Ông Trump từng hủy chuyến thăm vì Đan Mạch lỡ lời xúc phạm
Đan Mạch hôm 21/8/2019 nói họ “bị sốc” trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Đan Mạch sau vụ lùm xùm về ý tưởng Mỹ mua đảo Greenland.
Chính quyền Mỹ gần đây xác nhận tin đồn rằng ông Trump đang cân nhắc mua lại hòn đảo tự trị lớn nhất thế giới Greenland thuộc Đan Mạch. Theo VOA, ban đầu các chính trị gia Đan Mạch coi đây là một chuyện cười không đáng tin. Cựu thủ tướng Lars Lokke Rasmussen nói rằng: “Chắc đây chỉ là trò đùa ngày Cá tháng Tư”.
Nhưng nhanh chóng cả nước Đan Mạch đã chuyển sang trạng thái sốc khi ông Trump hủy chuyến thăm trong hai ngày đầu tháng 9/2019 sau khi Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho rằng ý tưởng của ông Trump về việc Hoa Kỳ mua Greenland, một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, là “lố bịch”.
Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II đã mời ông Trump thăm chính thức nước này vào ngày 2/9 và việc ông đột ngột hủy ngang đã khiến cả nước này bị sốc.
“Thật là rất, rất sốc, khi việc này liên quan đến một đồng minh rất thân thiết và cũng là một nước bạn tốt”, ông Soren Espersen, phát ngôn viên đối ngoại của đảng Dân chủ Đan Mạch theo cánh hữu, nói với hãng tin Đan Mạch Ritzau.
Ông mô tả việc ông Trump hủy thăm là sự xúc phạm tới Nữ hoàng Margrethe, và ông không kỳ vọng sẽ có một chuyến thăm khác của tổng thống Mỹ.
“Việc này cho thấy vì sao chúng ta hơn bao giờ hết nên coi các thành viên anh em thuộc Liên hiệp Châu Âu là đồng minh thân cận nhất của mình. Ông Trump là người rất khó lường. Thực tế khác xa với những gì có thể tưởng tượng được”, ông Morten Ostergaard, lãnh đạo đảng Xã hội Tự do Đan Mạch phát biểu.
Ông Trump nói hôm 18/8 rằng việc Mỹ mua Greenland sẽ là “một giao dịch bất động sản lớn”, mặc dù đó không phải là một ưu tiên trước mắt.
“Đan Mạch là một quốc gia rất đặc biệt với những người dân cực kỳ tuyệt vời, nhưng qua những ý kiến của Thủ tướng Mette Frederiksen cho biết là bà sẽ không quan tâm đến việc thảo luận về mua bán Greenland, tôi sẽ hoãn cuộc gặp của chúng tôi dự kiến trong hai tuần nữa sang một thời điểm khác”, ông Trump viết lên Twitter hôm 20/8.
“Bà Thủ tướng đã có thể tiết kiệm một lượng lớn chi phí và nỗ lực cho cả Mỹ và Đan Mạch bằng việc thành thật như vậy. Tôi cảm ơn bà và mong chờ việc tái sắp một lịch gặp khác trong tương lai!”
Vì sao ông Trump hủy chuyến thăm?
Trong cuộc phỏng vấn hôm 21/8, ông Trump nói rõ hơn lý do vì sao ông có quyết định gây sốc này.
Hỏi: “Thưa Tổng thống, ông có thể giải thích quyết định không tới Đan Mạch của mình không? Có phải thực sự là vì họ không chịu nói về việc bán Greenland?”
Trả lời: “Không phải. Tôi đã mong chờ chuyến đi, nhưng phát ngôn của bà Thủ tướng rằng “đó là một ý kiến ngu xuẩn”, là một sự xúc phạm. Tôi nghĩ đó không phải là một tuyên bố phù hợp. Bà ta đã có thể nói: “không, chúng tôi không muốn làm điều đó”.
