Hôm thứ Sáu (13/12), Bộ Quốc phòng Campuchia thông báo, tàu chiến đấu ven bờ lớp Independence USS Savannah của Hải quân Hoa Kỳ và 103 thành viên thủy thủ đoàn sẽ cập cảng Căn cứ Hải quân Ream vào thứ Hai (16/12) trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày, bao gồm các cuộc họp chỉ huy căn cứ với các quan chức tỉnh. Tàu hải cảnh Trung Quốc triển khai quanh Đài Loan cũng đã rời đi.

Tàu chiến Mỹ thăm căn cứ hải quân Ream ở Campuchia

Lần đầu tiên kể từ năm 2019, Hoa Kỳ sẽ cử một tàu chiến đến thăm căn cứ hải quân ở Campuchia. Khi đó truyền thông đưa tin rằng Campuchia đã ký một thỏa thuận cho phép quân đội Trung Quốc độc quyền sử dụng căn cứ hải quân ở nước này.

Independence USS Savannah
Tàu chiến đấu ven bờ lớp Independence USS Savannah của Hải quân Hoa Kỳ. (Ảnh: MXH)

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết chuyến thăm của tàu chiến USS Savannah tới Căn cứ Hải quân Ream sẽ củng cố và mở rộng tình hữu nghị, cũng như thúc đẩy hợp tác song phương, và mô tả chuyến thăm là một cột mốc cải thiện quan hệ Mỹ – Campuchia.

Động thái này đánh dấu nỗ lực của Washington nhằm xây dựng lại quan hệ với Phnom Penh.

Cách đây 5 năm, Trung Quốc được cho là đã ký một thỏa thuận, cho phép quân đội Trung Quốc độc quyền sử dụng các bộ phận của căn cứ hải quân ở Vịnh Thái Lan. Trước đây, Hoa Kỳ tuyên bố rằng cuối cùng Căn cứ Hải quân Ream đã trở thành tiền đồn đầu tiên của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Chính quyền Campuchia nhiều lần phủ nhận sự tồn tại của một thỏa thuận như vậy, và phủ nhận rằng việc thiết lập các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình sẽ xâm phạm chủ quyền quốc gia. Bắc Kinh cũng phủ nhận kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự Trung Quốc ở Campuchia.

Một báo cáo gần đây của Viện Chính sách Quốc tế Lowy có trụ sở tại Sydney cho biết, Trung Quốc khó có thể kiểm soát căn cứ hải quân này, vì giá trị chiến lược hạn chế của nó trong nỗ lực phô trương sức mạnh ở Biển Đông. Viện cho biết, hạn chế về địa lý và những hạn chế về chính trị trong nước của Campuchia cũng là những trở ngại để đạt được mục tiêu này.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục hỗ trợ việc tái thiết căn cứ hải quân Ream, và cử một tàu chiến tới căn cứ này trong chuyến thăm hiếm hoi vào năm ngoái. Động thái này làm tăng thêm lo ngại của Washington.

Trung Quốc tuyên bố rằng việc cải tạo căn cứ hải quân Ream “nhằm tăng cường khả năng của Hải quân Campuchia trong việc duy trì toàn vẹn lãnh thổ và chống tội phạm hàng hải.”

Tàu hải cảnh Trung Quốc triển khai quanh Đài Loan đã rời đi

Hôm thứ Sáu (13/12), Đài Loan cho biết một ngày trước đó, các tàu hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc triển khai quanh Đài Loan trong những ngày gần đây đã rời. Trung tâm ứng phó ở mọi cấp độ do Đài Loan thành lập trước đó để ứng phó với các cuộc tập trận của Trung Quốc đã bị dỡ bỏ.

tau Trung Quoc
Ngày 6/5/2024, Cảnh sát biển Đài Loan thông báo, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đi vào vùng biển hạn chế Kim Môn. (Ảnh: Chi nhánh Cảnh sát biển Đài Loan Kim Mã Bành/VOA)

Cùng ngày, ông Tạ Khánh Khâm, Phó giám đốc Cảnh sát biển Đài Loan, nói với AFP: “Ngày hôm qua, tất cả các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã quay trở lại Trung Quốc. Mặc dù họ không đưa ra bất kỳ thông báo chính thức nào, nhưng chúng tôi tin rằng cuộc tập trận đã kết thúc.”

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng xác nhận, tàu chiến và tàu cảnh sát biển Trung Quốc được phát hiện đã quay trở lại khu vực ven biển của Trung Quốc Đại Lục.

Khác với thông lệ trước đây, quân đội Trung Quốc không công bố bất kỳ tin tức nào về cuộc tập trận trong những ngày gần đây. Về câu hỏi liệu Quân đội Giải phóng Nhân dân có tổ chức một cuộc tập trận hay không, vào thứ Sáu (13/12), khi trả lời trên trang web chính thức, ông Ngô Khiêm (Wu Qian), phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, không xác nhận hay phủ nhận rõ ràng.

Ông nói: “Việc tổ chức diễn tập hay không và khi nào là do chúng tôi tự quyết định dựa trên nhu cầu của bản thân và tình hình đấu tranh.”

Theo một quan chức an ninh cấp cao giấu tên ở Đài Loan, trong những ngày gần đây, khoảng 90 tàu chiến và tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã tham gia các cuộc tập trận quân sự, như mô phỏng các cuộc tấn công tàu và chặn đường.

Quan chức này cho biết, Trung Quốc bắt đầu lên kế hoạch cho hoạt động hàng hải quy mô lớn này ngay từ tháng 10, nhằm chứng tỏ khả năng phong tỏa Đài Loan, và vạch ra “lằn ranh đỏ” trước khi chính quyền mới của Mỹ nhậm chức vào tháng Một năm sau.

Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (13/12), ông Ngô Khiêm nói: “Cho dù cuộc tập trận có được tổ chức hay không, Quân đội Giải phóng Nhân dân sẽ không vắng mặt, và sẽ không mềm mỏng trong việc đấu tranh giành độc lập và thúc đẩy thống nhất.”

Trong vài ngày qua, mặc dù Trung Quốc không đưa ra bất kỳ thông báo nào về hoạt động quân sự của các tàu hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển của họ ở biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan, Biển Đông và Tây Thái Bình Dương, nhưng các cơ quan quân sự và cảnh sát biển của Đài Loan đã ngừng hoạt động sau khi Trung Quốc rút lui vào thứ Năm (12/12). Một trung tâm ứng phó khẩn cấp được thành lập trước đó để ứng phó với cuộc tập trận cũng bị đóng cửa.

Các quan chức an ninh Đài Loan cho biết, quy mô của các cuộc tập trận hàng hải gần đây “vượt quá đáng kể” phản ứng hàng hải của Trung Quốc đối với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi vào năm 2022. Cuộc tập trận vào thời điểm đó được coi là hoạt động quân sự lớn nhất của Trung Quốc gần Đài Loan.

Sáng thứ Sáu (13/12), Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, trong 24 giờ tính đến 6h sáng hôm đó, 12 máy bay quân sự Trung Quốc bị phát hiện bay quanh eo biển Đài Loan, giảm so với 34 máy bay ngày hôm trước.

Bình Minh (t/h)