Trung Quốc thúc đẩy tư nhân phát triển công nghệ quân sự
- Xuân Lan
- •
Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh sự phối hợp quân sự – dân sự để phát triển các ngành công nghệ mũi nhọn, SCMP trích dẫn thông tin từ một tài liệu về tầm nhìn kinh tế và an ninh dài hạn của chính phủ cho hay.
Các chi tiết được tiết lộ trong báo cáo đã cho thấy những dấu hiệu rõ ràng hơn về phương hướng và các ưu tiên của Bắc Kinh trong chiến lược kết hợp quân sự – dân sự của họ.
Chiến lược này được đưa ra năm 2015 với mục đích phối hợp giữa khu vực tư nhân và những tổ hợp quân sự – công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước để cùng phát triển công nghệ giúp hiện đại hoá lực lượng quốc phòng. Theo chiến lược này, khu vực tư nhân được đề nghị hỗ trợ phát triển công nghệ hàng hải, hàng không vũ trụ và không gian mạng hiện đại.
“[Chúng ta sẽ] hết sức gia tăng tốc độ hợp nhất quân sự – dân sự trong những lĩnh vực chủ chốt, xây dựng năng lực và hệ thống hợp nhất chiến lược quốc gia,” báo cáo viết.
“[Chúng ta] sẽ xoay quanh đổi mới khoa học & công nghệ để phát triển các ngành công nghệ và vũ khí tiên tiến, đồng thời thúc đẩy năng lực đổi mới trong nước về các công nghệ quốc phòng .
“[Chúng ta cũng sẽ] thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghệ cốt lõi, tăng cường chuyển đổi nghiên cứu thành ứng dụng; thúc đẩy sự đa dạng và cạnh tranh trong đổi mới công nghệ quốc phòng.”
Báo cáo cũng cho hay ưu tiên của Bắc Kinh là các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khoa học về thần kinh và truyền thông lượng tử (quantum communication).
Trung Quốc đã xác nhận nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo như một phần của chiến lược hợp nhất quân sự- dân sự từ giữa 2017, được đưa ra trong một kế hoạch chi tiết của chính phủ về phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ kế tiếp.
Giáo sư Arthur Ding, một chuyên gia quốc phòng tại Viện nghiên cứu Đông Á Đại học quốc gia Chengchi tại Đài Loan, nói rằng trí tuệ nhân tạo và sản xuất thông minh nằm trong trọng tâm của chiến lược hợp nhất quân sự – dân sự trong tương lai của Trung Quốc.
“Có những lĩnh vực mà ông Tập Cận Bình rất chú trọng và cũng có tiềm năng đối với các ứng dụng quân sự,” ông nói.
Bắc Kinh cũng đặt kế hoạch tiếp tục tuyển mộ chuyên gia khoa học và công nghệ hàng đầu ở nước ngoài như một phần của chương trình “Một nghìn nhân tài” – một chiến lược khác mà Bắc Kinh đã âm thầm phát triển và đang bị Washington theo dõi gắt gao.
Tài liệu nói Trung Quốc sẽ tiếp tục cố gắng thu hút các tài năng quốc tế, với khoảng 64.200 visa làm việc đã được cấp cho các chuyên gia kể từ khi kế hoạch được đưa ra năm 2017.
Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và công nghệ, gồm cả năng lượng sạch và nghiên cứu Bắc Cực, báo cáo cho hay.
Chính sách nói trên đã khiến chính quyền TT Trump cảnh giác bởi những quan ngại rằng công nghệ và nghiên cứu của Mỹ có thể bị lợi dụng để giúp hiện đại hoá quân sự Trung Quốc.
Trong tháng 4, Mỹ đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới về công nghệ nhạy cảm cho các công ty Trung Quốc. Vào tháng 5, Nhà Trắng cũng thông qua một sắc lệnh phong toả thị thực đối với các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc được cho là có mối quan hệ với chiến lược tổng hợp của Bắc Kinh.
Mới đây, hôm 25/6, chính quyền TT Trump đã xác định danh sách 20 doanh nghiệp Trung Quốc do quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát hiện đang hoạt động tại Mỹ, bao gồm các tập đoàn lớn như Huawei, Hikvision, China Mobile, China Telecom, v.v. Hiện chưa có phản ứng rõ ràng từ Washington nhưng phân tích cho rằng đây là bước đệm để Mỹ tiến hành vòng trừng phạt tài chính mới.
Xuân Lan (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện quân sự Trung Quốc