Tham vọng năng lượng mặt trời của ông Biden gặp khó trước nạn lao động cưỡng bức ở TQ
Tham vọng năng lượng mặt trời của chính quyền Biden đang vấp phải không ít lời chỉ trích về việc ngành công nghiệp toàn cầu này phụ thuộc vào nguyên liệu thô của Trung Quốc, trong khi chúng hoàn toàn có thể được sản xuất bởi lao động cưỡng bức.
Một rào cản lớn nhất trong lĩnh vực này chính là 45% nguồn cung polysilicon, vật liệu sử dụng để sản xuất tế bào quang điện cho tấm pin mặt trời là từ Tân Cương, khu vực Tây Bắc Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện vẫn đang bị cáo buộc giam giữ hàng loạt người thiểu số, đặc biệt là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại khu vực này. 35% lượng polysilicon được sản xuất tại các khu vực khác của Trung Quốc, và chỉ có 20% là từ Hoa Kỳ cùng các nhà sản xuất khác.
Đặc phái viên khí hậu John Kerry của ông Biden cho biết, Washington đang quyết định xem có nên loại bỏ các sản phẩm năng lượng mặt trời từ Tân Cương khỏi thị trường Hoa Kỳ hay không. Bởi điều đó xung đột với kế hoạch của chính quyền Biden nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon do biến đổi khí hậu, thông qua việc thúc đẩy năng lượng mặt trời cũng như năng lượng tái tạo khác.
Theo các nhà nghiên cứu nước ngoài và chính phủ nước ngoài, có tới hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và thành viên khác các nhóm dân tộc (chủ yếu là người Hồi giáo) đã bị đưa vào các trại tạm giam ở Tân Cương, Trung Quốc. Chính quyền cộng sản cũng bị buộc tội triệt sản người thiểu số và phá hủy các nhà thờ Hồi giáo.
Các quan chức Trung Quốc vẫn luôn bác bỏ cáo buộc về cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, và khẳng định các trại tập trung này mở ra để đào tạo việc làm nhằm mục đích phát triển kinh tế và ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan.
Hoa Kỳ và một số nhà cung cấp năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã cam kết tránh các nhà cung cấp có thể sử dụng lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu họ có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về linh kiện sản xuất pin năng lượng mà tiếp tục từ chối nguồn cung từ Tân Cương hay không.
Theo báo cáo ngày 14/5 của các nhà nghiên cứu Laura T. Murphy và Nyrola Elima thuộc Đại học Sheffield Hallam của Anh, trên thực tế, nhiều nhà sản xuất lớn nhất đều sử dụng nguyên liệu thô từ Tân Cương và “nguy cơ có tồn tại lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của họ là rất cao”.
Tuần trước, ông John Kerry nói với các nhà lập pháp Hoa Kỳ, khả năng tồn tại lao động cưỡng bức “là một vấn đề” đáng lưu tâm. Ông nhận xét thêm, “chúng tôi tin rằng, các tấm pin mặt trời này, trong một số trường hợp đang được sản xuất bởi lao động cưỡng bức”.
Các chính phủ phương Tây đã áp đặt các lệnh hạn chế nhập cảnh và trừng phạt tài chính đối với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc tham gia cuộc đàn áp. Chính phủ Hoa Kỳ cũng cấm nhập khẩu bông và cà chua từ Tân Cương, với lý do lo ngại về lao động cưỡng bức.
Chính quyền Hoa Kỳ hiện đang đánh giá xem có nên mở rộng lệnh cấm đối với các tấm pin mặt trời và nguyên liệu thô từ Tân Cương hay không, ông Kerry cho hay.
Một vấn đề nổi cộm đang được quan tâm, chính là chương trình “dịch chuyển lao động” của chính quyền, đưa công nhân ở Tân Cương vào làm việc tại các công ty sản xuất tế bào quang điện. Giới chức Trung Quốc khẳng định việc này là tự nguyện, nhưng hai nhà nghiên cứu Murphy và Elima lại cho rằng điều đó diễn ra trong “một hoàn cảnh bị ép buộc chưa từng có.
