Sinh viên: Động lực của con đường dân chủ Hàn Quốc
Sáu nền cộng hòa, với những giai đoạn thăng trầm xen kẽ dân chủ tạm bợ rồi thụt lùi trở lại nền độc tài, con đường dân chủ của Hàn Quốc thấm đẫm máu nước mắt của người dân một quốc gia luôn trong tâm thái sẵn sàng chiến tranh tự vệ, nhưng cũng luôn ý thức được quyền và trách nhiệm của mình. Trung tâm trong chặng đường gập ghềnh đó là nỗ lực và hy sinh của giới sinh viên và trí thức Hàn Quốc.
Từ quá khứ
Năm 1948, Hàn Quốc thành lập nền đệ nhất cộng hòa thay thế chính quyền quân sự Mỹ (1945-1948), vốn nắm quyền sau khi Nhật đầu hàng đồng minh trong cuộc thế chiến II. Tổng thống đầu tiên Syngman Rhee được trao quyền với cam kết tiếp tục mở rộng các quyền dân chủ và tự do chính trị. Tuy nhiên, với đường lối chống cộng cực đoan, cùng cuộc nội chiến 1950-1953 với Bắc Hàn đã khiến Rhee dần thiết lập chế độ độc tài, siết chặt quyền kiểm soát của chính phủ, thanh trừ mọi đối tượng bất đồng và sắp đặt các cuộc bầu cử đáng ra phải dân chủ và minh bạch.
Ngày 11/4/1960, một tháng sau cuộc bầu cử bị Tổng thống Rhee lũng đoạn khiến giới trí thức và sinh viên Hàn Quốc tức giận, thi thể của một học sinh cấp ba bị chết vì lựu đạn hơi cay của cảnh sát nổi trên sông Masan. Như giọt nước làm tràn ly, người dân Masan bùng lên biểu tình.
Ngày 18/4/1960, 3.000 sinh viên, chủ yếu từ Đại học Hàn Quốc tại thủ đô Seoul xuống đường tuần hành tới tòa nhà Quốc hội, yêu cầu chính phủ tổ chức bầu cử công bằng. Nhà Xanh đóng cửa không trả lời. Ngày hôm sau, 19/4, gần 50.000 sinh viên từ 30 trường đại học ở khắp thủ đô tràn xuống đường, ào qua các vòng ngăn chặn của cảnh sát đến trước tòa nhà chính phủ trung tâm Seoul.
Tổng thống Rhee đáp trả bằng tuyên bố thiết quân luật, yêu cầu quân đội công khai nổ súng đàn áp đám đông biểu tình. Sự kiện được gọi là cách mạng tháng 4 này đã kích hoạt làn sóng biểu tình rộng khắp trên cả nước. Cuối cùng, ngày 25/4, sau khi giáo sư các trường đại học xuống đường, sát cánh cùng sinh viên, Rhee đệ đơn từ chức và bỏ trốn ra nước ngoài lưu vong. Nền đệ nhất cộng hòa, cai trị bằng đàn áp và súng ống, kết thúc khi dân tộc thức tỉnh vì cái chết của một học sinh.
Sau khi trải qua nền cộng hòa thứ 2, được coi như tương đối dân chủ nhưng thất bại về các chính sách kinh tế, kế tiếp là một giai đoạn dài dặc các cuộc đảo chính, thiết lập chính quyền quân sự rồi lập lại nền cộng hòa (1960-1987), nền cộng hòa thứ sáu được lập lên bằng một cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên theo nguyện ý của số đông người dân, cũng là thể chế chính trị tồn tại đến ngày nay. Nền chính trị được coi là tiến bộ nhất của Hàn Quốc này cũng được gây dựng bởi sự hy sinh và các nỗ lực của giới sinh viên.
Vào những năm 1980, sinh viên các trường đại học Hàn Quốc tiếp tục biểu tình phản đối chính phủ Tổng thống Chun Doo-hwan khi ông này muốn trì hoãn việc chuyển đổi sang chế độ bầu cử trực tiếp cũng như mở rộng quyền tự do báo chí và công nhận sự độc lập của các trường đại học.
Đặc biệt sau cuộc thảm sát Gwangju năm 1987 khiến hơn 600 người thiệt mạng, sư kiện chủ tịch hội đồng sinh viên trường Đại học Quốc gia Seoul Park Jong-chu bị bắt, tra tấn đến chết và cái chết của sinh viên Lee Han-yeol khi xô sát với cảnh sát trong khi biểu tình, sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của học sinh, sinh viên và trí thức khắp cả nước đã buộc chính quyền Chu Doo-hwant nhượng bộ yêu cầu của người dân.
Ngày 12/10/1987, hiến pháp Hàn Quốc sửa đổi lần 9 được thông qua. Cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên được tổ chức vào đầu năm 1988, Roh Tae-woo trở thành tổng thống dân cử đầu tiên. Năm 1996, Chun Doo-hwan bị tuyên án tử hình vì vai trò của ông ta trong cuộc thảm sát Gwangju, nhưng sau đó được giảm án.
Đến hiện tại
“Từ tự do cho tới khi đánh mất nó không bao giờ cách nhau xa hơn một thế hệ. Tự do không thể được truyền lại cho con cháu trong dòng máu, nó phải được chiến đấu, bảo vệ và truyền đạt cho thế hệ sau cũng làm như vậy…“, Ronald Reagan đã nói câu này và có lẽ người Hàn Quốc đã thực hiện tốt điều này. Gần 30 năm sau khi chuyển sang nền dân chủ, các cuộc biểu tình làm rung chuyển chính trường Hàn Quốc lại xuất hiện khi người dân từ chối cách xử lý các hoạt động mờ ám của chính phủ. Động lực của những sự kiện này, không ai khác, chính là sinh viên.
26/10/2016, hàng ngàn sinh viên Seoul xuống đường biểu tình đòi điều tra Tổng thống Park Geun Hye một ngày sau khi lộ ra các cáo buộc người bạn thân của bà Park tham nhũng và can dự vào chuyện nhà nước. Bà Park công nhận một số sai sót đối với hành vi của người bạn Choi Soon Sil, nhưng không nhận tội và không đồng ý từ chức.
Tháng 11/2016, khoảng 100.000 sinh viên xuống đường biểu tình yêu cầu tổng thống từ chức. Tới tháng 12, con số này có lúc đã lên tới 1 triệu với sự tham gia em học sinh cấp 3 sau khi hoàn thành kỳ thi đầu vào đại học. Các cuộc biểu tình được tổ chức liên tục vào những ngày cuối tuần trong nhiều tháng liền.
Tháng 12/2016, Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu thông qua việc luận tội Tổng thống Park Geun Hye. Ngày 10/3/2017 Tòa Bảo hiến Hàn Quốc bãi nhiệm chức Tổng thống của bà Park. Ngày 31/3/2017, bà Park bị bắt tạm giam.
Người Mỹ hay nói tự do không miễn phí. Cái giá để trở thành một con người tự do, một dân tộc tự do không hề nhỏ. Dân tộc Hàn Quốc đã trả cái giá này này trong quá khứ, vì thế ngày nay họ mới đạt được những thành tựu to lớn.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Hàn Quốc Park Geun Hye