người Ba Lan, nạn nhân của những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine, được tìm thấy ở Ukraine.
Cuộc tìm kiếm được thực hiện bởi các chuyên gia (nhà khảo cổ học, nhà nhân chủng học) từ Cơ sở số liệu di truyền Ba Lan về nạn nhân của chủ nghĩa toàn trị — Đại học Y khoa Pomeranian, đại diện Viện Tưởng niệm Quốc gia, các nhà khảo cổ học Ukraine và tình nguyện viên Ba Lan từ Tổ chức Tự do và Dân chủ và Hiệp hội Hướng đạo Ba Lan.
[Trước đó] địa điểm tìm kiếm đã được Thủ tướng Mateusz Morawiecki đến thăm vào tháng 7 và nỗ lực tìm cách có được giấy phép phù hợp. Hoạt động này đã được Tổng thống [Ba Lan] Andrzej Duda, Thủ tướng Mateusz Morawiecki và Phó Thủ tướng Piotr Glinski ủng hộ.
Xin chúc mừng những người tổ chức cuộc tìm kiếm — Quỹ Tự do và Dân chủ!”
Những người “chủ nghĩa dân tộc” Ukraine hợp tác Đức Quốc xã thế kỷ trước đã trở thành anh hùng dân tộc của Ukraine như thế nào?
Trong Đại Thế chiến II, hàng triệu người Ukraine chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân Liên Xô chống Phát xít. Nhưng gần chục ngàn người Ukraine khác đã lựa chọn đứng về phía Đức và chiến đấu trong hàng ngũ sư đoàn Galicia, cũng gọi là sư đoàn số 14 thuộc Waffen-SS, một sư đoàn đặc biệt do Đức lập ra gồm những người lính tình nguyện Ukraine.
Theo lý giải của Oliver Stones trong bộ phim tài liệu “Ukraine on Fire” (2016) của mình, đó là vì vùng đất mà nay là quốc gia Ukraine nằm ở vị trí địa lý đặc biệt. Nó là nơi giao tranh của nhiều cuộc đại chiến trong lịch sử.
- Vấn đề phát xít ở Ukraine nhân vụ cựu chiến binh Hunka
- Ukraine thông báo tổ chức kỷ niệm nhân vật gây tranh cãi Ivan Mazepa ở Tu viện Kyiv
Nếu người Châu Á muốn chinh phục phương Tây, thì Ukraine cũng là điểm mà họ đi qua, như chiến tranh của người Mông Cổ. Dân “bản địa” của bán đảo Crimea hôm nay kỳ thực chính là người Thát Đát.
Nếu người Châu Âu muốn chinh phục phía Đông, thì Ukraine sẽ là điểm mà họ đi qua, như trong Đại Thế chiến II cũng không ngoại lệ. Thực tế hiện nay cho thấy, khi NATO mở rộng về phía Đông, thì Ukraine cũng nằm trên lộ tuyến ấy.
Khi mà bên cạnh là các cường quốc hùng mạnh, thì “nhiều giai đoạn lịch sử của Ukraine là được viết bởi người ngoài”, bộ phim bình luận.
Cho nên, người Ukraine phải biết cách lựa chọn phe trong mỗi lần diễn ra chiến tranh như vậy, bộ phim gọi đó là “nghệ thuật thay đổi phe” đặc thù của người Ukraine.
Theo giáo sư David Marples của Đại học Alberta, những người Ukraine năm đó lựa theo Phát xít Đức là vì họ bất mãn với sự cai trị của Liên Xô, họ kỳ vọng rằng người Đức sẽ giúp họ.
Những mang tư tưởng cực hữu, trong đó có nhóm của Stepan Bandera (OUN), còn được gọi là theo “chủ nghĩa dân tộc” ở Ukraine, là đại biểu của tư tưởng căm thù Liên Xô. Họ cho rằng lãnh đạo Liên Xô đã cố ý gây nên điều mà họ gọi là “Holodomor” ở Ukraine năm 1932–33, nguyên nhân dẫn đến khoảng 5 triệu người Ukraine thiệt mạng (Nga bác bỏ cáo buộc này, nói rằng nạn đói năm đó đồng dạng cũng khiến rất nhiều người Nga thiệt mạng).
Theo giáo sư David Marples của Đại học Alberta, phong trào hệ tư tưởng cực hữu có từ những năm 1930 đã lan ra ở hầu hết các nước Châu Âu vào thời đó, trong đó gồm vùng đất mà nay là nước Ukraine. Chủ nghĩa phát xít của Đức Quốc xã cũng được hình thành trong giai đoạn lịch sử này.
