Tạm dừng thương chiến Mỹ–Trung chưa đủ giải quyết bất đồng sâu sắc hai nước
- Tân Bình
- •
Bữa tiệc tối làm việc được chờ đợi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Bảy (1/12) đã kết thúc với việc hai bên tạm thời hưu chiến thương mại 90 ngày. Căng thăng leo thang Mỹ-Trung về thương mại trong vài tháng qua đã được tháo gỡ phần nào, tuy nhiên kết quả cuộc gặp vừa qua là chưa đủ để giải quyết thực trạng bất đồng sâu sắc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhà báo Ankit Panda của tờ Hoa Nam Buổi Sáng (Hồng Kông) nhận định rằng thương chiến chưa kết thúc nhưng nó sẽ dịu xuống trong thời gian còn lại của năm 2018.
Hưu chiến thương mại Mỹ-Trung sau cuộc gặp Trump-Tập tại G-20 không thể khiến các nhà đầu tư toàn cầu loại bỏ được hoàn toàn lo lắng, nhưng nó sẽ đem tới niềm tin ngắn hạn cho thị trường thương mại toàn cầu trong những tháng cuối năm này.
Kết quả nổi bật nhất tại bữa tối làm việc giữa nguyên thủ hai nước Mỹ – Trung là việc hai bên đã đồng ý tạm thời dừng thực thi bổ sung thuế quan mới. Đặc biệt, phía Mỹ sẽ không tăng thuế lên 25% từ 1/1/2019 đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc đang bị Washington áp đặt thuế 10%.
Đổi lại, chế độ Bắc Kinh cũng sẽ dừng leo thang trả đũa thuế quan, mua thêm hàng Mỹ mà Nhà Trắng gọi là tăng số lượng “rất đáng kể” hàng Mỹ trong các ngành nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp.
Ngoài ra, ông Tập cũng đã đồng ý với Tổng thống Trump về việc Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt chẽ thuốc giảm đau có chứa chất gây nghiện xuất khẩu tràn lan sang Mỹ.
Nhà Trắng thông báo ông Trump sẽ giữ nguyên mức thuế đánh lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc ở mức 10% tại thời điểm đầu năm sau, và đồng ý không nâng lên mức 25% “trong thời gian này” và cho biết thêm “Trung Quốc sẽ đồng ý mua một lượng hàng hóa rất lớn, tuy chưa có thỏa thuận, các mặt hàng nông sản, năng lượng, công nghiệp và các sản phẩm khác từ Mỹ để giảm mất cân bằng mậu dịch giữa 2 quốc gia… Trung Quốc đã đồng ý bắt đầu mua nông sản từ nông dân của chúng ta ngay lập tức”.
Tổng thống Trump cũng đã tỏ thái độ khá hài lòng về buổi làm việc với người đồng cấp Trung Quốc. Một tuyên bố của tổng thống Mỹ được phát đi sau bữa tối thứ Bảy, ông Trump cho hay: “Đây là cuộc gặp tuyệt vời và mang tính xây dựng với những khả năng không giới hạn cho cả Mỹ và Trung Quốc. Tôi rất lấy làm vinh dự khi được làm việc với Chủ tịch Tập”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với phóng viên sau cuộc hội đàm rằng cuộc gặp Trump-Tập được tổ chức “trong không khí hữu nghị và thẳng thắn”.
“Trung Quốc sẵn sàng tăng nhập khẩu phù hợp với nhu cầu thị trường nội địa và nhu cầu của người dân, bao gồm các sản phẩm có thể tiêu thụ từ Hoa Kỳ, để dần dần giảm mất cân bằng thương mại hai chiều”, ông Vương nói.
Tuy nhiên, những nhượng bộ của Mỹ, Trung vừa quả chỉ là tạm dừng căng thẳng chiến thuật. Với Mỹ có thể là để chính phủ Trump củng cố nội bộ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, còn với Trung Quốc họ luôn muốn chấm dứt áp lực lên nền kinh tế, thúc đẩy trăng trưởng trở lại để không bị mất uy tín của Đảng cầm quyền trước dân chúng.
