Tác giả “Cuộc chiến chip”: ĐCSTQ trả đũa chỉ đẩy nhanh hơn quá trình tách rời công nghệ
- Trần Đình
- •
Tháng 10 năm ngoái khi Mỹ áp đặt các hạn chế toàn diện đối với việc xuất khẩu các công cụ và công nghệ sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, một số nhà bình luận cho rằng hiệu quả từ hành động đơn phương của Mỹ là hạn chế, nhưng thực tế đến nay cho thấy không như vậy.
Ban đầu, khi Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt công nghệ đối với Trung Quốc, nhiều người băn khoăn liệu các nước quan trọng trong sản xuất thiết bị chip như Nhật Bản và Hà Lan có tham gia hành động của Washington hay không, các công ty công nghệ có chấp nhận những hạn chế gây ảnh hưởng nghiêm trọng doanh số bán hàng của họ không. Truyền thông ở Hàn Quốc và Đài Loan cũng lo ngại về việc liệu các hạn chế xuất khẩu có ảnh hưởng đến các công ty của họ hay không. Một số nhà phân tích đã suy đoán rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể sử dụng ngoại giao để làm suy yếu liên minh mà Mỹ cần để tiến hành cuộc chiến chip.
Vào thứ Ba (4/4), ông Chris Miller, tác giả của “Cuộc chiến chip” (Chip War: The Fight for the World’s Most Critical Technology) và là chuyên gia về địa chính trị công nghệ Mỹ, đã có bài trên Nikkei chỉ ra: “Qua thời gian 6 tháng, liên minh kiểm soát chip cho thấy tư thế bền vững một cách đáng ngạc nhiên. Đó là bởi vì chi phí tham gia được giảm thiểu và chia sẻ công bằng giữa các thành viên liên minh”.
Mặc dù trong vài tháng qua, các đồng minh của Mỹ dường như không có nhiều luận điệu tích cực về kiểm soát xuất khẩu công nghệ, nhưng ông Miller khuyến nghị rằng: “Nếu hiểu im lặng của họ là phản đối, đó sẽ là cách hiểu sai lầm”.
Ông cho biết các nước này sẵn sàng để Mỹ dẫn đầu vì không muốn trả đũa trực tiếp từ ĐCSTQ. Thực tế, “thái độ đối với ĐCSTQ của các nước là nhất quán”.
Tác giả của “Cuộc chiến chip” cho biết, mặc dù một số công ty không hài lòng với các hạn chế, nhưng các cơ quan an ninh của nhiều nước ủng hộ, điều này cho thấy “các hạn chế mới là phù hợp lợi ích đối với các đồng minh của Mỹ”.
Lấy nhà sản xuất chip lớn nhất của Đài Loan TSMC làm ví dụ, công ty này bị cấm sản xuất một số chip được thiết kế cho khách hàng Trung Quốc sử dụng để đào tạo thuật toán trí tuệ nhân tạo, nhưng những con chip như vậy chỉ chiếm một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh của TSMC. Người sáng lập TSMC Morris Chang đã công khai ủng hộ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ.
Đồng thời, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chung đối với máy công cụ (machine tools) được bán cho SMIC đã khiến công nghệ của xưởng đúc lớn nhất Trung Quốc bị lùi lại vài năm. Ông Miller cho biết: “Khách hàng đang chuyển đơn đặt hàng từ xưởng đúc Trung Quốc sang đối thủ cạnh tranh Đài Loan của họ”.
Ông Miller cũng nói rằng “Chính phủ Nhật Bản thậm chí còn diều hâu hơn Mỹ” khi nói đến an ninh kinh tế, chỉ khác là thảo luận về hạn chế xuất khẩu công nghệ của Nhật Bản được tiến hành một cách lặng lẽ.
Ông tin rằng quyết định gần đây của Nhật Bản tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng và mua tên lửa có thể thâm nhập sâu vào Trung Quốc chứng tỏ một sự thay đổi lớn trong quan điểm của Nhật Bản. Việc hạn chế xuất khẩu thiết bị bán dẫn dễ dàng hơn là tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng.
Ông Miller nói rằng trong bối cảnh 5 năm qua cuộc chiến chip ngày càng gay gắt, rất hiếm công ty Hàn Quốc còn có kế hoạch đầu tư mới vào Trung Quốc.
Bài báo viết: “Niềm tin của Hàn Quốc vào Trung Quốc đã giảm mạnh. Động thái hỗn loạn ‘Zero COVID’ của ĐCSTQ nhằm ngăn chặn COVID-19 cùng với căng thẳng với Đài Loan đã khiến doanh giới ngày càng cảnh giác hơn”.
Ông tin rằng các cuộc đàm phán với Hà Lan có thể là khó khăn nhất, bởi vì Hà Lan cách xa Trung Quốc, ít bị đe dọa trực tiếp bởi quân đội ĐCSTQ.
Chính phủ Hà Lan dường như đã có một số cuộc tranh luận nội bộ về kiểm soát xuất khẩu, theo đó giới công nghiệp Hà Lan đã cảnh báo về chi phí tài chính, nhưng Bộ Quốc phòng nước này đã ủng hộ các hạn chế đối với một số loại thiết bị sản xuất chip.
Những năm gần đây, nhận thức của công chúng Hà Lan về Trung Quốc (ĐCSTQ) đã xấu đi rõ rệt khiến họ dễ dàng chấp nhận những cảnh báo của Mỹ rằng ĐCSTQ đang đặt ra thách thức về an ninh.
Ông chỉ ra: “Mỹ có ngành công nghiệp chip lớn nhất thế giới, vì thế Mỹ mới phải trả giá đắt nhất đối với các biện pháp kiểm soát chíp. Thực tế là chi phí của hạn chế xuất khẩu được dàn trải khắp ngành khiến nó dễ dàng được chấp nhận hơn về mặt chính trị”.
Chính quyền Trung Quốc dường như cũng đã chấp nhận các hạn chế mới. 6 tháng đã trôi qua kể từ khi Mỹ công bố các hạn chế vào tháng 10 năm ngoái, nhưng vẫn chưa thấy ĐCSTQ có động thái đáp trả.
Tác giả của “Cuộc chiến chip” cho biết, tất cả các lựa chọn trả đũa thường được ĐCSTQ thảo luận, chẳng hạn như cắt xuất khẩu đất hiếm hoặc trừng phạt các công ty công nghệ Mỹ có hoạt động tại Trung Quốc, tuy nhiên làm vậy đều sẽ chỉ khiến Trung Quốc phải trả giá đắt hơn. Do đó nếu ĐCSTQ trả đũa sẽ chỉ đẩy nhanh quá trình tách rời công nghệ mà các công ty nước ngoài đang tham gia.
Từ khóa Dòng sự kiện sản xuất chip Công nghệ bán dẫn cuộc chiến chất bán dẫn Cuộc chiến chip