Cho tới thứ Sáu 8/9 (giờ Mỹ), siêu bão Irma đang di chuyển gần tới Cuba và Bahamas, và hướng về bang Florida, Hoa Kỳ. Trước đó, trên đường quét qua các quần đảo tại vùng biển Caribbean, bão Irma đã khiến 21 người thiệt mạng, phá hủy tan hoang phần lớn cảnh quan, công trình dân sinh tại đây.

Bão Irma tàn phá đảo St Martin thuộc Pháp

Trung tâm Bão Quốc gia Hoa Kỳ (NHC) dự báo rằng bão Irma sẽ tới miền nam Florida vào sáng Chủ Nhật (10/9), với sức gió cực mạnh, gây mưa lớn và lũ lụt trên diện rộng. NHC nói rằng cơn bão này có thể sẽ lấy lại sức gió ở mức 258km/giờ, duy trì ở cấp 5 khi đổ bộ vào Florida, bang có dân số lớn thứ tư nước Mỹ.

Giới chức Florida đang tổ chức đợt di tản dân chúng lớn nhất trong lịch sử, các đường cao tốc đông nghẹt người và các trạm xăng rơi vào tình trạng cạn kiệt nhiên liệu.

Với việc bão Irma đổ bộ vào lục địa Hoa Kỳ lần này, đây mới chỉ là lần thứ 3 nước Mỹ phải đối mặt với cơn bão mạnh cấp 5 kể từ năm 1851. Theo Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA), bão Irma mạnh hơn nhiều so với cơn bão cấp 5, Andrew tràn vào Mỹ năm 1992.

Chúng tôi đang phải chạy đua với thời gian. Nếu quý vị đang ở trong khu vực phải sơ tán, quý vị cần phải khởi hành ngay bây giờ. Đây là cơn bão có sức tàn khá khủng khiếp mà bang của chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt trước đây”, Thống đốc Florida Rick Scott trao đổi như vậy với các phóng viên và ông nói thêm rằng bão sẽ ảnh hướng tới toàn bộ bờ biển của bang Florida.

Tổng thống Donald Trump nói trong một phát biểu được ghi hình rằng Irma là “cơn bão có khả năng tàn phá mang tính lịch sử” và ông kêu gọi người dân hãy chú ý tới các khuyến nghị từ các quan chức chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật. Nhân viên và khách du lịch tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump tại Palm Beach cũng đã được yêu cầu sơ tán.

Trong bản tin mới nhất của NHC, cơ quan này thông báo bão Irma hiện tại đang hạ xuống cấp 4 với sức gió khoảng 250km/giờ, cách đông nam Miami khoảng 555km. Ảnh hưởng của bão đã lan rộng về phía tây trải rộng qua nhiều vùng của Cuba và miền trung Bahamas.

Trước đó, cơn bão đã tàn phá quần đảo Turks và Caicos sau khi quét qua vùng biên giới phía bắc của Cộng hòa Dominica và Haiti.

Với ảnh hưởng của bão Irma, NHC dự báo sẽ có sóng thần nguy hiểm lên đến 6m ở phía đông nam và trung tâm Bahamas, và tới 3m tại một số khu vực của bờ biển phía bắc Cuba.

Theo Reuters, Truyền hình nhà nước Cuba phát sóng cảnh nước biển làm ngập các thị trấn ven biển ở các tỉnh phía đông Guantanamo và Holguin, với các đợt sóng lên cao đến 6m. Mặc dù bão vẫn còn xa bờ biển, nhưng giới chức Cuba đang quan ngại mưa lớn sẽ gây lũ lụt khi nước ở các sông, suối dâng cao.

Irma được dự báo sẽ đổ bộ vào Cuba vào thứ Bảy (9/9), và khả năng sẽ gây thiệt hại nặng cho các khu nghỉ mát ven bờ biển. Khách du lịch, và ngay cả những chú cá heo giải trí, đã được di tản. Sau đó bão Irma có thể sẽ chuyển hướng về phía bắc, quét qua phía tây Cuba và Havana.

Tại Bahamas, chính phủ đã tiến hành sơ tán hầu hết người dân tại các đảo phía nam trước khi cơn bão quét qua đây. Reuters cho biết có khoảng 1.200 người dân đã được được đưa tới thủ đô Nassau.

