Các quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại về quyết định của Nauru, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để ủng hộ Trung Quốc, sau khi cử tri Đài Loan bầu ra tổng thống và cơ quan lập pháp mới.

DLNew Project
Dân biểu Mario Díaz-Balart (Đảng Cộng hoà, ​​Florida) phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp kín hàng tuần của họ tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ. (Nguồn ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết trong một tuyên bố vào ngày 15/1: “Mặc dù hành động cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan của Chính phủ Nauru vào ngày 15 tháng 1 là một quyết định mang tính chủ quyền, nhưng đó vẫn là một quyết định đáng thất vọng”.

“Đài Loan là một đối tác đáng tin cậy, có cùng chí hướng và dân chủ. Trung Quốc thường đưa ra những lời hứa để đổi lấy quan hệ ngoại giao nhưng cuối cùng vẫn không thực hiện được”, ông Miller nói thêm. 

“Chúng tôi khuyến khích tất cả các nước mở rộng hợp tác với Đài Loan và tiếp tục ủng hộ nền dân chủ, quản trị tốt, minh bạch và tuân thủ pháp quyền này”.

Theo ông Euan Graham, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, thời điểm đưa ra quyết định của Nauru ngay sau cuộc bầu cử ở Đài Loan được nhiều người cho là đã được tính toán cẩn thận, với dấu vết của Bắc Kinh ở khắp nơi” trong quá trình chuyển đổi ngoại giao.

Trích dẫn các nguồn tin giấu tên, Thông tấn xã Trung ương do chính phủ Đài Loan điều hành hôm thứ Hai (15/1) đưa tin rằng chính quyền Trung Quốc đã đưa ra những hứa hẹn tài chính không xác định với Nauru sau khi Đài Loan không đáp ứng yêu cầu viện trợ khoảng 80 triệu USD cho đồng minh này.

Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chỉ trích các quốc gia chúc mừng tân tổng thống Đài Loan – ông Lại Thanh Đức của Đảng Dân Tiến (DDP) cầm quyền. Chế độ cộng sản không thích Đảng Dân Tiến và coi chương trình nghị sự của đảng này là rào cản cho tham vọng chiếm giữ hòn đảo.

DDP đã nắm quyền từ năm 2016, khi Tổng thống Thái Anh Văn chiến thắng nhiệm kỳ đầu tiên và tiếp tục nhiệm kỳ tiếp theo. Trong 8 năm, Đài Loan đã mất 10 đồng minh ngoại giao, trong đó có Panama, Cộng hòa Dominica, El Salvador, Quần đảo Solomon, Nicaragua, Honduras và Nauru.

Hiện nay, Đài Loan còn lại 12 đồng minh ngoại giao, trong đó có Eswatini, Haiti, Paraguay và Tòa thánh Vatican.

Ông Miller nói: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường và mở rộng quan hệ với Đài Loan dựa trên nhiều lợi ích và giá trị chung, ủng hộ sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào cộng đồng quốc tế và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế, nhất quán với chính sách lâu đời của Hoa Kỳ là một Trung Quốc”.

Hoa Kỳ từ lâu đã thực hiện chính sách “Một Trung Quốc”, khẳng định chỉ có một quốc gia có chủ quyền mang tên “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, nhưng điều đó khác với nguyên tắc “Một Trung Quốc” mà chính quyền Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với Đài Loan. 

Mặc dù Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, nhưng Hoa Kỳ bị ràng buộc bởi các thỏa thuận pháp lý để cung cấp cho đảo quốc này những vũ khí cần thiết để tự vệ, bao gồm cả chống lại Trung Quốc.

ĐCSTQ ‘bóp méo’ nghị quyết của LHQ

Bà Laura Rosenberger, chủ tịch Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) – trên thực tế là Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Đài Bắc – đã đến Đài Loan vào ngày 14 tháng 1 cùng với một phái đoàn Hoa Kỳ. Hôm thứ Hai (15/1), bà đã gặp bà Thái, ông Lại và một số nhà lãnh đạo chính trị khác ở Đài Loan.

Bà Rosenberger đã tổ chức một cuộc họp báo tại Đài Loan vào ngày 16/1, trong đó bà nói rằng việc Nauru thay đổi lòng trung thành ngoại giao là “đáng thất vọng”. Bà cũng bác bỏ lý do Nauru sử dụng Nghị quyết 2758 của Liên Hợp Quốc (LHQ) làm cơ sở để chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

“Nghị quyết 2758 không đưa ra quyết định về tình trạng của Đài Loan; không ngăn cản các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan; và không loại trừ sự tham gia của Đài Loan vào hệ thống Liên Hợp Quốc”, bà Rosenberger nói.

“Thật đáng thất vọng khi thấy nghị quyết 2758 của Liên Hợp Quốc bị sử dụng như một công cụ để gây áp lực với Đài Loan, hạn chế tiếng nói của nước này trên trường quốc tế và ảnh hưởng đến các mối quan hệ ngoại giao của nước này”,  Rosenberger nói thêm. 

Năm 2022, Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo nêu chi tiết việc Trung Quốc bóp méo ý nghĩa và bối cảnh của Nghị quyết 2758 để khẳng định chủ quyền đối với Đài Loan. 

Báo cáo cho biết: “Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa đã nỗ lực ‘quốc tế hóa’ Nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’ của mình và kết hợp nó với Nghị quyết 2758 của Liên Hợp Quốc, một thay đổi mang tính bóp méo so với mục đích ban đầu của nghị quyết này”.

“Chúng tôi có mối quan hệ không chính thức mạnh mẽ với Đài Loan, một nền dân chủ sôi động và nền kinh tế hàng đầu trong khu vực. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với Đài Loan dựa trên những lợi ích và giá trị chung”, bà Rosenberger nói.

Việc Đài Loan bị loại khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là một ví dụ nổi bật về việc Bắc Kinh hạn chế sự hiện diện quốc tế của hòn đảo này.

Hai nhà lập pháp Hạ viện Hoa Kỳ đã đăng trên mạng xã hội X, vào thứ Hai (15/1) nhằm chỉ trích chế độ Trung Quốc về quyết định của Nauru.

Dân biểu Carlos Giménez (Đảng Cộng hoà, ​​Florida), thành viên Ủy ban lựa chọn Hạ viện về ĐCSTQ viết:

“Chế độ Cộng sản sát nhân ở Bắc Kinh vừa bắt nạt quốc đảo nhỏ bé Nauru ở Thái Bình Dương để cắt đứt quan hệ với những người dân yêu tự do của Đài Loan”.

“Sự cưỡng chế thảm hại này sẽ không thoát khỏi sự giám sát của Quốc hội Hoa Kỳ! Chúng tôi sát cánh cùng Đài Loan!”

Dân biểu Mario Díaz-Balart (Đảng Cộng hoà, ​​Florida) viết: “Nauru cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Bắc là một ví dụ rõ ràng về chiến thuật cưỡng bức của Bắc Kinh. Bất chấp sự đe dọa của Trung Quốc, cam kết của Đài Loan về bầu cử tự do và dân chủ chứng tỏ họ sẽ không bị đe dọa bởi những lời dọa nạt của Trung Quốc”.

Anh Nguyễn, theo ET