Quân đội Mỹ có khả năng gì để vô hiệu tàu sân bay Phúc Kiến của ĐCSTQ?
- Ngô Úy
- •
Gần đây, tàu sân bay thứ ba mang tên “Phúc Kiến” của Hải quân Trung Quốc cuối cùng đã được hạ thủy. Quân đội Mỹ có khả năng gì để vô hiệu chiếc tàu sân bay này?
Giới chức Trung Quốc khoe rằng tàu sân bay Phúc Kiến được đóng bằng công nghệ mới nhất, được cho là bao gồm cùng loại máy phóng điện từ mà Hải quân Mỹ sử dụng trên tàu sân bay lớp Ford mới nhất của Mỹ là Gerald R. Ford.
Tuy việc hạ thủy tàu Phúc Kiến với nhiều phô trương, rõ ràng là thông điệp cho thấy Bắc Kinh muốn cảnh báo tới các đối thủ, nhưng giới chuyên gia Mỹ cho biết trước mắt không nên quá thổi phồng vấn đề.
Carl Schuster, cựu Đại tá Hải quân Mỹ và là cựu Giám đốc Trung tâm Tình báo Liên hợp của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nói với CNN rằng có thể phải mất 3-4 năm nữa tàu Phúc Kiến mới đi vào hoạt động. Nhưng dù con tàu đó đi vào hoạt động thì kích thước to lớn sẽ khiến nó dễ dàng trở thành mục tiêu, vì mọi địch thủ đều nhận thức sâu sắc việc đánh chìm một con tàu mang tính biểu tượng như vậy sẽ gây tổn hại đến tinh thần của Trung Quốc như một thảm họa quân sự.
Trang web về quân sự và văn hóa nghệ thuật Taskandpurpose (Mỹ) gần đây đưa tin, ngay cả khi tàu sân bay Phúc Kiến được trang bị tối tân nhất cũng sẽ không giúp nó miễn nhiễm với các cuộc tấn công từ trên và dưới mặt nước. Người Nga đã học được bài học từ việc soái hạm của Hạm đội Biển Đen là tàu tuần dương Moskva bị chìm sau khi trúng hai tên lửa chống hạm Neptune của Ukraine.
Chuyên gia: Mỹ không khó khăn để vô hiệu tàu Phúc Kiến
Nói với trang Taskandpurpose, cựu quân nhân Dakota Wood là chuyên gia quốc phòng thuộc Tổ chức Di sản (Heritage Foundation) hướng bảo thủ ở Washington, D.C., cho rằng quân đội Mỹ có thể tiêu diệt tàu Phúc Kiến dễ dàng, trừ khi con tàu đó được bí mật trang bị “siêu vũ khí phòng thủ”, các tàu hải quân khác của Trung Quốc cũng vậy, đều rất dễ bị quân đội Mỹ tấn công.
Ông Wood nói: “Một tàu sân bay mới hay cũ thì suy cho cùng nó vẫn là tàu sân bay, chỉ là con tàu nổi hiện hữu nên sẽ dễ dàng thành mục tiêu của tàu ngầm hoặc máy bay tuần tra hàng hải với tên lửa hành trình chống hạm”.
Tên lửa chống hạm Harpoon của Hải quân Mỹ là một tên lửa hành trình lướt sóng ở độ cao thấp, được dẫn đường bởi hệ thống định vị toàn cầu, có thể được phóng bởi tàu chiến hoặc máy bay chiến đấu của lực lượng hàng không hoặc không quân của hải quân. Cả Mỹ và Đan Mạch đã cung cấp cho Ukraine tên lửa Harpoon mà phía Ukraine tuyên bố đã sử dụng để đánh chìm tàu tiếp tế của quân đội Nga ở vùng biển gần Đảo Rắn trên Biển Đen.
Năm ngoái, hãng Boeing đã giành được hợp đồng trị giá 73 triệu USD để lắp đặt tên lửa chống hạm tầm xa trên máy bay tuần tra “thần biển” P-8A của Hải quân Mỹ. Hãng cho biết có thể bắn trúng mục tiêu cách xa hàng trăm dặm. Ngoài ra, Hải quân Mỹ đã lắp đặt tên lửa hành trình trên nhiều tàu chiến đấu ven biển độc lập, có thể mang đầu đạn nặng 500 pound và có tầm bắn hơn 100 hải lý.
Quân đội Mỹ có thể làm tê liệt hoạt động của tàu sân bay Trung Quốc
Nói với trang Taskandpurpose, Đại úy Hải quân đã nghỉ hưu Jan van Tol, một chuyên gia về tác chiến hải quân tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Đánh giá Ngân sách ở Washington, D.C., cho rằng tên lửa hành trình của Mỹ có thể khiến tàu sân bay đối phương tê liệt bằng cách tiêu diệt máy bay trên sàn đáp của tàu sân bay, khiến nó mất hiệu quả chiến đấu, chiến thuật này gọi là “nhiệm vụ sát thương”.
