Thủ tướng Sri Lanka từ chức, lệnh giới nghiêm được áp đặt sau các cuộc đụng độ
- Lê Vy
- •
Thủ tướng Sri Lanka đã từ chức hôm thứ Hai (9/5) để nhường chỗ cho một “chính phủ đoàn kết mới” nhằm cố gắng đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử, nhưng những người biểu tình cho biết họ cũng muốn em trai ông từ chức Tổng thống.
Trong lá thư từ chức của mình, Thủ tướng Mahinda Rajapaksa cho biết ông sẽ từ chức để giúp thành lập một chính phủ lâm thời, đoàn kết mới.
“Nhiều bên liên quan đã chỉ ra giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay là thành lập một chính phủ lâm thời bao gồm tất cả các đảng”, bức thư viết.
“Vì vậy, tôi đã nộp đơn từ chức để các bước tiếp theo có thể được thực hiện theo đúng Hiến pháp.”
Nalaka Godahewa, một phát ngôn viên của chính phủ, cho biết tất cả các thành viên nội các cũng đã từ chức.
“Bây giờ Tổng thống sẽ mời các đảng chính trị khác để thành lập một chính phủ đoàn kết,” ông nói với Reuters.
“Tổng thống sẽ gặp gỡ các đảng phái chính trị độc lập và đối lập và chúng tôi mong đợi một chính phủ mới trong vài ngày tới.”
Tuyên bố từ chức của Thủ tướng Mahinda Rajapaksa được đưa ra chỉ vài giờ sau khi xung đột nổ ra ở thủ đô Colombo, nơi những người ủng hộ chính phủ xô xát với những người biểu tình chống chính phủ và bị cảnh sát đánh trả bằng hơi cay và vòi rồng.
Nghị sĩ đảng cầm quyền Amarakeerthi Athukorala đã chết sau khi đụng độ với những người biểu tình chống chính phủ ở thị trấn Nittambuwa gần Colombo, một nguồn tin cảnh sát nói với Reuters mà không cho biết thêm chi tiết.
Ít nhất ba người khác bị thương và tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng, nguồn tin cho biết thêm.
Lệnh giới nghiêm trên toàn quốc đã được áp dụng, bên cạnh tình trạng khẩn cấp mà Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa – em trai của Thủ tướng, được gọi là Gota – đã tuyên bố vào tuần trước trong bối cảnh xuất hiện các cuộc biểu tình leo thang.
“Tôi lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực đang diễn ra bởi những kẻ xúi giục và tham gia, không phân biệt đảng phái chính trị,” Tổng thống Rajapaksa nói trong một tweet. “Bạo lực sẽ không giải quyết được các vấn đề hiện tại.”
Quốc đảo 22 triệu dân này đã bị cắt điện kéo dài và thiếu các mặt hàng thiết yếu, bao gồm nhiên liệu, gas để nấu ăn và thuốc men, và chính phủ chỉ còn lại khoảng 50 triệu USD dự trữ ngoại hối ít ỏi có thể sử dụng được.
Lê Vy (theo Reuters)
Từ khóa khủng hoảng tại Sri Lanka hỗn loạn tại Sri Lanka thủ tướng Sri Lanka từ chức