Trong xã hội Ukraine hiện đại —đặc biệt là kể từ sau sự kiện Euromaidan năm 2014, cuộc đảo chính mà phương Tây miêu tả là phong trào dân chủ chống Nga— những người thù hận Nga lên ngôi và nắm quyền ở Kiev, và các nhân vật chống Nga trong lịch sử như Stepan Bandera (thời Đại Thế chiến II) hay Ivan Mazepa (thời Pyotr Đại đế) được vinh danh là anh hùng dân tộc, được đặt tên cho đường phố.
Theo nhận thức chung của quốc tế, thì Stepan Bandera là phản bội Liên Xô để theo Đức Quốc xã xâm lược, và Ivan Mazepa là phản bội Đế chế Nga để theo quân Thụy Điển xâm lược.
Quan hệ Ba Lan và Ukraine
Thủ tướng Ba Lan Morawiecki đã đến thăm khu vực tìm kiếm vào tháng 7 và kêu gọi chính quyền Kiev hợp tác để tìm kiếm “sự thật về vụ thảm sát Volyn.” Các vấn đề liên quan đến vụ thảm sát lâu nay vẫn được Ba Lan đặt ra khi nói chuyện với Ukraine, như là “cầu nối tới tương lai” cho quan hệ Vacsava – Kiev, theo cách nói của thủ tướng.
Kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2/2022, theo “hoạt động quân sự đặc biệt”, thì Ba Lan, một thành viên của NATO, đã trở thành một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Kiev trong chiến tranh.
Nhưng bên cạnh quan hệ đồng minh hảo hợp ấy, thì vẫn còn một vài chỗ chưa được hài hòa lắm. Vấn đề thảm kịch từ thời Đại Thế chiến II là một trong số đó.
Kỳ thực, Đại Thế chiến II đã kết thúc từ lâu, và các quan hệ quá khứ lẽ ra nên thuộc về quá khứ. Nhưng chính vì chính quyền Kiev vẫn tiếp tục tôn vinh các “anh hùng dân tộc” thời đó, những người mà Ba Lan coi là tội phạm chiến tranh, cho nên vấn đề này vẫn là không giải quyết triệt để được.
Ví như vừa mới tháng trước, Đại sứ Ba Lan tại Ukraine, Bartosz Cichocki, lại một lần nữa chỉ trích chính sách của Kiev tôn vinh những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine thời Đại Thế chiến II, và nhắc lại tội ác giết người hàng loạt nhằm vào người Ba Lan.
Kiev nên cho phép Vacsava khai quật người chết thay vì tôn vinh những người đã giết họ, Cichocki nói với BBC vào thời điểm đó.
Tội ác trong thảm sát Volyn, là có sự tham gia của Quân đội nổi dậy Ukraine (UPA) — một tổ chức quân sự của Tổ chức bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraina (OUN), vốn được biết đến với hệ tư tưởng bài Do Thái cực đoan.
UPA cũng hỗ trợ quân đội Đức Quốc xã tiêu diệt người Do Thái trên lãnh thổ Ukraine nhiều lần trong thời gian Đức Quốc xã chiếm đóng các khu vực đó.
Đại sứ Ba Lan chỉ trích Ukraine về việc tưởng niệm những người cộng tác với Đức Quốc xã trong Đại Thế chiến II.
Trước đó, vào tháng 5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan, Lukasz Jasina, đã kêu gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xin lỗi về vụ thảm sát Volyn. Ông nói rằng vấn đề này có tầm quan trọng đối với Vacsava đến mức nó phải được giải quyết ở mức cao nhất.
Đáp trả lúc bấy giờ, Kiev chỉ trích Vacsava về cái mà họ gọi là chỉ đạo cả Ukraine, mô tả những lời kêu gọi như vậy là “không thể chấp nhận được và thật đáng tiếc.”
Lần tìm kiếm và phát hiện ra hố chôn tập thể này, có thể sẽ lại một lần nữa dẫn tới các câu chuyện ngoại giao giữa hai nước, khi mà sự việc vẫn còn đang trong quá trình tiếp diễn. Tính đến nay, Kiev đã phối hợp theo yêu cầu của Vacsava trong giai đoạn tìm kiếm và khai quật.
Nhật Tân
Từ khóa Đức quốc xã Ba Lan Chủ nghĩa dân tộc quan hệ Ba Lan - Ukraine Thảm sát Volyn Ukraine