Sự trỗi dậy của AI và máy tính lượng tử Trung Quốc đe dọa công nghệ quân sự Mỹ
Theo một báo cáo của Mỹ, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất trong các công nghệ quân sự tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và máy tính lượng tử.
Báo cáo “Những công nghệ quân sự đang nổi: Bối cảnh và các vấn đề đối với Quốc hội” của cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ được phát hành vào đầu tháng Tám cho biết Mỹ đi đầu trong việc phát triển nhiều công nghệ tiên tiến, nhưng Trung Quốc và Nga cũng đang có những tiến bộ vững chắc trong lĩnh vực này.
Báo cáo nhận định Trung Quốc được nhìn nhận rộng rãi như một đối thủ ngang sức với Mỹ trong thị trường trí tuệ nhân tạo quốc tế. Những thành quả gần đây của Trung Quốc trong lĩnh vực này thể hiện tiềm năng của Bắc Kinh, và những công nghệ như vậy có thể được sử dụng để chống gián điệp và trợ giúp xác định mục tiêu quân sự.
Trong khi các vũ khí tự động sát thương của Mỹ còn chưa được biết đến, một vài nhà sản xuất Trung Quốc đã quảng cáo vũ khí của họ có khả năng tự động lựa chọn và tấn công mục tiêu, báo cáo cho biết.
Trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, báo cáo cho rằng Mỹ không có khả năng ra mắt vũ khí siêu thanh trước năm 2023, nhưng Trung Quốc đã phát triển tên lửa hành trình xuyên lục địa DF-41 có khả năng chuyên chở một phương tiện bay hạt nhân siêu thanh.
Ngoài AI, Trung Quốc còn ngày càng ưu tiên nghiên cứu công nghệ lượng tử và đã dẫn đầu thế giới về công nghệ lượng tử, báo cáo nhận định.
Trung Quốc đã đổ hàng triệu đôla vào nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến tranh tương lai trong nhiều năm, vào lúc mà chính quyền TT Trump đang hạn chế chi tiêu.
Theo Bộ Khoa học, đổi mới công nghệ của Trung Quốc đóng góp gần 60% vào tăng trưởng kinh tế hồi năm ngoái.
Từ năm 1997 đến 2017, thị phần của Trung Quốc trong ngân sách về nghiên cứu và kỹ thuật toàn cầu đã tăng từ 3% lên 27%, theo một báo cáo của công ty phân tích dữ liệu Govin công bố hồi tháng Một.
Ông Malcolm Davis, một nhà phân tích cao cấp tại Học viện chiến lược chính trị Úc, cho rằng những ngày Trung Quốc tụt sau Mỹ về công nghệ quân sự đã qua.
“Trong nhiều lĩnh vực, họ [Trung Quốc] là tương đương, và trong một số lĩnh vực, họ đang vượt Mỹ, như siêu thanh, trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử. Họ đã thiết lập một mạng lưới rộng lớn các trung tâm công nghệ quốc phòng, hỗ trợ cho sự phát triển năng lực của PLA hướng tới trở thành một quân đội được “dữ liệu hoá” và “trí tuệ hoá” trong thế kỷ 21,” ông nói.
Trong khi Trung Quốc có thể ở vào vị thế bất lợi về các vũ khí thông thường, họ có thể bù đắp cho điều này bằng những hạng mục sản xuất bên ngoài, đặc biệt là liên quan tới tiềm lực cho hải quân, ông Davis nói.
“Về số lượng, hải quân PLA đang vượt qua hải quân Mỹ và nhanh chóng khép lại khoảng cách trong nhiều lĩnh vực về chất lượng,” ông Davis cho hay, nói thêm rằng trong hoàn cảnh hiện tại, không có gì đảm bảo là Mỹ và đồng minh của họ có thể thắng trong cuộc xung đột với Trung Quốc.
Tuy vậy, cũng có chuyên gia nhận định mặc dù Trung Quốc đã đạt tiến bộ ấn tượng trong cải tiến chất lượng công nghệ cho quân đội, khó có thể nói rằng quân đội Trung Quốc đã vượt trên quân đội Mỹ.
Timothy Heath, một nhà phân tích cáo cấp về nghiên cứu quốc phòng quốc tế tại Viện Rand Corporation của Mỹ, cho rằng những lợi thế của Trung Quốc bị giảm đi khi cách xa bờ hơn.
“Đối với hầu hết những kịch bản cho biển Đông, như gần quần đảo Trường Sa, PLA sẽ có thể dễ dàng nhanh chóng bị áp đảo bởi sự can thiệp của lực lượng không quân và hải quân Mỹ nếu họ hoạt động từ một nhóm tàu chiến hoặc từ Philippines,” ông nói.
Trong hai năm qua, va chạm giữa Trung Quốc và Mỹ – hai cường quốc với vũ khí hạt nhân và có lực lượng quân đội lớn nhất thế giới, đã trải dài từ tranh chấp thương mại tới nhân quyền, đánh cắp công nghệ, vấn đề Đài Loan và kiểm soát biển Đông. Điều này đã làm gia tăng suy đoán rằng các cuộc đấu khẩu có thể biến thành một cuộc chiến tranh thực sự và sẽ kéo theo nhiều nước khác cùng tham gia.
Ngân Hà (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện công nghệ quân sự công nghệ lượng tử Quan hệ Mỹ - Trung trí tuệ nhân tạo