Thỏa thuận chi tiêu do ông Trump hậu thuẫn đã thất bại tại Hạ viện
- Hải Đăng
- •
Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã không đảm bảo được số phiếu đa số cần thiết vào thứ Năm (19/12) để thông qua dự luật chi tiêu nhằm ngăn chặn việc đóng cửa chính phủ vào cuối tuần này. Đây cũng là thất bại của Tổng thống đắc cử Donald Trump trong một cuộc thử nghiệm sớm về khả năng đoàn kết những người Cộng hòa tại Quốc hội liên bang.
Dự luật chi tiêu đã thất bại với số phiếu 235-174, trong đó có 38 đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu bác bỏ dự luật.
Trong số 38 đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu chống dự luật có Dân biểu Chip Roy (Đảng Cộng hoà, Texas). Ông Roy đã có bài phát biểu tại Hạ viện chỉ trích gay gất dự luật do ông Trump ủng hộ.
Dân biểu Roy lưu ý rằng biện pháp tài chính này sẽ cho phép tăng thêm 5 nghìn tỷ USD vào nợ quốc gia, đi ngược lại nguyên tắc trách nhiệm tài chính của Đảng Cộng hoà.
Ông Roy nói rằng những dân biểu thuộc Đảng Cộng hòa bỏ phiếu thông qua biện pháp tài chính này thiếu “lòng tự trọng“.
“Tôi thực sự phát mệt vì một đảng vận động tranh cử dựa trên trách nhiệm tài chính và dám liều lĩnh tiếp cận người dân Mỹ và nói rằng quý vị nghĩ đây là trách nhiệm tài chính. Điều đó hoàn toàn vô lý“, ông Roy nói.
Số lượng thành viên Đảng Cộng hòa phản đối dự luật vào tối thứ Năm (19/11) cũng báo hiệu những thách thức lớn hơn sắp tới đối với Tổng thống Trump. Tổng thống đắc cử đã tìm cách thuyết phục Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và những người khác trong nhóm đa số Đảng Cộng hoà tại Hạ viện theo ý muốn chính trị của ông và thông qua một dự luật mới với mức trần nợ cao hơn.
Dự luật đó đã gây ra sự phản đối từ phía Đảng Dân chủ, và từ cả những người bảo thủ về tài chính trong Đảng Cộng hòa.
Với khoản nợ 36 nghìn tỷ USD và khoản thâm hụt 1,8 nghìn tỷ USD vào năm 2024, một số dân biểu Cộng hoà bảo thủ phản đối một nghị quyết tiếp tục, theo đó sẽ hoãn thời hạn cấp vốn đến tháng Ba và duy trì mức chi tiêu ở mức năm 2024. Thỏa thuận được ông Trump thúc đẩy này sẽ bao gồm việc đình chỉ giới hạn nợ công trong hai năm, từ đó làm dấy lên sự phản đối hơn nữa trong số một số đảng viên Cộng hòa.
Trước đó, ông Trump và tỷ phú Elon Musk đã can thiệp vào quá trình thông qua dự luật chi tiêu và phá hỏng thỏa thuận chi tiêu đầu tiên, vốn đã được lên kế hoạch thông qua vào tối thứ Tư (18/12) với sự ủng hộ của cả hai đảng.
Trước cuộc bỏ phiếu về dự luật mới vào thứ Năm (19/12), các dân biểu Dân chủ đã lớn tiếng phản đối, nhiều người hô lớn “không đời nào”, qua đó thể hiện rõ ràng sự không hài lòng về cách dự luật chi tiêu mới được đưa ra sàn Hạ viện.
Sau khi dự luật bị bác bỏ, Chủ tịch Mike Johnson ngay lập tức bắt đầu họp với một nhóm đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu chống lại dự luật. Đây là một nỗ lực tiếp tục của ông Johnson nhằm củng cố sự ủng hộ cho một cuộc bỏ phiếu khác vào thứ Sáu (20/12).
“Chúng tôi rất thất vọng khi tất cả trừ hai đảng viên Dân chủ đều bỏ phiếu chống lại viện trợ cho nông dân và chủ trang trại, chống lại cứu trợ thiên tai, chống lại tất cả các biện pháp lưỡng đảng đã được đàm phán và quyết định. Một lần nữa, điểm khác biệt duy nhất trong luật này là chúng ta sẽ đẩy trần nợ lên tháng 1 năm 2027”, ông Johnson nói sau cuộc bỏ phiếu không thành công.
“Tôi muốn tất cả quý vị nhớ rằng chỉ vào mùa xuân năm ngoái, những người theo Đảng Dân chủ đã chỉ trích Đảng Cộng hòa và nói rằng việc giữ giới hạn nợ, giữ trần nợ làm con tin là vô trách nhiệm“, ông Johnson nói thêm.
Chủ tịch Johnson không cung cấp thông tin chi tiết khi các phóng viên hỏi ông về các bước tiếp theo sau cuộc bỏ phiếu thất bại.
“Chúng tôi sẽ đưa ra một giải pháp khác“, ông Johnson nói với báo giới.
Nguồn tài trợ cho chính phủ sẽ hết hạn vào nửa đêm thứ Sáu (20/12). Nếu các nhà lập pháp không gia hạn thời hạn đó, chính phủ Hoa Kỳ sẽ bắt đầu đóng cửa một phần, điều này sẽ làm gián đoạn nguồn tài trợ cho mọi thứ, từ thực thi biên giới đến các công viên quốc gia và cắt giảm tiền lương của hơn 2 triệu công nhân liên bang. Cục An ninh Giao thông Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng du khách trong mùa lễ bận rộn có thể phải xếp hàng dài tại các sân bay.
“Quốc hội phải xóa bỏ hoặc gia hạn đến tận năm 2029, mức trần nợ vô lý này. Nếu không có điều này, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được thỏa thuận. Hãy nhớ rằng, áp lực sẽ đè nặng lên bất kỳ ai là Tổng thống“, Tổng thống đắc cử Trump nói trong bài đăng trên Truth Social vài giờ sau khi dự luật chi tiêu do ông ủng hộ bị bác bỏ.
Lần đóng cửa chính phủ Hoa Kỳ gần đây nhất diễn ra vào tháng 12 năm 2018 và tháng 1 năm 2019 trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump tại Nhà Trắng.
Tình trạng bất ổn này cũng đe dọa đến vị trí Chủ tịch Hạ viện của ông Johnson, dân biểu vốn có tính cách ôn hòa, đại diện cho tiểu bang Louisiana. Ông Johnson đã nhiều lần phải nhờ đến sự giúp đỡ của Đảng Dân chủ trong việc thông qua luật khi ông không thể vận động được phiếu bầu từ chính đảng của mình.
Ông đã thử động thái tương tự vào thứ Năm (19/12), nhưng lần này đã thất bại.
Hải Đăng (T/h)
Từ khóa Donald Trump Hạ Viện Mỹ Dòng sự kiện Dự luật chi tiêu chính phủ Hoa Kỳ