Hôm thứ Hai (7/10), Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết khối ASEAN phải đóng vai trò chủ chốt trong việc chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài ở Myanmar. Bà Shinawatra đưa ra tuyên bố này trước thềm hội nghị thượng đỉnh tại Lào vào tuần này của các nhà lãnh đạo nhóm 10 quốc gia Đông Nam Á. 

Paetongtarn Shinawatra 18 8
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, con gái của cưụ Thủ tướng Thaksin Shinawatra, phát biểu tại buổi họp báo sau khi được hoàng gia tán thành cương vị Thủ tướng mới của Thái Lan tại Bangkok vào ngày 18 tháng 8 năm 2024. (Nguồn ảnh: CHANAKARN LAOSARAKHAM/AFP via Getty Images)

Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ tháng 2/2021, khi quân đội nước này lật đổ chính phủ dân sự, gây ra các cuộc biểu tình đã biến thành cuộc nổi loạn vũ trang chống lại chính phủ quân sự cầm quyền.

“ASEAN phải đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại hòa bình cho Myanmar càng sớm càng tốt”, bà Shinawatra trình bày tại một sự kiện ở Bangkok.

Bà cho biết Thái Lan sẽ hợp tác với Malaysia, nước chủ tịch ASEAN vào năm tới, để sử dụng các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết xung đột, đồng thời nhấn mạnh những gì có thể là nỗ lực mới của khối này nhằm thúc đẩy một giải pháp khi các nhà lãnh đạo của họ họp tại hội nghị thượng đỉnh thường niên vào thứ Tư (9/10).

Người tiền nhiệm của bà Shinawatra, ông Srettha Thavisin, đã nói với Reuters vào tháng Tư rằng chính phủ quân sự Myanmar đã bị suy yếu, tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán, đồng thời nói thêm rằng, “có lẽ đã đến lúc phải tiếp cận và đạt được thỏa thuận”.

Cho đến nay, nỗ lực hòa bình của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên – được gọi là Đồng thuận Năm điểm – đã đạt được rất ít tiến triển kể từ khi được công bố vào tháng 4/2021, mặc dù có nhiều lần kêu gọi đối thoại.

Chính phủ quân sự Myanmar đã từ chối đàm phán với các đối thủ, gọi họ là những kẻ khủng bố muốn phá hoại đất nước.

Cuộc xung đột dai dẳng khiến 1/3 trong số 55 triệu người dân Myanmar cần viện trợ nhân đạo sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự tại cuộc họp ở Lào.

ASEAN tiếp tục cấm giới lãnh đạo chính phủ quân sự Myanmar tham dự các hội nghị thượng đỉnh của khối vì họ không tuân thủ kế hoạch hòa bình mà họ đã nhất trí ban đầu, điều đã làm phiền lòng cho các quốc gia có ảnh hưởng nổi bật trong khối.

Tuần trước, trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Indonesia đã tổ chức một cuộc họp quốc tế có sự tham gia của Liên Hiệp Quốc và những người phản đối quân đội Myanmar.