Theo nhà báo Ankit Panda, những hứa hẹn của Trung Quốc hôm 1/12 không đủ để giải quyết những khác biệt về ý thức hệ căn bản giữa Washington và Bắc Kinh.
Tại buổi làm việc vừa qua vẫn chưa giải quyết được những quan tâm lớn nhất của chính phủ Trump như việc Trung Quốc phải dừng đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, không được tiếp tục cưỡng ép chuyển giao công nghệ và phải mở cửa hơn nữa thị trường Trung Quốc cho doanh nghiệp Mỹ.
Đó là những vấn đề mà chế độ Bắc Kinh khó có thể khắc phục trong ngắn hạn, thậm chí là dài hạn. Kể từ khi gia nhập Tổ thức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 tới nay, Trung Quốc chủ trương tận dụng việc được ưu tiên là nước đang phát triển để thu lợi từ các cơ chế của WTO, nhưng lợi thế này có thể sớm chấm dứt khi trong tuyên bố chung G-20, nguyên thủ các nước đã thống nhất WTO có nhiều bất cập và cần phải cải cách.
Hơn nữa, nếu Trung Quốc mở rộng thị trường trong nước cho Mỹ, cũng đồng nghĩa với việc mở cửa cho các đồng minh của Mỹ như Liên minh Châu Âu, Canada, Mexico, Nhật Bản hay Hàn Quốc… điều này gián tiếp sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp quốc nội của Bắc Kinh vốn không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp của các nước tư bản tiên tiến.
Chỉ riêng việc mua thêm hàng Mỹ để đảm bảo Washington giảm thâm hụt với Bắc Kinh hơn 350 tỷ USD/ năm cũng là bài toán khó với chính quyền ông Tập Cận Bình. Mua thêm hàng Mỹ cũng bằng như Bắc Kinh “tự lấy đá ghè chân” lực lượng sản xuất nội địa của họ.
Cũng cần nhớ rằng, Trung Quốc chưa bao giờ là nước giữ lời hứa mà họ cam kết với các đối tác. Ông Trump thực tế đã trải nghiệm rõ ràng điều này trong một năm qua. Trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 11/2017, ông Trump đã được ông Tập hứa hẹn cải cách thực thi thương mại bất công, tăng mua hàng Mỹ với các bản ghi nhớ mua hàng Mỹ lên tới 250 triệu USD. Nhưng mới đây, Đại diện Thương mại Mỹ đã có báo cáo cho thấy phía Trung Quốc gần như không có bất cứ tiến triển nào trong việc thực hiện các yêu cầu của chính phủ Trump, trong khi năm 2018 này Washington tiếp tục gia tăng thâm hụt trong giao thương với Bắc Kinh.
Trong thời hạn 90 ngày tới, Bắc Kinh có thể sẽ mua thêm hàng Mỹ, đặc biệt là hàng nông sản, năng lượng và máy móc. Tuy nhiên, điểm mấu chốt về cải cách thương mại theo hướng công bằng, Trung Quốc khó mà đạt được.
Như nhà báo Ankit Panda có nói: “Trong vài ngày tới các nhà đầu tư có thể cảm thấy dễ thở hơn, nhưng không nên chỉ nhìn vào một số cây đẹp mà bỏ qua vẻ đẹp của cả một cách rừng”.
Kết quả hội đàm Trump-Tập tại G-20 có thể giúp các bên tạm nghỉ leo thang, nhưng nó không giúp tiến gần hơn tới việc loại bỏ hoàn toàn thương chiến Mỹ – Trung và hơn thế nữa là mâu thuẫn không thể hòa giải của hai ý thức hệ.
90 ngày hưu chiến là không đủ để Mỹ, Trung tìm được tiếng nói chung về những khác biệt rất sâu sắc và căn bản. Dù sao đây có thể là cơ hội cuối cùng mà ông Trump dành cho ông Tập – người mà ông vẫn luôn nói là “bạn tốt” phải dứt khoát thay đổi hoàn toàn định hướng phát triển đất nước Trung Quốc.
Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Donald Trump Quan hệ Mỹ - Trung G-20 chiến tranh thương mại