Sau vụ khinh khí cầu, các chuyên gia quân sự gia tăng cảnh báo về xung đột Mỹ-Trung
- Xuân Thành
- •
Sau khi quân đội Mỹ sử dụng chiến đấu cơ F22 bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay trên lãnh thổ Mỹ, nhiều chuyên gia quân sự gia tăng cảnh báo về một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hôm Chủ Nhật (5/2), Reuters đưa tin Mỹ đã bắn hạ một khinh khí cầu, bị nghi ngờ là thiết bị do thám của Trung Quốc, khi nó bay tới ngoài khơi bờ biển đông nam của đất nước hôm thứ Bảy (4/2).
Khinh khí cầu Trung Quốc được phát hiện ở vùng trời tiểu bang Montana từ đầu tuần trước. Chính quyền Biden phản ứng bằng việc tuyên bố hủy chuyến công du Trung Quốc đã lên kế hoạch của Ngoại trưởng Antony Blinken. Lầu Năm Góc ban đầu cho biết họ nhận được khuyến cáo không nên bắn hạ khinh khí cầu vì lo ngại mảnh vỡ của nó sẽ gây nguy hiểm cho người dân dưới mặt đất. Cuối cùng, quân đội Mỹ đã sử dụng phi cơ chiến đấu F22 để bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc khi nó bay tới ngoài khơi bờ biển Nam Carolina.
Phía Trung Quốc hôm 5/2 đã dấy lên đe dọa đáp trả. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay: “Trung Quốc sẽ quyết tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty [sở hữu khinh khí cầu phục vụ nghiên cứu dân sự], và bảo lưu quyền thực hiện các phản ứng tiếp theo nếu cần thiết”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói Bắc Kinh “cực kỳ thất vọng và phản đối vụ tấn công của Mỹ”. Cơ quan này cho rằng việc Mỹ bắn rơi khinh khí cầu “là hành động thái quá và vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế”.
Sự vụ khinh khí cầu đã khiến các chuyên gia quân sự Mỹ lo lắng về xảy ra xung đột Mỹ-Trung và khả năng thất thế của Mỹ.
Ông James Anderson, quyền thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump nói với Fox News: “Nói một cách đại thể và toàn diện, thật không may, Trung Quốc đã đang gia tăng đáng kể khả năng trên không, trên biển, không gian, mạng viễn thông và tên lửa trong hai thập kỷ qua”.
“Trong một số kịch bản có thể xảy ra, chúng ta có thể gặp bất lợi canh tranh ban đầu vì họ [Trung Quốc] có lợi thế sân nhà xét về khả năng huy động lực lượng địa phương nhanh chóng, và điều đó thực sự quan trọng đối với [quân đội Trung Quốc]”, ông Anderson nói.
Trong khi đó, ông Mark Cancian, cố vấn cao cấp của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế tuần trước đã nói với WJAR-TV rằng: “Mỹ chưa từng tham gia vào một cuộc xung đột nào như vậy kể từ năm 1945 và con số thương vong sẽ đến trong thời gian rất ngắn”. Ông cũng nói một cuộc xung đột vũ trang như thế “thực sự đòi hòi thay đổi văn hóa trong quân đội Mỹ”.
Chuyên gia Cancian lưu ý rằng một vấn đề là sản xuất công nghiệp của Mỹ đã trượt dốc trong vài thập kỷ gần đây. Nhiều công ty Mỹ và phương Tây trong những năm qua đã thuê ngoài sản xuất tại Trung Quốc và các quốc gia khác, đặc biệt là từ thời điểm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001.
“Điều đó chắc chắn là lo ngại thực sự. Các kho dữ trữ của chúng ta không lớn… khả năng gia tăng công nghiệp quốc phòng của chúng ta không mạnh, nên trong một cuộc xung đột vũ trang kéo dài, chúng ta sẽ gặp rủi ro hết đạn dược và vũ khí”, ông Cancian nói thêm.
Ông Heino Klinck, cố vấn cao cấp của Cục Quốc gia Nghiên cứu châu Á hôm 5/2 đã nói với Fox News rằng thật khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra.
“Có nhiều lĩnh vực họ [Trung Quốc] thống trị, và cũng có những lĩnh vực chúng ta thống trị, vậy nên không có đáp án chính xác khi so sánh táo với cam”, ông Klinck nói.
Chuyên gia từng đảm nhận vai trò thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á thời chính quyền Trump nói thêm rằng: “Trung Quốc tất nhiên có lợi thế địa chính trị khi họ chỉ cách Đài Loan 100 dặm, vậy nên đó là điều đòi hỏi [Mỹ] phải có phương án tiếp vận hiện đại”.
Dù vậy, chuyên gia James Anderson cũng chỉ ra bất lợi của Trung Quốc là họ chưa tiến hành một hoạt động quân sự lớn nào kể từ chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979. Trong khi đó, Mỹ đã đang cùng tham chiến vào nhiều cuộc xung đột vũ trang kể từ khi kết thúc Thế chiến II.
Xuân Thành