Bang Florida, Hoa Kỳ đang khẩn trương thực thi mọi biện pháp để đối phó với cơn bão Đại Tây Dương được cho là mạnh nhất trong vòng 1 thế kỷ qua. Trong nhiều cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào sáng thứ Sáu (8/9), Thống đốc Florida Rick Scott đã kêu gọi người dân nhanh chóng sơ tản khỏi những khu vực mà chính quyền đã chỉ định phải di tản. Ông Rick Scott cũng thừa nhận không hài lòng với việc người dân gặp khó khăn khi mua xăng dầu và giao thông thị tắc nghẽn nghiêm trọng.

Công ty Điện lực và Chiếu sáng Florida, doanh nghiệp cung ứng điện lớn nhất tại Florida, phục vụ khoảng hơn một nửa trong tổng cộng 20,6 triệu dân nơi đây, đã thông báo rằng khoảng 9 triệu cư dân Florida có thể sẽ không có điện sử dụng trong một vài tuần.

Theo trang Gazbuddy.com, một dịch vụ theo dõi giá nhiên liệu bán lẻ, gần 1/3 số trạm xăng ở các khu vực đô thị của Florida đã bị cạn kiệt nhiên liệu.

Tính riêng hạt Miami-Dade, Thị trưởng Carlos Gimenez cho biết giới chức đã yêu cầu khoảng 660.000 người dân sơ tán. Ông Gimenez nói rằng đây là đợt di tản lớn nhất tại hạt này mà ông có thể nhớ được.

Thượng nghị sĩ Bill Nelson của bang Florida trong phát biểu hôm thứ Sáu (8/9) đã nói rằng bang của ông đã có sự chuẩn bị tốt hơn so với hồi đối phó với bão Andrew tàn phá Florida năm 1992.

Tại Miami, thành phố bang Florida người dân đổ xô tới các siêu thị để mua nhu yếu phẩm thiết yếu, trong khi nhiều ô-tô vẫn đang vây kín các trạm xăng để tiếp nhiên liệu.

Thống đốc bang Georgia Nathan Deal cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại bang này và yêu cầu người dân ở khu bờ tây Đại Tây Dương phải sơ tán bắt buộc từ thứ Bảy (9/9).  Dự báo có khoảng 94 trong tổng số 159 hạt tại Georgia có thể nằm trong cung đường di chuyển của bão Irma.

Thống đốc bang Virginia Terry McAuliffe hôm thứ Sáu (8/9) cũng đã bổ sung bang của mình vào tình trạng khẩn cấp chống bão.

Các thống đốc của Bắc và Nam Carolina cảnh báo người dân vẫn phải cảnh giác, ngay cả khi cơn bão có xu hướng đi về phía tây hơn. Giới chức hai bang này nói rằng các bang của họ vẫn có thể gặp phải thời tiết khắc nghiệt, bao gồm mưa lớn và lũ quét vào đầu tuần tới.

Bão Jose đã tăng lên cấp 4

NHC cho biết cơn bão Jose di chuyển ngay phía sau bão Irma hiện tại đã tăng lên cấp 4 với sức gió ở tâm bão vào khoảng 240km/giờ.

Bão Jose có hướng di chuyển gần như trùng khớp với đường đi của bão Irma, do đó đã gây cản trở lớn cho các nỗ lực cứu trợ ở một số khu vực vừa bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cư dân trên đảo Barbuda, nơi 95% cơ sở hạ tầng đã bị bão Irma phá hủy, hiện tại lại phải nhanh chóng rời đảo khi bão Jose chuẩn bị đổ bộ vào.

Trong khi đó, một cơn bão khác là Katia, ở vịnh Mexico, cũng đã tăng lên thành cơn bão cấp 2, với sức gió lên 140km /giờ. Cơn bão này dự kiến sẽ đổ bộ tới bang Veracruz của Mexico vào thứ Bảy (9/9).

Mexico hôm thứ Sáu (8/9) cũng vừa hứng chịu một trận động đất mạnh tới 8,1 độ richter ở vùng biển Thái Bình Dương, ngoài khơi bờ biển miền nam Mexico, khiến ít nhất 30 người đã thiệt mạng.

Yên Sơn

Xem thêm: