Tàu chiến Mỹ đi qua Trường Sa khi Mỹ-Trung đàm phán thương mại tại Bắc Kinh
- Xuân Thành
- •
Hai tàu chiến của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ hôm thứ Hai (11/2) đã đi vào quần đảo Trường Sa, Biển Đông, trong khi các nhà đàm phán Mỹ đã tới Bắc Kinh để thảo luận về thỏa thuận thương mại song phương, theo tờ Japan Times.
Tờ Japan Times (Nhật Bản) dẫn lời phát ngôn viên của Hạm đội 7 cho biết tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Spruance và USS Preble đã “thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) trên Biển Đông”, đi vào “phạm vi 12 hải lý (22km) của quần đảo Trường Sa”.
Phát ngôn viên Hạm đội 7 Joe Keiley nói rằng nhiệm vụ này được thực hiện “để thách thức các yêu sách hàng hải quá mức và duy trì quyền tiếp cận tới vùng nước được luật quốc tế cho phép.”
Mặc dù Hạm đội 7 không nói rõ hai tàu khu trục Mỹ đi vào gần khu vực nào tại quần đảo Trường Sa, nhưng Reuters dẫn theo một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng tàu chiến Mỹ đã đi qua Đá Vành Khăn (Mischief Reef) do Trung Quốc đang kiểm soát và Việt Nam, Philippines và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.
Theo Japan Times, Trung Quốc đã thực hiện cải tạo đáng kể Đá Vành Khăn, xây dựng một sân bay quân sự tại đây. Các báo cáo gần đây cũng cho biết trên bãi đá này có các ụ lắp đặt tên lửa và một loạt các thiết bị giám sát quân sự có thể theo dõi vệ tinh, các hoạt động và liên lạc nước ngoài.
Trung Quốc trước nay vẫn khẳng định rằng họ quân sự hóa đảo trên Biển Đông là nhằm mục đích tự vệ, nhưng một số chuyên gia quốc tế cho rằng đó là một phần trong nỗ lực tổng thể của Bắc Kinh nhằm củng cố khả năng kiểm soát toàn diện vùng biển chiến lược tại Đông Nam Á.
Cùng với thời điểm Mỹ điều hai tàu chiến đi qua Trường Sa, tại Bắc Kinh hôm 11/2 cũng diễn ra các cuộc đàm phán cấp thấp Mỹ – Trung chuẩn bị cho cuộc hội đàm chính thức giữa hai nước vào thứ Năm và thứ Sáu tuần này. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ tới Bắc Kinh để hội đàm với những người đồng cấp để hy vọng đạt được thỏa thuận thương mại trước thời hạn 1/3 – thời điểm mà nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, Mỹ sẽ đánh thuế 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%.
Ngoại giới cho rằng việc Mỹ tăng cường hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông là nhằm gây áp lực lên Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán thương mại. Chính phủ Mỹ đã bác bỏ nhận định này.
Phát ngôn viên Hạm đội 7, Keiley khẳng định: “Chúng tôi thực hiện các hoạt động tự do hàng hải đều đặn và thường xuyên, như chúng tôi đã thực hiện trong quá khứ và sẽ tiếp tục thực hiện trong tương lai. FONOPs không nhằm nhắm vào bất kỳ nước nào và chúng cũng không nhằm đưa ra các tuyên bố chính trị.”
Ông Keiley lưu ý rằng hoạt động của lực lượng Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương “trên cơ sở hàng ngày”, kể cả tại Biển Đông và Mỹ “sẽ bay, đi thuyền và hoạt động ở bất nơi đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. Hoạt động đó là đúng ở Biển Đông, cũng như ở các nơi khác trên toàn cầu.”
Trước đó, vào giữa tháng Một, các tàu chiến của Mỹ và Anh đã thực hiện hoạt động diễn tập quân sự chung lần đầu tiên tại Biển Đông kể từ khi Trung Quốc bồi đắp các đảo ở đây. Mỹ cũng tăng cường hoạt động tự do hàng hải đơn lẻ, trong đó có điều một tàu khu trục đi qua quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông vào đầu tháng này.
Trung Quốc hiện chưa lên tiếng về hoạt động mới nhất của Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Nhưng hồi đầu tháng, một ngày sau khi tàu chiến Mỹ đi qua Hoàng Sa, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã loan tin rằng Bắc Kinh đã triển khai hệ thống tên lửa chống hạm tại vùng tây bắc đất nước – một động thái được cho là có liên quan tới tham vọng kiểm soát Biển Đông.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết tên lửa được lắp đặt là DF-26, có tầm bắn 3.000-4.000km và dẫn lời một chuyên gia giấu tên nói rằng tên lửa này cho thấy “Trung Quốc có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình… Ngay cả khi chỉ lắp đặt ở sâu trong đất liền Trung Quốc, DF-26 có tầm bắn đủ xa để bao quát toàn Biển Đông.”
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa tàu chiến Mỹ biển Đông Quan hệ Mỹ - Trung