Sau khi dùng bạo lực chặn viện trợ, Maduro đối mặt ‘bao vây ngoại giao’
- Xuân Thành
- •
Trong ngày thứ Bảy (23/2), Tổng thống Nicolas Maduro đã dùng quân đội ngăn chặn thành công nỗ lực đưa hàng viện trợ vào Venezuela của phe đối lập. Ít nhất ba người chết và hàng trăm người bị thương sau các vụ đụng độ với binh lính trung thành với Maduro. Sau tình huống này, các lãnh đạo khu vực nói rằng ông Maduro sẽ phải đối mặt với các chế tài mới. Brazil lên án hành động của chính quyền Maduro là tội phạm và kêu gọi các đồng minh hãy tham gia vào “nỗ lực giải phóng” Venezuela.
Binh lính Brazil phong tỏa đường biên giới Brazil-Venezuela, tại Pacaraima, bang Roraima, Brazil vào ngày 24/2/2019. (Ảnh: Nelson Almeida / AFP)
Theo ghi nhận của Reuters và truyền thông quốc tế hôm 23/2, quân đội trung thành với ông Maduro đã dùng bạo lực đẩy lùi được đoàn xe vận tải hàng viện trợ tìm cách vào Venezuela. Binh lính đã bắn hơi cay và đạn cao su vào đám đông người đi theo áp tải hàng viện trợ. Các vụ đụng độ khắp biên giới Venezuela đã khiến ít nhất ba thường dân bị chết gần biên giới Brazil và gần 300 người khác bị thương và ảnh hưởng sức khỏe do trúng hơi cay.
Tổng thống lâm thời Juan Guaido sau đó đã thúc giục các cường quốc nước ngoài hãy xem xét “tất cả các lựa chọn” trong việc lật đổ ông Maduro. Ông Guaido cũng thông báo sẽ tham gia hội nghị của nhóm Lima vào ngày 25/2, với sự góp mặt của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.
Một quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ hôm 24/2 cho biết tại hội nghị ở Bogota, Colombia, ông Pence sẽ thông báo “các bước cụ thể” và “các lựa chọn rõ ràng” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Venezuela.
“Những gì đã xảy ra hôm qua sẽ không ngăn được Mỹ đưa viện trợ nhân đạo vào Venezuela,” vị quan chức giấu tên nêu trên nói với Reuters.
Brazil là nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ và có tiếng nói ngoại giao mạnh mẽ trong khu vực. Trước đây, khi Đảng Công nhân cánh tả cầm quyền, Brazil là đồng minh thân cận của chính quyền Maduro. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Jair Bolsonaro theo đường lối bảo thủ lên cầm quyền vào năm nay, Brazil đã đồng thuận với Mỹ lên án mạnh mẽ ông Maduro và ủng hộ phe đối lập.
Bộ Ngoại giao Brazil hôm 24/2 đã phát đi tuyên bố cho biết: “Brazil kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt những nước còn chưa công nhận ông Juan Guaido là tổng thống lâm thời, hãy tham gia vào nỗ lực giải phóng Venezuela.”
Trong khi đó, Tổng thống Colombia Ivan Duque hôm 24/2 đăng tweet chỉ trích hành động của chính quyền Maduro hôm 23/2 là “vô đạo đức và bạo lực”. Ông Duque nói rằng hội nghị của nhóm Lima vào 25/2 sẽ thảo luận “cách thức thắt chặt bao vây ngoại giao lên kẻ độc tài của Venezuela.”
Đáp trả phản ứng của cộng đồng quốc tế, trong cuộc họp báo tại Caracas hôm 24/2, Bộ trưởng Thông tin Venezuela Jorge Rodriguez bày tỏ sự hả hê về thất bại của phe đối lập trong việc đưa hàng viện trợ nước ngoài vào Venezuela và miệt thị ông Guaido là “con rối và bao cao su đã qua sử dụng.” Ông Maduro cũng lặp lại tuyên bố ông Guaido đang tìm cách xúi giục một vụ đảo chính tại Venezuela do Mỹ đạo diễn.
Theo Reuters, Thượng nghị sĩ Mỹ Macro Rubio – một tiếng nói rất ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ đối với Venezuela – hôm 24/2 đã nói rằng bạo lực xảy ra hôm 23/2 đã “mở cửa cho nhiều hành động đa phương tiềm năng mà trước đó 24 giờ chưa được đưa lên bàn.”
Ông Rubio sau đó đã đăng lên Twitter nhắc lại việc Mỹ can thiệp vào Panama năm 1990 để bắt giữ nhà độc tài Manuel Noriega.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã từng lên tiếng nói rằng can thiệp quân sự vào Venezuela là “một lựa chọn”.
Hiện tại, ông Maduro vẫn nhận được sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc và một số chính phủ cánh tả khác. Bắc Kinh và Moscow có lợi ích trực tiếp tại Venezuela khi họ là chủ nợ và những nhà đầu tư lớn nhất vào đất nước thành viên OPEC trong hàng thập kỷ qua.
Retuers, dẫn thông tin từ phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc, cho biết Tổng thư ký Antonio Guterres hôm 24/2 đã kêu gọi “bằng mọi giá phải tránh bạo lực” và nói rằng các bên nên giảm mâu thuẫn và theo đuổi các nỗ lực ngăn chặn leo thang căng thẳng thêm nữa.
Xuân Thành
Từ khóa Venezuela Nicolas Maduro viện trợ nhân đạo Juan Guaidó