Ông Van Tol cho biết tàu ngầm hiệu quả hơn nhiều khi chống lại tàu sân bay và các tàu nổi khác, và chúng không chỉ vô hiệu hóa những tàu địch này. Ông nói: “Ngư lôi dưới nước có thể gây hư hại rất nghiêm trọng cho thân tàu. Ví dụ ngư lôi có thể làm nổ mạn những con tàu có kích thước như tàu khu trục hoặc tàu tuần dương. Ngư lôi và thủy lôi là sát thủ tối kỵ của tàu”.
Trong Chiến tranh Falklands năm 1982, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân HMS Conqueror của Anh đã phóng ngư lôi vào tàu tuần dương hạng nhẹ ARA Belgrano mà Argentina đã mua của Mỹ, trong khi một tàu ngầm khác của Anh đã theo dõi một tàu sân bay của Argentina nhưng không đánh chìm nó.
Trong khi người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Todd Breasseale từ chối cho biết chính xác quân đội Mỹ có thể sử dụng phương tiện gì để đánh chìm tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc. “Chúng tôi không bình luận về các hoạt động quân sự hoặc các vấn đề tình báo”, ông Breasseale nói với Taskandpurpose. “Như Bộ trưởng Quốc phòng đã nhiều lần chỉ ra (cuộc gặp gần đây nhất giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng là tại một cuộc họp song phương ở Shangri-La, Singapore), cạnh tranh không nhất thiết dẫn đến xung đột. Đó là lý do tại sao chúng tôi ưu tiên làm thế nào để giảm nguy cơ xung đột chiến lược trong tương lai và tăng cường đối thoại trong thời gian khủng hoảng”.
Truyền thông Ấn Độ đặt câu hỏi về nguồn điện của hệ thống máy phóng điện trên tàu Phúc Kiến
Tàu USS Ford sử dụng công nghệ máy phóng điện từ đi vào hoạt động năm 2017, nhưng cho đến cuối năm ngoái mới có được đủ khả năng chiến đấu ban đầu. Ford đã gặp phải một số vấn đề trong quá trình bảo dưỡng, bao gồm cả vấn đề với máy phóng điện từ.
Đáng lưu ý là USS Ford là tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi tàu Phúc Kiến giống như tàu INS Vikramaditya của Ấn Độ, là tàu chiến chạy bằng hơi nước nên cần nhiều năng lượng dự trữ hơn. Phóng điện từ đòi hỏi rất nhiều năng lượng tại thời điểm máy bay chiến đấu cất cánh, còn tàu Phúc Kiến ước tính có thể mang theo 50 máy bay chiến đấu các loại, như vậy làm sao có đủ lượng năng lượng lớn cần thiết cho việc cất cánh và hạ cánh ở tần suất cao? Đây là câu hỏi của các nhà hoạch định Hải quân Ấn Độ. Thời báo Ấn Độ Hindustan đưa tin, chuyên gia Hải quân Ấn Độ muốn biết làm thế nào tàu Phúc Kiến có thể sử dụng năng lượng hơi nước để vận hành phóng điện từ?
Bài viết cũng đề cập rằng ngay cả nước đi trước rất nhiều về công nghệ như Mỹ cũng đã gặp phải nhiều vấn đề khác nhau với hệ thống máy phóng điện từ trên USS Ford, như vậy hệ thống máy phóng điện từ của tàu Phúc Kiến đã được thử nghiệm như thế nào?
Bài viết cũng đặt câu hỏi về khả năng vận hành hàng không mẫu hạm của Trung Quốc. Hải quân Mỹ đã có 100 năm kinh nghiệm hoạt động đối với tàu sân bay mà vẫn đang phải vật lộn để ứng phó với công nghệ mới trên tàu USS Gerald Ford. Ấn Độ đã vận hành hàng không mẫu hạm từ năm 1961, nhưng Trung Quốc mới chỉ đưa vào hoạt động hàng không mẫu hạm đầu tiên vào năm 2012. Khác máy bay chiến đấu cất cánh từ căn cứ không quân trên bộ dễ dàng hơn khi thao tác, hàng không hải quân cần phải có kỹ năng tác chiến tối cao, phi công bay trên vùng nước xanh vô tận rất dễ bị mất phương hướng; máy bay chiến đấu hạ cánh trên tàu sân bay trong điều kiện sóng gió cũng đòi hỏi kỹ năng tác chiến và tính cơ động rất cao.
Từ khóa Hải quân Mỹ Tàu sân bay Hải quân Trung Quốc tên lửa chống hạm Harpoon Tàu sân bay Phúc Kiến