Họ không thể đối xử với chúng ta như dưới thời Tổng thống Obama được. Tôi nghĩ đó là một cách nói rất không hay. Họ đã có thể chỉ nói ‘không’. Ý tưởng này đã được thảo luận ở Mỹ trong rất nhiều năm. Harry Truman có ý tưởng này. Tôi có ý tưởng này. Rất nhiều người khác cũng có ý tưởng này. Nó trở về tận những năm 1900, nhưng ông Truman thực sự nghĩ rằng đó là một ý hay.
Tôi cũng nghĩ rằng đó là một ý hay bởi vì Đan Mạch thua lỗ 700 triệu USD một năm vì giữ Greenland. Nó không có gì tốt cho họ. Nhưng họ có thể chỉ nói: “Không, chúng tôi không muốn làm chuyện đó”, hoặc “Không chúng tôi không muốn nói về nó”. Đừng có nói rằng “đó là một ý tưởng ngu xuẩn”.
Bởi vì bà ta không chỉ nói với tôi, bà ta đang nói với cả nước Mỹ. Quý vị không nói với nước Mỹ bằng giọng ấy, ít nhất là khi tôi nắm quyền.”
Với Tổng thống Obama, họ đã không cho ông ta hạ cánh ở Philippines. Ông ta bị đối xử rất tồi tệ ở rất nhiều nơi khác nhau. Nhưng đó là chuyện khác. Họ có thể đối xử với ông ta theo cách họ muốn; đó là tùy họ. Nhưng họ không thể đối xử với nước Mỹ bằng một tuyên bố “thật ngu xuẩn” được.”
Trên Twitter ông Trump tiếp tục “đá xéo” rằng Đan Mạch, một đồng minh của Mỹ trong khối phòng thủ NATO đã không hoàn thành trách nhiệm tài chính của mình:
“Nói cho chính xác, Đan Mạch chỉ đóng góp 1,35% GDP cho chi phí của NATO. Họ là một quốc gia giàu có và nên chi đúng mức 2%. Chúng ta bảo vệ Châu Âu, thế mà chỉ có 8 trong số 28 quốc gia NATO đóng góp ở mức 2% yêu cầu. Hoa Kỳ đang chi ở mức cao hơn thế rất nhiều.”
Theo AP, bà Frederiksen đã thẳng thừng phản bác ý tưởng bán Greenland và gọi việc Mỹ bàn tán về chuyện mua Greenland là “lố bịch” (absurd – từ này có thể được dịch là lố bịch hoặc ngu xuẩn), và bà hy vọng ông Trump không nghiêm túc về chuyện này.
Sau khi ông Trump đột ngột hủy chuyến đi, thủ tướng Đan Mạch đã tỏ ra xoa dịu căng thẳng với Mỹ. Bà nói rằng bà thấy “hối tiếc và ngạc nhiên” vì ông Trump hủy chuyến thăm Đan Mạch.
“Tôi đã mong chờ chuyến thăm, công tác chuẩn bị của chúng tôi đang được thực hiện. Đó là một cơ hội để kỷ niệm mối quan hệ thân thiết với Mỹ, vốn là một trong những đồng minh thân cận nhất của Đan Mạch. Tôi mong chờ một cuộc đối thoại về rất nhiều mối quan tâm mà Đan Mạch có chung với Mỹ”.
“Điều này không thay đổi tính chất của quan hệ tốt đẹp của chúng tôi và tất nhiên chúng tôi, từ phía Đan Mạch sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại với Mỹ về việc phát triển mối quan hợp tác và xử lý rất nhiều thách thức chung mà chúng tôi cùng đối mặt”, bà Frederiksen nói trong một cuộc họp báo.
Bà cũng khẳng định rằng lời mời ông Trump vẫn còn hiệu lực và phủ nhận ý kiến rằng quan hệ Đan Mạch – Mỹ đang ở trong khủng hoảng.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Đan Mạch Greenland