Thủ tướng Hungary Orban: NATO ngày càng tiến gần đến chiến tranh với Nga
- Mộc Vệ
- •
Sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các nước thành viên liên minh quân sự NATO xem xét lại việc hạn chế sử dụng vũ khí cung cấp cho Ukraine, Thủ tướng Viktor Orban của Hungary nói rằng NATO đang tiến gần hơn đến chiến tranh với Nga.
Reuters đưa tin, ngày 31/5 trong khi NATO đang họp ở thủ đô Praha của Séc để thảo luận về việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Thủ tướng Orban của Hungary lên tiếng cho rằng kế hoạch can dự nhiều hơn vào cuộc chiến Nga-Ukraine của NATO giống như lính cứu hỏa cố gắng chữa cháy bằng dùng súng phun lửa.
Orban cho biết quyết định của các thành viên NATO gửi quân nhân tới Ukraine sẽ có nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới hơn là bảo vệ các thành viên của liên minh: “Thay vì bảo vệ chúng ta, NATO đã lôi các nước thành viên của chúng ta vào một cuộc chiến tranh thế giới, điều này thật nực cười. Nực cười như việc một người lính cứu hỏa quyết định dập lửa bằng súng phun lửa”.
Ông Orban cũng nói rằng các cuộc đàm phán về việc cử các huấn luyện viên quân sự của Pháp tới Ukraine và cho phép lực lượng Ukraine sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công các mục tiêu ở Nga là những ý tưởng “đáng lo ngại“, như thế sẽ khiến NATO tiến gần hơn đến việc tham gia vào chiến tranh. Mỗi tuần trôi qua, NATO lại “tiến gần hơn đến chiến tranh”.
Kể từ khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, ông Orban – người luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền Moscow – thường xuyên tranh chấp với các nước phương Tây về vấn đề hỗ trợ Ukraine. Mối quan hệ giữa Budapest và NATO đã trở nên căng thẳng khi Hungary trì hoãn phê duyệt tư cách thành viên của Thụy Điển vào liên minh.
Ngay cả khi các nhà lãnh đạo Kiev kêu gọi chính phủ các nước nới lỏng vấn đề quy định hạn chế sử dụng vũ khí đối với Ukraine, các nước phương Tây trong những tuần gần đây dường như ngày càng chia rẽ về việc liệu có nên cho Ukraine được phép tấn công các mục tiêu ở trong nước Nga hay không.
Đầu tháng Năm, Ngoại trưởng Hungary tuyên bố thành viên NATO Hungary sẽ không tham gia vào kế hoạch dài hạn của liên minh quân sự này trong vấn đề hỗ trợ Ukraine. Budapest coi kế hoạch viện trợ dài hạn này là “sứ mệnh điên rồ”.
Ngày 27/5, các ngoại trưởng EU kêu gọi Hungary ngừng chặn hàng tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine.
Ngày 30/5, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết trong bài phát biểu tại Praha rằng, để hỗ trợ chính quyền Kiev trong cuộc chiến chống lại quân Nga, đã đến lúc các nước thành viên NATO phải xem xét lại việc đưa ra các hạn chế sử dụng vũ khí phương Tây đối với Ukraine: “Các đồng minh đang cung cấp nhiều loại hỗ trợ quân sự khác nhau cho chính quyền Kiev, nhưng trong đó có một số áp đặt hạn chế đối với việc sử dụng những loại vũ khí này… “.
“Nhưng tôi nghĩ với tình hình đang thay đổi của cuộc chiến này… đã đến lúc xem xét một số hạn chế về vũ khí này như một cách để cho phép người Ukraine thực sự tự vệ”, ông Stoltenberg nói.
Về vấn đề này, các đồng minh của chính quyền Kiev như Anh, Đan Mạch và các nước vùng Baltic cho rằng việc cho phép Ukraine dùng vũ khí NATO tấn công vào lãnh thổ Nga là một phần tự vệ chính đáng trước sự xâm nhập của quân đội Nga. Nhưng có những nước khác phản ánh lo ngại rằng điều đó sẽ lôi kéo các nước phương tây và cuộc chiến.
Tuần này, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết Bỉ có kế hoạch trong năm nay bắt đầu cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu F-16, nhưng hạn chế loại máy bay này sẽ chỉ được sử dụng tự vệ ở Ukraine.
Nhà chức trách Berlin cũng đưa ra cảnh báo tương tự về việc Ukraine sử dụng vũ khí hạng nặng do Đức sản xuất, trong đó có xe tăng Panther.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev thì nói rằng: “Nga coi tất cả vũ khí tầm xa mà Ukraine sử dụng đều được quân nhân các nước NATO trực tiếp kiểm soát. Đây không phải hỗ trợ quân sự, mà là trực tiếp tham gia vào cuộc chiến chống lại chúng tôi”. “Đó có thể là hành động khai chiến”.
Ông Medvedev tuyên bố rằng Nga “không nói đùa” về khả năng dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine, đồng thời cảnh báo về xung đột với phương Tây.
Ông Medvedev nhấn mạnh phương Tây sẽ phạm “sai lầm chết người” khi nghĩ rằng Nga không sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm vào Ukraine. Ông cũng nói về khả năng tấn công các quốc gia thù địch bằng vũ khí hạt nhân chiến lược, song không nêu cụ thể là những nước nào.
“Đây không phải hăm dọa hay nói đùa. Xung đột quân sự hiện nay với phương Tây đang diễn tiến theo kịch bản tồi tệ nhất có thể”, ông nói.
Theo Medvedev, việc Ukraine sử dụng vũ khí NATO đang có chiều hướng leo thang, nên “không ai có thể loại trừ khả năng xung đột đang tiến đến giai đoạn quyết định”. Moscow từ lâu cho rằng sự can dự của phương Tây ở Ukraine đồng nghĩa đang xung đột với Nga.
Mộc Vệ (t/h)
Từ khóa Viktor Orban Chiến tranh Nga - Ukraine