Báo cáo của họ cho biết: “Nhiều công nhân bản địa không thể từ chối hoặc tránh khỏi những công việc này. Họ nói rằng các chương trình này ‘tương đương với việc cưỡng bức di chuyển dân cư và nô dịch’.”
Hai nhà nghiên cứu Murphy và Elima cho biết, họ đã tìm thấy 11 công ty tham gia vào việc dịch chuyển lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác, theo đó là 90 doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài có chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. Do đó, các nhà sản xuất cần phải thực hiện “những thay đổi đáng kể” nếu muốn tránh các nhà cung cấp sử dụng lao động cưỡng bức.
Đáng chú ý, các nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời lớn nhất toàn cầu hiện nay — JinkoSolar Inc., LONGi Green Energy Technology Co., Trina Solar Energy Co., và JA Solar Holdings Co. — có thể tồn tại vấn nạn lao động trong chuỗi cung ứng của họ.
Theo Murphy và Elima, Trina và JinkoSolar cũng có “khả năng dịch chuyển lao động” trong các nhà máy, hơn nữa, cơ sở của JinkoSolar nằm trong một khu công nghiệp cũng có nhà tù gần đó.
Hiện nay, do nguồn cung suy giảm và nhu cầu tăng cao đã đẩy giá polysilicon tăng hơn 100% kể từ tháng 1 lên mức cao nhất trong vòng 9 năm qua.
Trong khi đó, Trung Quốc vừa là thị trường toàn cầu lớn nhất về thiết bị năng lượng mặt trời, lại vừa là nhà sản xuất lớn nhất trong lĩnh vực này.
Nguồn cung dư thừa khi hàng trăm nhà sản xuất Trung Quốc đổ xô vào ngành công nghiệp này cách đây 15 năm đã khiến giá xuống thấp. Điều đó làm tổn hại đến các đối thủ phương Tây, nhưng cũng đã đẩy nhanh việc áp dụng năng lượng mặt trời ở Hoa Kỳ và châu Âu.
Bảy trong số 10 nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời toàn cầu hàng đầu là của Trung Quốc. Canadian Solar Inc. được đăng ký tại Canada nhưng vẫn hoạt động sản xuất ở Trung Quốc. Hanwha Q-Cells của Hàn Quốc đứng thứ 6.
Nhà sản xuất Hoa Kỳ duy nhất trong danh sách này, First Solar Inc., không tiếp xúc với chuỗi cung ứng polysilicon ở Tân Cương vì công ty có trụ sở tại Tempe, Arizona, sử dụng công nghệ màng mỏng không yêu cầu polysilicon.
Ông Johannes Bernreuter, người đứng đầu Nghiên cứu Bernreuter của Đức, nhận định, hiện các nhà cung cấp cho thị trường Mỹ và châu Âu vẫn có có thể đảm bảo đủ polysilicon mà không cần nhập khẩu từ Tân Cương. Tuy nhiên, nguồn cung có thể bị siết chặt nếu các nước khác áp đặt yêu cầu tương tự.
Các nhà cung cấp tiềm năng không liên quan đến Trung Quốc bao gồm Wacker Chemie AG của Đức và chi nhánh Malaysia của OCI Co.
Dù vậy, hai nhà nghiên cứu Murphy và Elima vẫn cảm thấy quan ngại, bởi những công ty đó cũng có thể mua nguyên liệu từ nhà cung cấp lớn nhất của Tân Cương.
Từ năm ngoái, các nhà cung cấp thiết bị năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ đã cố gắng đại tu chuỗi cung ứng để loại bỏ các nhà cung cấp “có vấn đề”, theo Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời.
Hồi tháng 2, 175 công ty của Hoa Kỳ, bao gồm cả JinkoSolar, LONGi, Trina và JA Solar đều đã ký cam kết phản đối việc sử dụng lao động cưỡng bức từ các nhà cung cấp của họ.
Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa lao động cưỡng bức năng lượng mặt trời pin mặt trời Dòng sự kiện lao động Duy Ngô Nhĩ Chính sách của Biden dự án pin năng lượng mặt trời