Samsung, Apple tiếp tục rút khỏi Trung Quốc
- Mộc Lan
- •
Mới đây, công ty Samsung Electronics Hàn Quốc thông báo, trong năm nay Samsung sẽ chuyển hầu hết các dây chuyền sản xuất màn hình từ Trung Quốc đến Việt Nam. Đây là sự ra đi quy mô lớn lần nữa của Samsung sau đợt rút dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh khỏi Trung Quốc vào năm ngoái. Bên cạnh đó, Apple cũng đã quyết định di dời dây chuyền lắp ráp iPhone SE (2020) từ Trung Quốc sang Ấn Độ.
Ngày 19/6, Báo Tuổi trẻ cho biết, Công ty điện tử Samsung Vina chính thức công bố trên website việc di dời phần lớn dây chuyền sản phẩm màn hình máy tính thương hiệu Samsung từ nước ngoài về nhà máy Samsung HCMC CE Complex (SEHC) tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Việc di dời sẽ diễn ra ngay trong năm nay.
Sự thay đổi dây chuyền sản xuất này liên quan đến hàng chục sản phẩm màn hình thương hiệu Samsung. Khi đó, Việt Nam sẽ trở thành nơi cung cấp hàng đầu, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng Samsung toàn cầu.
Đại diện Samsung cho biết việc chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng sẽ giúp cho người tiêu dùng Việt Nam có được những sản phẩm màn hình máy tính mới nhất và nhanh nhất so với các thị trường khác.
Nhà máy của Samsung tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SEHC) đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, đến nay có khoảng 6.000 công nhân. Hiện tại, Samsung Display có sáu nhà máy và hai trung tâm nghiên cứu phát triển tại Việt Nam, một dây chuyền sản xuất tại Hàn Quốc và một dây chuyền sản xuất ở Tô Châu, Trung Quốc.
Chính sách này của Samsung được cho là hoạt động tháo chạy quy mô lớn lần thứ hai thoát khỏi Trung Quốc. Năm 2019, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, Samsung Electronics đã gây nên cú sốc khi dời dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh sang Ấn Độ và Việt Nam, đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại thông minh ở Huệ Châu – Quảng Đông, khu vực trở nên hoang vắng như một thị trấn ma vào ban đêm vì hầu hết ngôi nhà đều trống không.
Cũng nhờ điều này, dịch viêm phổi Vũ Hán năm nay không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh điện thoại của Samsung. Trong khi hai hãng Huawei và Apple đồng loạt giảm giá, doanh thu Samsung đạt mức cao nhất trong vòng sáu năm trở lại đây. Theo báo cáo của tổ chức theo dõi thị trường Counterpoint Research công bố ngày 16/6, Samsung Electronics đã giành lại vị trí dẫn đầu tại thị trường điện thoại thông minh Đông Nam Á trong Quý I/2020.
Từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung năm ngoái cho đến đại dịch viêm phổi Vũ Hán năm nay, Đông Nam Á đang trở thành một lựa chọn phổ biến cho các công ty đa quốc gia sau khi họ rút khỏi Trung Quốc. Tháng 5/2020, Apple đã quyết định chuyển một phần dây chuyền sản xuất AirPods từ Trung Quốc sang Việt Nam. Dự kiến trong quý II năm nay, số lượng tai nghe AirPods tại Việt Nam sẽ đạt 3 – 4 triệu chiếc, chiếm 30% sản lượng AirPods toàn cầu.
Google cũng đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất điện thoại Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam, đồng thời lên kế hoạch lắp ráp và sản xuất các dòng điện thoại Pixel 4A và Pixel 5 ra mắt tại Việt Nam trong năm nay.
Apple sẽ lắp ráp iPhone SE thế hệ thứ hai tại Ấn Độ
Apple sở hữu chuỗi cung ứng phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, do vậy không tránh khỏi tổn thương trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Apple đã quyết định di dời dây chuyển lắp ráp iPhone SE (2020) từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Doanh số iPhone tại Ấn Độ đang tiếp tục tăng lên.
Trang web AppleInsider nhấn mạnh, quyết định lắp ráp iPhone SE (2020) tại Ấn Độ là một quyết định sáng suốt giúp giảm thiểu thuế quan nhập khẩu nếu phải sản xuất tại Trung Quốc đưa về bán tại thị trường trong nước.
Apple đã ra thông báo cho ít nhất một nhà cung cấp tại Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 7/2020, họ sẽ chuyển các bộ phận linh kiện cho mẫu điện thoại thông minh này đến nhà máy Wistron ở Ấn Độ.
Hiện cả Apple và Wistron đều không bình luận về vấn đề này.
Từ đầu năm đến nay, doanh số iPhone tại thị trường Ấn Độ gia tăng đáng kể, quý đầu tiên tăng 78%, chủ yếu nhờ iPhone 11. Sau khi dòng iPhone SE (2020) được ra mắt, sẽ tạo điều kiện doanh số tiếp tục gia tăng.
Apple quyết định lắp ráp iPhone SE (2020) tại Ấn Độ vào tháng 4/2020. Các dòng iPhone SE (2020) hiện đang được bày bán tại thị trường này chủ yếu được sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc trước đó.
Chỉ hai tuần trước khi Apple công bố quyết định trên, chính phủ Ấn Độ đã công bố Kế hoạch Khuyến khích Sản xuất (PLI), nhằm thu hút các thương hiệu điện thoại thông minh toàn cầu vào lắp ráp và sản xuất tại Ấn Độ. Hai nhà máy sản xuất lớn của Apple là Wistron và Foxconn, đã tăng cường đầu tư vào Ấn Độ, nhưng Foxconn không tham gia sản xuất iPhone SE ở Ấn Độ.
Năm 2017, Apple bắt đầu tăng cường sản xuất điện thoại di động tại Ấn Độ. Năm 2019, Ấn Độ tiếp tục mở rộng quy mô, bắt đầu sản xuất dòng iPhone XR.
Tháng 5/2020, các quan chức Ấn Độ cho biết, Apple dự kiến sẽ chuyển 1/5 sản lượng hiện tại ở Trung Quốc sang Ấn Độ, tương đương với việc tạo ra 40 tỷ đô la doanh thu ở Ấn Độ trong năm năm tới và có thể biến Ấn Độ trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất của Apple.
Từ cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ năm ngoái cho đến dịch bệnh bùng phát hiện tại, Apple đang đẩy nhanh việc phân cấp các dây chuyền sản xuất để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Kể từ tháng Ba năm nay, đã có báo cáo rằng Apple sẽ chuyển dây chuyền sản xuất AirPods từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nhà cung cấp Hon Hai, Pegatron, Compal, Inventec, Lixun Precision… cũng đã chuyển nhà máy của họ sang Đông Nam Á. Chẳng hạn, Luxun Precision lên kế hoạch tuyển dụng ít nhất 60.000 nhân viên tại Việt Nam.
Mộc Lan (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Apple samsung công ty rời trung quốc