Tại sao người Hồng Kông luôn sẵn sàng tham gia biểu tình?
- Xuân Thành
- •
Cuộc tuần hành tại Hồng Kông hôm Chủ Nhật (9/6) phản đối luật dẫn độ đào phạm sang Trung Quốc đã thu hút hơn 1 triệu người dân tham gia. Đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất tại Hồng Kông, gấp đôi số người tham gia phản kháng luật an ninh quốc gia năm 2003. Câu hỏi đặt ra là tại sao người Hồng Kông luôn sẵn sàng xuống đường tuần hành phản kháng giới chức?
Tờ Hoa Nam Buổi Sáng (Hồng Kông) đã tiến hành phỏng vấn nhiều người tham gia biểu tình hôm 9/6, cũng như các chuyên gia chính trị và đi tới câu trả lời rằng: “Đó là vì bảo vệ tự do và đó là DNA của họ”.
Nhiều người biểu tình nói với tờ Hoa Nam Buổi Sáng rằng họ không lạc quan về việc dự luật dẫn độ đào phạm sẽ bị đình chỉ. Tuy nhiên, họ không sẵn sàng từ bỏ hy vọng mà không đấu tranh. Họ thể hiện là những người Hồng Kông luôn muốn thực hành tự do và xuống phố để gửi tới các nhà chức trách thông điệp của họ.
Aniken Pang Hoi-tin, sinh viên 21 tuổi nói: “Tôi không quan tâm liệu hành động của chúng tôi sẽ ảnh hướng tới quyết định của chính phủ hay không. Tôi chỉ biết rằng tôi phải làm gì đó để bảo vệ nơi tôi sống. Những người cầm quyền nên bảo vệ người dân của mình.”
Janus Wong, công nhân 40 tuổi, khẳng định rằng khả năng chính quyền Đặc khu sẽ phớt lờ lời kêu gọi của họ ngay cả khi các nhà tổ chức ước tính hôm 9/6 có tới hơn 1 triệu người tham gia bày tỏ phản kháng luật dẫn độ.
“Nhưng người Hồng Kông vẫn phải lên tiếng để bày tỏ bản thân và nói với thế giới rằng Hồng Kông khác Trung Quốc,” ông Janus Wong nói và nhấn mạnh thêm rằng: “Người Đại Lục có thể không dám lên tiếng về những gì chính phủ của họ đã đang làm, nhưng người Hồng Kông sẽ [dám lên tiếng].”
Matthew Ng Kwok-bun, một người khiếm thị, lần gần nhất ông tham gia biểu tình là năm 2003, đã nói rằng: “Tôi tuyệt đối không tin tưởng lãnh đạo thành phố – người thậm chí không dám nói về vụ thảm sát Thiên An Môn – sẽ đóng vai trò gác cổng tốt trong việc xử lý các yêu cầu dẫn độ từ Đại Lục.”
“Đây là thời khắc quan trọng cho Hồng Kông và tôi không có lựa chọn nào khác bất chấp việc tôi không phải là người thường xuyên tham gia biểu tình,” ông Matthew Ng Kwok-bun nói.
Trong khi đó, nhà hoạt động dân chủ Fung Chun-yu, 38 tuổi, cho biết ông cảm thấy xúc động khi chứng kiến nhiều người Hồng Kông trở lại Công viên Victoria khi cuộc tuần hành bắt đầu hôm Chủ Nhật (9/6).
“Cuộc tuần hành hôm nay đã cho tôi cảm giác rằng mọi người đang quay lại lộ trình này… Những gì xảy ra hôm nay đã chứng minh rằng người Hồng Kông chưa thay đổi. Họ vẫn muốn bảo vệ quê hương mình và vẫn có không gian cho chúng ta làm việc cùng nhau,” ông Fung Chun-yu nói.
Một bà nội trợ 70 tuổi chỉ xưng họ là Wong, đã nói rằng chính quyền phải tôn trọng tiếng nói của người biểu tình. Bà Wong thề sẽ tiếp tục tham gia các cuộc biểu tình tiếp theo nếu chính quyền Đặc khu vẫn giữ im lặng.
“Đây là một đạo luật hà khắc và nó sẽ ảnh hưởng tới tương lai của thế hệ tiếp theo,” bà Wong nhấn mạnh.
Nhà khoa học chính trị Edmund Cheng Wai của Đại học Baptist, Hồng Kông nói với tờ Hoa Nam Buổi Sáng rằng cuộc tuần hành hôm Chủ Nhật là một chương đáng chú ý trong lịch sử Hồng Kông. Ông Cheng cho biết những người dân Hồng Kông từ mọi lứa tuổi già trẻ và từ mọi giai tầng chính trị đã tập hợp cùng nhau để đấu tranh cho một mục tiêu duy nhất: phản đối chính quyền Đặc khu thông qua luật dẫn độ đào phạm sang Trung Quốc.
“Những người biểu tình vẫn muốn đưa ra tuyên bố của mình mặc dù Bắc Kinh đã công khai ủng hộ dự luật. Họ [người dân Hồng Kông] sợ rằng họ sẽ mất quyền lên tiếng sau khi dự luật được thông qua. Họ muốn thực thi và trân trọng quyền đó và đó là điều đã làm cho Hồng Kông đặc biệt,” ông Cheng nói.
Ông Cheng cũng cho biết ai đó trong chính quyền Đặc khu phải chịu trách nhiệm về tính chất gây tranh cãi của dự luật này.
Tiến sĩ Rose Wu, thành viên của Mặt trận Nhân quyền Dân sự, cho biết tại hải ngoại các cuộc biểu tình phản đối luật dẫn độ đào phạm cũng được tổ chức ở hơn 20 thành phố.
Theo Reuters, có khoảng 1000 người tham gia biểu tình tại Sydney, Úc và cũng có cuộc biểu tình tương tự tại London, Anh.
“Sự phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ khắp thế giới cũng đã tiếp thêm động lực lớn cho người dân Hồng Kông,” bà Wu nói.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Hồng Kông biểu tình ở Hồng Kông